Thúc đẩy hình thành ngành Hoạnh định tài chính cá nhân Việt Nam

Thúc đẩy hình thành ngành Hoạnh định tài chính cá nhân Việt Nam

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam mong muốn các diễn giả, các chuyên gia và quý vị quan tâm cùng làm rõ một số vấn đề chính như: Sự cần thiết và lịch sử phát triển của ngành hoạch định tài chính và tư vấn tài chính cá nhân trên thế giới; Kinh nghiệm quốc tế về thiết lập các tiêu chuẩn chuẩn hoá nghề nghiệp hoạch định tài chính cá nhân trên thế giới; Thực trạng về sự phát triển của lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân ở Việt Nam và tìm kiếm các giải pháp để thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực của quốc tế.

Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam phát biểu tại Tọa đàm.

Trên thế giới ngành hoạch định tài chính cá nhân được hình thành từ năm 1969 khi ông Loren Dunton đã nhóm họp cùng với 13 nhà lãnh đạo tài chính tại một khách sạn ở Chicago (Mỹ) để thảo luận về việc nâng cao ý nghĩa và tính chuyên nghiệp của nghề tư vấn tài chính, không dừng lại ở việc bán sản phẩm tài chính, mà còn đưa ra những lời tư vấn chuyên nghiệp cho khách hàng của mình. Hoạch định tài chính cá nhân là một quá trình phối hợp giữa bên tư vấn và khách hàng nhằm tối đa hoá tiềm năng của khách hàng và giúp họ đạt được các mục tiêu trong cuộc sống thông qua những lời tư vấn tài chính toàn diện tương ứng với hoàn cảnh tài chính của họ.

Lĩnh vực hoạch định tài chính cá nhân hiện đã phát triển vô cùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt với sự ra đời và phát triển của Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính quốc tế (FPSB) và các Hội đồng chuẩn hoá hoạch định tài chính tại 27 quốc gia thành viên. Chứng chỉ Nhà hoạch định tài chính được chứng nhận (Certified Financial Planner - CFP) là chứng chỉ danh giá nhất trong lĩnh vực tư vấn tài chính cá nhân hiện có 203.312 chuyên gia trên thế giới đang nắm giữ.

Về thực trạng hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam, nhìn chung các chuyên gia tai buổi tọa đàm nhận định, việc hoạch định tài chính cho cá nhân tại Việt nam hiện chưa được đại đa số công chúng nhận thức và quan tâm đúng mức. Việc chi tiêu và tiết kiệm tài chính của người dân chỉ tính tới những nhu cầu trước mắt, không hoàn toàn có nhiều kế hoạch cho tương lai. Đó là lý do tại sao hoạt động hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân đang bắt đầu phát triển và cũng gặp phải nhiều tồn tại, vướng mắc trong thời gian qua.

Ông Lê Long Giang - Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam nhìn nhận đã có hàng loạt các vụ việc lừa đảo tài chính, tạo lập các website, sàn giao dịch, ứng dụng kiếm tiền, sử dụng mồi nhử là các khoản lợi nhuận cao để lôi kéo đầu tư kinh doanh tiền ảo, ngoại hối, giao dịch quyền chọn nhị phân … hoặc chiếm đoạt tài sản trong các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…đã diễn ra, gây bức xúc, bất ổn xã hội.

Bên cạnh nguyên nhân là trình độ dân trí về tài chính của người dân Việt Nam còn đang ở mức chưa cao, thì việc hàng loạt các cá nhân tự nhận là tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư trên thị trường hoặc các tổ chức tài chính mạo danh vẫn đang hành nghề mà chưa có cơ chế kiểm soát về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đã dẫn tới các vụ việc lừa đảo lớn gây ra hậu quả thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế, người dân, và doanh nghiệp.

Toàn cảnh Tọa đàm.

Ông Lê Long Giang nhận định: “Đã đến lúc, tất cả chúng ta bao gồm các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức tài chính, các đơn vị đào tạo, và các tổ chức cá nhân khác cùng chung tay để thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp này”.

Phát biểu tại tọa đàm, chuyên gia Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam (VFCA) Ngô Thành Huấn cho biết, dịch vụ tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam chủ yếu là tư vấn riêng lẻ theo sản phẩm và không có dịch vụ tư vấn tài chính cho hưu trí. Trong khi đó, đến năm 2030-2040, Việt Nam sẽ có 20 triệu người sẽ đồng loạt nghỉ hưu năm. Điều đáng nói, theo dự kiến của Kiểm toán Nhà nước đến năm 2031 bảo hiểm chi trả lương hưu Việt Nam sẽ âm 35.962 tỷ đồng.

Với thực trạng trên, các chuyên gia kinh tế, tài chính nhận định, đã đến lúc thiết lập các chuẩn mực cho lĩnh vực hoạch định và tư vấn tài chính cá nhân ở Việt Nam, tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong lĩnh vực nghề nghiệp.

Để thúc đẩy lĩnh vực hoạch định tài chính thì tư vấn tài chính cá nhân phải coi là một nghề. Khi coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề thì đây sẽ là một nghề hoàn toàn mới. Nghề này không giống như môi giới bất động sản, môi giới chứng khoán, môi giới bảo hiểm như bây giờ. Cả ba nghề môi giới trên là đứng ở phía người bán, họ môi giới để phục vụ mục tiêu bản thân là bán được hàng. Nghề tư vấn tài chính cá nhân thì ngược lại, tức là đứng về phía người mua. Chính vì khi coi tư vấn tài chính cá nhân là một nghề thì cũng phải xây dựng bộ tiêu chuẩn hay chuẩn hay chuẩn mực của ngành hoạch định tài chính cá nhân.

Hiện tại, Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam đã quyết định thành lập và ra mắt Hội đồng chuẩn hóa hoạch định tài chính cá nhân, nhằm xây dựng bộ tiêu chuẩn về hoạch định tài chính cá nhân. Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng tư vấn tài chính cá nhân tại Việt Nam.

 

 

Theo tạp chí Điện tử & Ứng dụng

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận