Tài xế GrabBike đề xuất định danh lại nghề nghiệp, không áp dụng chung một biểu thuế

Tài xế GrabBike đề xuất định danh lại nghề nghiệp, không áp dụng chung một biểu thuế

Chiều 6/9, khoảng trên dưới 100 tài xế GrabBike đã có buổi gặp với đại diện Cục thuế TP.HCM và Cty TNHH Grab Việt Nam để nêu các thắc mắc về vấn đề nộp thuế.

Hầu hết tài xế hai bánh đều bày tỏ không hài lòng khi phải đóng khoản thuế 3% VAT và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (tổng cộng 4,5%) đối với những người có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Với khoản thuế này, lái xe phải đóng ít nhất 4,5 triệu đồng nếu đạt thu nhập 100 triệu đồng/năm. 

Tài xế GrabBike đề xuất định danh lại nghề nghiệp, không áp dụng chung một biểu thuế

Ông Phạm Mi Sên, tài xế GrabBike, đang trình bày kiến nghị tại buổi gặp với Grab và cơ quan thuế - Ảnh: Hải Đăng

Cách đây hơn một tuần, như ICTnews đã thông tin, một số tài xế GrabBike tụ tập ở hai văn phòng của Grab tại TP.HCM nhằm bày tỏ không đồng tình với các khoản thuế mà Grab thu hộ. Theo đó, gần hết năm 2019, một số tài xế bắt đầu đạt thu nhập 100 triệu đồng (tức phải chịu thuế), Grab đã thực hiện việc thu hộ với khoản tiền khoảng vài chục ngàn mỗi ngày (để đủ khoảng 4,5 triệu đồng/năm đến hết tháng 12/2019).

Grab và đại diện Cục thuế TP.HCM đã có buổi đối thoại với tài xế GrabBike chiều 6/9 nhằm lắng nghe ý kiến của các tài xế.

Tại buổi gặp, ông Nguyễn Văn Thiện – Trưởng Phòng tuyên truyền Cục Thuế TP.HCM khẳng định Grab được cơ quan thuế hướng dẫn thu hộ thuế theo luật, không làm gì sai với luật. 

“Tuy nhiên, có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế thì nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là lắng nghe và ghi nhận tất cả các ý kiến của anh chị, sau đó kiến nghị với Tổng cục thuế trình với Chính phủ để sửa luật phù hợp với thực tiễn”, ông Thiện nói.

Ông Phạm Mi Sên gửi một bản kiến nghị gồm 3 vấn đề lên cơ quan thuế. Bản kiến nghị này được chuyền tay nhau để tài xế ký tên ủng hộ.

Trong bản kiến nghị, ông Sên cho biết hiện nay đang tính thuế cho xe ôm công nghệ theo biểu thuế của cá nhân kinh doanh là không hợp lý. 

Theo cách định danh này, tài xế GrabBike được định danh tương đồng với các phương tiện vận chuyển khác để áp dụng chung một biểu thuế.

Ông Sên cho rằng cách “đánh đồng” này chưa hợp lý vì lái xe hai bánh đối mặt với nhiều vấn đề hơn so với các hình thức vận tải khác bằng xe ô tô, xe con. Lái xe hai bánh tiếp xúc trực tiếp với thời tiết khắc nghiệt, với ô nhiễm môi trường, khói bụi, khí thải độc hại dẫn đến nguy cơ mắc phải các chứng bệnh nghề nghiệp cao hơn hẳn so với các đồng nghiệp sử dụng phương tiện khác.

Lái xe hai bánh cũng đối mặt với các nguy cơ về tai nạn giao thông cao hơn; đối mặt với nguy cơ rất lớn về khả năng bị trấn lột, bị cướp. 

Ông Sên đề xuất nâng mức chịu thuế của tài xế hai bánh lên 150 triệu đồng/năm. Nhiều tài xế khác đồng tình với việc tăng giới hạn chịu thuế, vì thu nhập 100 triệu đồng/năm ở khu vực TP.HCM là không đủ sống đối với nhiều gia đình mà tài xế công nghệ là lao động chính.

Ngoài ra, Grab thu hộ thuế của tài xế và đóng cho cơ quan thuế dẫn đến việc xác nhận nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế còn chưa thông suốt. Ông Sên đại diện tài xế yêu cầu Grab và cơ quan thuế phối hợp để cấp mã số thuế cho tài xế, đồng thời có giấy chứng nhận nộp thuế phù hợp cho tài xế.

Ngoài ông Sên, có nhiều tài xế khác đề xuất những vấn đề khác. Chẳng hạn yêu cầu Grab thu thuế vào cuối ngày thay vì đầu ngày như hiện nay, đề xuất giảm trừ gia cảnh. Thậm chí có người đề xuất bỏ hẳn thu thuế tài xế xe ôm, vì “xe ôm” là nghề “dưới đáy xã hội”, nhà nước cần hỗ trợ.

Đại diện Grab tại sự kiện hứa tập hợp các ý kiến hợp lý của tài xế, phối hợp với cơ quan thuế TP.HCM để trình lên các cấp cao hơn để có giải pháp thoả đáng. Grab cho biết vẫn luôn nỗ lực liên hệ cơ quan quản lý thuế để trao đổi nhằm xin điều chỉnh một chế tài thuế mềm mại hơn cho các đối tác tài xế của công ty.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận