Techfest Mekong 2019: Startup chạy đà cho phát triển kinh tế vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Techfest Mekong 2019: Startup chạy đà cho phát triển kinh tế vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long

Kết nối startup vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng. Nhiều dự án của các starup đã hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương như: Nuôi trồng hải sản, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0...

Startup kết nối trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết: Chợ Công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long 2019 (Techmart - Techfest Mekong 2019) đã trưng bày hơn 800 kết quả nghiên cứu với hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ tiêu biểu tập trung vào hai ngành công nghiệp vùng Đồng bằng song Cửu Long là công nghiệp chế biến lương thực, chế biến thuỷ, hải sản.

Đồng thời, nhằm tạo lập môi trường gắn kết KH&CN với sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thiết bị và sản phẩm tạo năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển của các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Lễ khai mạc.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Cùng với việc giao lưu, hợp tác, chuyển giao công nghệ, quảng bá sản phẩm, mở rộng phát triển thị trường của các tỉnh trong khu vực với các tỉnh, thành trong nước, Techmart – Techfest Mekong 2019 còn thúc đẩy kết nối các starup với thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia nói chung. Bên cạnh đó, thúc đẩy kết nối giữa quỹ đầu tư, nhà đầu tư với các dự án khởi nghiệp.

Hiện nay, những dự án khởi nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Cần Thơ nói riêng đã khẳng định thế mạnh của các địa phương trong vùng bởi lực lượng thanh niên có tinh thần khởi nghiệp cao, đầy ham mê và nhiệt huyết, có ý chí phấn đấu, vượt khó vươn lên với nhiều ý tưởng mới có tính sáng tạo. Tuy nhiên, các dự án hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương nên chủ yếu vẫn tập trung ở một số lĩnh vực: nông nghiệp, chế biến lâm sản và du lịch...

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng cho rằng: Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng kinh tế xã hội của cả nước với thế mạnh là sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn vùng chiếm 33,2% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Vì vậy, việc kết nối các starup với thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh, thành phố trong cả nước rất quan trọng nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ, quảng bá các kết quả nghiên cứu và mở rộng phát triển thị trường KH&CN.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng phát biểu tại Lễ khai mạc.

Ngoài ra, góp phần thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất các sản phẩm, chế phẩm sinh học hỗ trợ cho sự phát triển sản phẩm xuất khẩu là gạo và thủy sản như: hệ thống giám sát môi trường và điều khiển tự động cho vườn cây, công nghệ sản xuất chế phẩm vi sinh phòng trừ vi nấm và tuyến trùng gây hại cây trồng, hệ thống sấy nông sản dạng tháp, máy gieo hạt công nghệ cao, hệ thống dây chuyền thiết bị xử lý rác thải sinh hoạt thành phân bón hữu cơ...

Startup hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển vùng

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết: Techfest vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần đẩy mạnh “Kết nối đầu tư giữa startup vùng Đồng bằng sông Cửu Long với doanh nghiệp" nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển thị trường và đặt hàng sản phẩm của starup, tổng số tiền đầu tư dành cho startup vùng Đồng bằng sông Cửu Long lên đến 755.000 USD.

Các dự án khởi nghiệp có chất lượng tốt, biết khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng là nông nghiệp và thủy hải sản, dự án của các starup đã hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương như: Nuôi trồng hải sản, phát triển nông nghiệp xanh, năng lượng xanh, ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0...

Đặc biệt, nhiều sinh viên các trường đại học trong vùng như: Cần Thơ, An Giang… đã biết làm việc nhóm, kết hợp với giảng viên của các trường đại học, kết hợp cùng doanh nghiệp, doanh nhân, nên những dự án đều mang đậm “hơi thở” cuộc sống.

Cùng với sự phát triển của công nghệ 4.0, starup đã biết tích hợp giữa phần mềm máy tính, điện thoại di động với IoT (internet vạn vật) với các phần mềm khác về cơ sở dữ liệu để đưa ra những mô hình kinh doanh mới, có tiềm năng phát triển và có khả năng nhân rộng.

Đại diện cho khối doanh nghiệp cho rằng: Việc kết nối của startup với doanh nghiệp giúp hỗ trợ các doanh nghiệp có cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh có chung chí hướng để bổ trợ cho nhau, cùng nhau phát triển, tìm kiếm sản phẩm mới. Đồng thời, giúp doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, làm cho sản phẩm của doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hơn, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Techfest vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã mở ra cơ hội cho các startup trong vùng gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư để hợp tác, đầu tư phát triển sản phẩm, dự án, mô hình kinh doanh, mở rộng thị trường. Ngoài ra Techfest vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long với Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Thêm nữa là sự khẳng định các thành tựu về KH&CN đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các dự án, ý tưởng khởi nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mang tính thiết thực và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn.

Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở KH&CN Cần Thơ nhấn mạnh: Sự kiện góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học... thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của các địa phương trong vùng, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia.

Trong khuôn khổ Techfest vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhiều dự án "tiềm năng" hướng đến giải quyết những vấn đề của địa phương được trao giải tại cuộc thi “Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: Dự án “Giấy dừa Bến Tre” của Công ty TNHH Escoco Vietnam, Dự án “Sữa bí đỏ” của Công ty TNHH sản xuất chế biến nông sản Vạn Tín Organics; Dự án "Hệ thống điều khiển và giám sát tự động quạt nước hồ tôm" của sinh viên Trần Phước Đạt, Đại học Trà Vinh; Dự án "Kỹ thuật sản xuất ống hút bằng nước dừa" của Công ty TNHH Chế biến sản phẩm dừa Cửu Long…

Techmart - Techfest Mekong 2019 nằm trong chuỗi Ngày hội khởi nghiệp tại các vùng trọng điểm như: Techfest vùng Đông Nam Bộ, Techfest Tây Nguyên, Techfest vùng Đồng bằng sông Hồng và Trung du miền núi Bắc Bộ.

Dự kiến, Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia sẽ được Bộ KH&CN tổ chức từ ngày 3-6/12 tại tỉnh Quảng Ninh. Các dự án đoạt giải Nhất, giải Nhì tại các vùng sẽ tham gia cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp sáng tạo quốc gia 2019".

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận