Thương mại điện tử tại Việt Nam: Chớ cười "thế hệ cúi đầu"

Thương mại điện tử tại Việt Nam: Chớ cười "thế hệ cúi đầu"

Thương mại điện tử tại Việt Nam: Chớ cười thế hệ cúi đầu

Theo Khảo sát Mua Sắm di động mới nhất của MasterCard, cứ 10 người Việt Nam thì có hơn 5 người (51.7%) sử dụng điện thoại thông minh để mua sắm, đạt mức tăng trưởng 16.8% - đây là tốc độ tăng trưởng cao thứ 3 trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Trong đó, các mặt hàng được mua qua điện thoại nhiều nhất là quần áo và phụ kiện thời trang (32%), quà tặng và đồ chơi (24.9%) và các ứng dụng di động (21.8%).

Khi các “ông lớn” cũng phải thay đổi chiến thuật

Không còn nghi ngờ gì nữa, đây chính là những khách hàng tiềm năng và thân thiết trong tương lai gần của của thương mại điện tử (TMĐT) và các dịch vụ thanh toán trực tuyến. Vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam chính là nắm lấy giải pháp web di động để đáp ứng những nhu cầu và cạnh tranh trong môi trường kinh doanh mới.

Đặt ra vấn đề này tại một hội thảo về TMĐT được tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam – đặc biệt là những đơn vị có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế – cần tận dụng tốt cơ hội này để vừa đáp ứng nhu cầu khách hàng vừa phát triển mạnh mẽ nhờ phương thức bán hàng “thông minh” và hình thức thanh toán linh hoạt, hiện đại.  

Có thể thấy, với sự hiện diện của internet, máy tính, những thiết bị thông minh tốc độ cao… đã thay đổi “cuộc chơi” về tiếp thị và phân phối sản phẩm – hàng hóa trên toàn cầu. Các nguồn lực như vốn, kho bãi, nhân lực và các giải pháp tiếp thị đã không còn là thế mạnh mang tính quyết định của các “đại gia” về bán lẻ và phân phối sản phẩm .

Tại Việt Nam, các nhà bán lẻ đang cố gắng thích nghi với khuynh hướng TMĐT trên nền tảng di động. Cùng với các hoạt động hỗ trợ bán hàng truyền thống như giới thiệu sản phẩm, quảng bá thương hiệu, đưa ra các chương trình khuyến mại…, nhiều đơn vị còn đầu tư thiết kế các ứng dụng di động riêng cho thương hiệu của mình.

Đơn cử, đại diện Lazada từng cho biết, sau gần một năm ra mắt các ứng dụng di động, Lazada đã đạt được hàng trăm ngàn lượt tải về trên ứng dụng Android, iOS và Windows. Ngoài ra, Lazada còn có quan hệ đối tác thành công với các công ty ứng dụng hội thoại trên smartphone tại Việt Nam như Zalo, Line, Viber.… Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng của nhóm mua sắm qua điện thoại tại Lazada lên đến 2 con số.

Ví điện tử sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới

Đây là dự đoán được nhiều chuyên gia TMĐT đưa ra, như một xu hướng tất yếu của TMĐT với ngày càng nhiều ứng dụng phát triển mạnh trong thời gian tới.

Tại sự kiện “Chọn thương mại di động - Chọn dẫn đầu những đột phá” tổ chức tại TP HCM đầu tháng 4/2016, ông Nitin Gajria - Giám đốc Google tại Việt Nam - cho rằng sự ra đời của thiết bị di động đã tạo nên một bước chuyển lớn trong thói quen người tiêu dùng. Dựa vào bản đo lường của Google tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày, một người cầm điện thoại lên và xem khoảng 150 lần, tức là hơn 10 lần mỗi giờ. Điều này có tác động rất lớn đối với thương mại di động cũng như quảng cáo di động, nơi mà các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa và nắm bắt kịp thời mọi khoảnh khắc người dùng tìm kiếm bất kỳ nội dung, thông tin cụ thể nào.

Nhìn rộng ra khu vực, theo khảo sát của MasterCard, người tiêu dùng tại Châu Á – Thái Bình Dương đang ưa chuộng những công nghệ di động mới, cứ 1 trong 5 người (19.5%) hiện đang sử dụng ví điện tử, tăng 2 lần so với cách đây 2 năm (9.7%). Các quốc gia mới nổi đang dẫn đầu về số người sử dụng điện thoại thông minh: Trung Quốc (45%), Ấn Độ (36.7%) và Singapore (23.3%) – những quốc gia sử dụng ví điện tử nhiều nhất khu vực.

Kết quả khảo sát này dựa trên những cuộc phỏng vấn diễn ra từ tháng 10 đến thang12/2015 với sự tham gia của 8.500 người trong độ tuổi từ 18-64 tại 14 quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương.

Theo đại diện MasterCard, ví điện tử vẫn đạt được tốc độ phát triển nhanh nhất trong 2 năm qua, mặc dù những ứng dụng ngân hàng di động (31.8%) vẫn được sử dụng rộng rãi nhất trong số những công nghệ di động mới khác (chẳng hạn như giải pháp thanh toán di động NFC và mua sắm trong ứng dụng).

Ngoài ra, người tiêu dùng tiếp tục lựa chọn mua sắm di động với phân nửa người tiêu dùng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã thực hiện mua sắm qua điện thoại thông minh trong 3 tháng qua. Không ngạc nhiên khi những quốc gia có sự tăng trưởng mạnh về ví điện tử cũng là nơi đa số người tiêu dùng sử dụng điện thoại di động để mua sắm. Đặc biệt, có đến 3/4 người tiêu dùng tại Ấn Độ và Trung Quốc hiện đang mua sắm bằng điện thoại di động.  

Raj Dhamodharan, Trưởng Nhóm, Bộ Phận Thanh Toán Số, Châu Á – Thái Bình Dương, MasterCard nhận xét: “Khi ngày càng nhiều ứng dụng tại các cửa hàng cung cấp các dịch vụ mua sắm, người tiêu dùng cần một ví điện tử vừa an toàn vừa tiện dụng. Chúng tôi đã thấy nhu cầu đó tại nhiều thị trường trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương từ Ấn Độ, Singapore đến Úc”.

Trong khi đó, tại VN, ví điện tử dù chỉ mới phát triển thử nghiệm trong 5 năm trở lại đây và được Ngân hàng Nhà nước cấp phép chính thức từ giữa năm 2015, nhưng đến nay đã có khoảng trên dưới 10 loại ví điện tử được cung ứng ra thị trường. Các đơn vị phát hành ví đều đang cố gắng hoàn thiện sự tiện và mở rộng mạng lưới thanh toán thông qua các đối tác từ nhà cung cấp dịch vụ, các cửa hàng tiện ích đến nhiều ngân hàng hay công ty bảo hiểm…

Trong trào lưu này, cũng như nhìn vào thực tế thị trường Việt Nam, có thể thấy trong giai đoạn sắp tới, lĩnh vực ví điện tử sẽ có sự tăng tốc cả về người dùng lẫn số đơn vị tham gia cung cứng dịch vụ.

 

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận