Tiki và Sendo sẽ sáp nhập?

Tiki và Sendo sẽ sáp nhập?

Sendo và Tiki, hai trang thương mại điện tử được sáng lập bởi người Việt, được cho là đang thảo luận để hợp nhất với nhau, theo trang Dealstreetasia. 

ICTnews liên hệ với Sendo và Tiki nhưng đại diện truyền thông của các công ty không đưa ra bình luận nào về việc này.

Một nguồn tin khác của ICTnews cho biết có nghe nói đến vụ việc nhưng vẫn không chắc có sự sáp nhập giữa hai start-up đang được xem là đối thủ của nhau hay không.

Tiki và Sendo sẽ sáp nhập?

Trang Dealstreetasia khẳng định có nhiều nguồn tin cho thấy hai trang thương mại điện tử Việt Nam lớn nhất hiện tại sẽ hợp sức với nhau để cạnh tranh với các ông lớn của khu vực. Vẫn chưa rõ những điều khoản sau cú bắt tay giữa Tiki với Sendo nếu có, tuy nhiên hai trang này có thể sẽ chỉ hợp nhất về kinh doanh, vẫn hoạt động độc lập hai tên miền với nhau và đối tượng khách hàng.

Tiki ban đầu chú tâm vào mô hình B2C nhằm bảo đảm nguồn gốc hàng hoá. Trong khi đó Sendo hoạt động gần với mô hình C2C hơn. Tiki hoạt động mạnh mẽ ở các thành phố lớn trong khi Sendo do có mặt hàng bình dân hơn nên phủ rộng ở khu vực nông thôn và vùng xa.

Việc hai trang thương mại điện tử này bắt tay được cho là sẽ bổ sung tập khách hàng cho nhau và mở rộng quy mô cung cấp.

Theo Báo cáo về nền kinh tế Internet Đông Nam Á 2019 của Google và Temasek, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2019 đạt 4,6 tỷ USD. Con số này mới chỉ góp khoảng 5% trên tổng quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Dự kiến đến năm 2025, thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt 23 tỷ USD. Với tiềm năng này, nhiều công ty trong và ngoài nước đã nhảy vào, thi nhau “đốt tiền” để giành thị phần.

Trong cuộc đua đó, nhiều doanh nghiệp Việt lẫn nước ngoài đều đã thoái lui, trong đó có các tên tuổi như Adayroi, Vuivui, Lotte hay Zalora. Sau cuộc đua tranh quyết liệt, thị trường còn lại hai đại diện của Việt Nam gồm Tiki và Sendo, cộng hai đại diện của khu vực là Shopee và Lazada.

Mặc dù được rót vốn mạnh mẽ nhưng rõ ràng Sendo và Tiki có đôi chút yếu thế khi so với các ông lớn trên khu vực nếu xét về quy mô thị trường phục vụ. Cả Lazada và Shopee đều được hậu thuẫn mạnh mẽ và dẫn đầu thị trường ở một số quốc gia, do đó về lý thuyết có lợi thế hơn hai đại diện nội địa xét về kinh nghiệm và khả năng mở rộng thị trường.

Nếu Tiki và Sendo bắt tay sẽ tạo nên một sức mạnh hợp nhất, lấy lợi thế am hiểu thị trường nội địa để “đấu” với các đối thủ ngoại, thay vì phải dùng sức để đấu “thù trong giặc ngoài”.

Theo Bản đồ thương mại điện tử Việt Nam Q3/2019 do iPrice cung cấp, Shopee và Sendo đang giữ hai vị trí dẫn đầu ngành về lượt truy cập website lẫn ứng dụng tại Việt Nam. Tiki và Lazada lần lượt giữ hai vị trí tiếp theo trong 4 trang thương mại điện tử tổng hợp tại Việt Nam.

Sendo năm ngoái gọi được 61 triệu USD vòng C từ các nhà đầu tư hiện hữu và các công ty gồm EV Growth (Indonesia) và Kasikornbank (Thái Lan). Tổng cộng trang thương mại điện tử của FPT đã gọi được 130 triệu USD.

Trong khi đó, vòng gọi vốn gần nhất của Tiki được Northstar Group dẫn đầu, không tiết lộ giá trị cụ thể, tuy nhiên con số có thể đạt 100 triệu USD.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận