Tại sao Apple giờ không giữ được bí mật như xưa?

Tại sao Apple giờ không giữ được bí mật như xưa?

Tại sao Apple không tiếp tục giữ bí mật được nữa?

Khi Apple tổ chức sự kiện đặc biệt vào ngày 12/9, hầu như chúng ta đã biết được khá nhiều về những gì họ sẽ giới thiệu. Trên thực tế, từ vài năm nay, Apple dường không còn giữ được bí mật về các sản phẩm mới của mình trước thời điểm giới thiệu. Công ty nổi tiếng với cụm từ "one more thing" (còn một điều nữa...) giờ không còn điều gì gây bất ngờ cho người dùng trong các buổi ra mắt sản phẩm nữa.Tại sao Apple giờ không giữ được bí mật như xưa?

Sự thật, khả năng giữ bí mật của Apple chưa bao giờ kinh khủng như chúng ta hình dung về họ. Chiếc iMac "Luxo", G4 Cube, vụ iPhone 4 bị mất/đánh cắp nổi tiếng… thì danh sách các sản phẩm vô tình bị lộ trước ngày giới thiệu của Apple vẫn sẽ tiếp tục. Tuy nhiên, những rò rỉ trước chủ yếu là suy đoán dựa trên các thông tin trích dẫn, hình ảnh mờ của nguyên mẫu hoặc trang sản phẩm xuất hiện quá sớm.

Hiện tượng rò rỉ ngày nay lại khác hơn một chút. Chúng chính xác hơn và đến từ các nguồn rò rỉ đáng tin cậy. Điều đó có nghĩa là Steve Jobs giỏi giữ bí mật hơn Tim Cook? Có lẽ là không.

Thời đại đã thay đổi và thế giới mà iPhone X tồn tại hiện nay khác xa so với iPhone đời đầu. Việc bảo mật cho iPhone bây giờ khác xưa, với sự xuất hiện của vô số thiết bị kết nối Internet bỏ túi có thể ghi hình. Dưới đây là 3 lý do tại sao iPhone bây giờ bị rò rỉ nhiều hơn trước đây, theo phân tích của trang Fast Company.

1. Có nhiều đối tác tham gia hơn. Apple mất 74 ngày để bán được một triệu chiếc iPhone đầu tiên. Hiện nay thì họ bán với số lượng nhiều hơn rất nhiều. Sản xuất điện thoại với số lượng lớn như vậy có nghĩa là sẽ có nhiều người tham gia hơn và tạo ra nhiều cơ sở hạ tầng hơn. Điều này làm cho việc giữ bí mật khó khăn hơn trước đây rất nhiều. Apple đã tự mình thiết kế nhiều thành phần của iPhone – bao gồm cả thiết kế chip – nhưng họ vẫn dựa trên vô số nhà cung cấp các linh kiện bao gồm cả đối thủ Samsung. Càng nhiều bên tham gia thì khả năng bị rò rỉ càng tăng lên.

2. Nhiều người quan tâm hơn. Để ý đến Apple bây giờ không chỉ có các tờ báo và các trang web công nghệ nữa. Nhiều kênh trước đây không quan tâm bây giờ phải theo dõi Apple sát sao như các ấn phẩm chuyên về kho vận hay liên quan đến chuỗi cung ứng. Nhiều ngành bây giờ phụ thuộc sự sống còn vào Apple. Các nhà sản xuất vỏ bảo vệ và phụ kiện "sống hay chết" là tùy thuộc vào khả năng tiếp cận nhanh chóng hay không với các sản phẩm mới nhất của Apple. Việc nhìn thấy sản phẩm của Apple sớm đảm bảo sản phẩm của họ có thể cung cấp ra thị trường ngay từ những ngày đầu tiên. Và vì Apple không cung cấp thông số kỹ thuật hoặc kiểu dáng thiết kế các sản phẩm sắp tới của mình ít nhất là với phần lớn các nhà sản xuất nên các nhà sản xuất phụ kiện buộc phải dựa vào các nguồn rò rỉ.

Trong blog của mình, công ty chuyên về dịch vụ kho vận cho chuỗi cung ứng Flexport lưu ý rằng các nhà sản xuất thuê cho Apple như Foxconn sử dụng hàng trăm nghìn công nhân trên các dây chuyền lắp ráp iPhone: ""Không có cách nào để ngăn chặn tin đồn từ từ bị rò rỉ ra trước ngày giới thiệu".

3. Sự liên quan của chính phủ. iPhone ban đầu được bán vào tháng 7/2007. Nhưng Steve Jobs đã giới thiệu nó 6 tháng trước đó, vào tháng Giêng. Ông đã làm như vậy một phần vì điện thoại yêu cầu gửi hồ sơ công khai lên Cơ quan cấp phép thiết bị truyền thông (FCC) của Mỹ. Điều đó làm cho việc giữ bí mật thông tin cho đến thời điểm cuối cùng trở nên khó khăn hơn. Đến nay, những hồ sơ gửi lên FCC vẫn là nguồn rò rỉ.

Sự kết hợp của những yếu tố trên làm Apple ngày càng khó khăn hơn trong việc giữ bí mật cho sản phẩm của mình cho đến giây phút cuối cùng. Vậy tại sao Apple vẫn cố gắng làm như vậy? Tim Cook đã tuyên bố rằng "giữ bí mật là lí do tồn tại của tôi". Rõ ràng, công ty tin rằng vẫn còn những giá trị mà họ có thể giữ bí mật đến phút cuối.

Một số người cho rằng Apple muốn giữ bí mật các sản phẩm sắp tới bởi vì nếu có nhiều thông tin bị rò rỉ thì có thể ảnh hưởng đến doanh số của các thiết bị hiện tại (vì khách hàng có tâm lý chờ đợi các sản phẩm mới với những cải tiến hấp dẫn hơn). Tuy nhiên, đó không phải là câu trả lời đầy đủ. Lịch phát hành của Apple - đặc biệt đối với điện thoại - phần lớn có thể dự đoán được. Ngay cả khi khách hàng không biết chi tiết cụ thể của phiên bản tiếp theo, họ vẫn nắm được lịch trình và chắc chắn thiết bị mới sẽ có một số cải tiến.

Một lý do khác là Apple dành nhiều thời gian, tiền bạc cho nghiên cứu, phát triển và không muốn các đối thủ nắm các thông tin này để đánh bại họ (ví dụ như đối thủ có thể nhanh chân tiếp thị các tính năng tương tự với sản phẩm sắp tới của Apple dựa trên các tài liệu rò rỉ về công nghệ họ đang nghiên cứu).

Apple đã cho thấy họ vẫn có nhiều biện pháp để cố gắng ngăn chặn sự rò rỉ. Họ sa thải một nhân viên khi con gái của ông ta đăng một video về chiếc iPhone X chưa được phát hành và cảnh báo nhân viên có thể bị pháp luật xử lí nếu làm lộ bí mật của công ty.

Năm 2014, Apple Watch được giới thiệu. Mặc dù sản phẩm đã được ấp ủ khá lâu nhưng tại thời điểm trước khi ra mắt có rất ít thông tin chi tiết về thiết bị này bị giới truyền thông khai thác. Cũng trong năm 2014, Apple thậm chí còn giới thiệu ngôn ngữ lập trình Swift trước cộng đồng các nhà phát triển dù trước đó họ hầu như không có động thái gì.

Và dù những model iPhone mới có lộ diện chi tiết như thế nào đi nữa trước sự kiện giới thiệu thì Apple vẫn còn đó trong tay áo những con bài bí mật (là các sản phẩm mới) để gây bất ngờ cho mọi người. Và các sản phẩm không mong đợi này đôi khi lại chính là điều thú vị nhất mà Apple muốn mang đến cho chúng ta.

Bạch Đằng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận