Sau 3 năm mua lại Zalora, "ông lớn” Robins của Thái Lan đã phải dừng bước trên chiến trường TMĐT Việt Nam

Sau 3 năm mua lại Zalora, "ông lớn” Robins của Thái Lan đã phải dừng bước trên chiến trường TMĐT Việt Nam

Thương mại điện tử là thị trường khốc liệt khi các bên đều phải "đốt" rất nhiều tiền nhưng chỉ có người trụ lại cuối cùng mới là người chiến thắng. Trên hành trình "hao tiền tốn của" đó, nhiều tay chơi phải bỏ ngang giữa chừng, mà mới đây nhất là ông lớn đến từ Thái Lan, tập đoàn Central Group.

Theo thông báo mới nhất trên website TMĐT Robins.vn, tính năng mua sắm trực tuyến sẽ tạm dừng từ ngày 27/3. Thay vào đó, trang web này chỉ còn chức năng giới thiệu thông tin về hai cửa hàng Robins Department Store ở Hà Nội và TP.HCM.

Sau 3 năm mua lại Zalora, ông lớn” Robins của Thái Lan đã phải dừng bước trên chiến trường TMĐT Việt Nam - Ảnh 1.

Thông báo trên website Robins.vn

Tương tự như vậy, ứng dụng Robins tuy vẫn còn một số sản phẩm, nhưng không thể thanh toán sau khi thêm vào giỏ hàng.

Central Group là tập đoàn sở hữu siêu thị Big C sau thương vụ mua lại vào năm 2016. Ông lớn ngành bán lẻ Thái Lan cũng nắm trong tay chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim và hàng chục cửa hàng mua sắm trên cả nước.

Năm 2012, Zalora đặt chân vào Việt Nam và sau đó bị Central Group mua lại vào năm 2016. Một năm sau, Central Group Việt Nam khai tử cái tên Zalora và chuyển thành Robins, đồng nhất với thương hiệu bán lẻ truyền thống của tập đoàn này.

Trước Robins, sàn TMĐT Vuivui.com của Thế Giới Di Động cũng đóng cửa vào cuối 2018 sau hai năm hoạt động theo mô hình B2C (Business to customer). CEO đương thời, ông Nguyễn Đức Tài từng tự tin cho rằng, VuiVui.com sẽ vượt cả Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh, là bên có dịch vụ khách hàng đứng số 1 trong lĩnh vực TMĐT nhưng mọi thứ đã không đúng như dự định.

Dù cạnh tranh khốc liệt nhưng TMĐT vẫn là thị trường đầy hấp dẫn. Theo báo cáo chỉ số TMĐT 2019 của Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) mới công bố gần đây, quy mô thị trường năm 2018 ở mức 7,8 tỷ USD. Thị trường này bao gồm bán lẻ trực tuyến, du lịch trực tuyến, tiếp thị trực tuyến, giải trí trực tuyến và mua bán trực tuyến các dịch vụ và sản phẩm số hoá khác.

Nếu tốc độ tăng trưởng của năm 2019 và 2020 tiếp tục ở mức 30% thì tới năm 2020, quy mô thị trường sẽ lên tới 13 tỷ USD.

Theo Trí Thức Trẻ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận