TPHCM: Nhiều chuỗi điện thoại nhỏ đóng cửa, đẩy mạnh bán online

TPHCM: Nhiều chuỗi điện thoại nhỏ đóng cửa, đẩy mạnh bán online

Sau yêu cầu cách ly xã hội kể từ 1/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các quận huyện tại TP.HCM có cách áp dụng khác nhau. Một số nơi nhắc nhở các cửa hàng điện thoại nên đóng cửa trong thời gian 15 ngày, nơi khác vẫn để hoạt động. Các chuỗi lớn như Thế Giới Di Động, FPT Shop, và các cửa hàng nhỏ lẻ khác đều tạm đóng cửa tuỳ từng địa bàn.

TPHCM: Nhiều chuỗi điện thoại nhỏ đóng cửa, đẩy mạnh bán online

Một cửa hàng của Hnam Mobile đóng cửa nhẹ, hạn chế đón khách. Ảnh: Hải Đăng

“Nhưng giờ này mở cửa kinh doanh cũng chưa chắc hiệu quả bằng đóng tạm thời. Do đó tuỳ mỗi cửa hàng cân nhắc họ có đóng cửa hay không”, ông Huỳnh Phú Hải, chủ chuỗi 24H Store nhận xét.

Ông Hải đã tạm đóng 4 trong số 5 cửa hàng kinh doanh điện thoại, chỉ chừa lại một cửa hàng ở Quận 1, TP.HCM. Nhân viên và hàng hoá được dồn hết về cửa hàng này, khách muốn mua tại cửa hàng cũng được khuyến khích đến đây.

“Bên cạnh việc chính quyền địa phương nhắc nhở, tôi tự đưa quyết định tạm đóng các cửa hàng nhằm tập trung nguồn lực và tối ưu chi phí trong giai đoạn khó khăn này của thị trường”, ông Hải nói.

Chuỗi Di Động Việt có 15 cửa hàng ở TP.HCM, đã tạm đóng bớt 3 cửa hàng. Quản lý chuỗi này, ông Nguyễn Đạt, cho biết các địa điểm kinh doanh chưa hiệu quả được đóng bớt để duy trì việc kinh doanh.

“Mỗi cửa hàng mở cửa giờ bán cho vui để kiếm tiền trang trải chi phí mà thôi. Khách ít lắm”, ông Đạt chia sẻ.

Một số chuỗi cửa hàng có tiếng ở TP.HCM như Bạch Long, Hnam Mobile cũng đều đóng tạm thời một số cửa hàng, hoặc mở cửa rất hạn chế để đón khách. Các cửa hàng thay vì mở rộng cửa như thông thường thì nay kéo cửa cuốn, chỉ hé cửa chính để kinh doanh hạn chế. 

Do người dân ít ra đường và bớt mua các hàng hoá không thiết yếu, các nơi bán lẻ hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có các cửa hàng điện thoại.

“Giả sử mỗi cửa hàng mỗi ngày bán được 100 triệu, hiện nay chỉ còn được 30 triệu”, ông Hải nói. Trong khi đó, doanh thu chuỗi Di Động Việt cũng xuống rất thấp, chỉ còn 20-30% so với ngày thường.

Ông Nhật Huy, chủ một cửa hàng kinh doanh iPhone ở Quận 10, cũng cho biết khách cực kỳ ít trong giai đoạn hiện nay.

Muốn tiếp tục kinh doanh, các cửa hàng đều đẩy mạnh bán online. Nhìn chung doanh thu bán qua mạng có tăng lên so với ngày thường, tuy nhiên ông Đạt cho biết tổng doanh thu vẫn rớt thảm hại.

Để tối ưu chi phí, việc đầu tiên các cửa hàng nghĩ đến là xin giảm tiền thuê mặt bằng. Đa số chủ nhà đều chịu giảm giá mặt bằng, với mức từ 30% đến hơn 50%, có nơi thậm chí miễn phí trong giai đoạn cửa hàng buộc phải đóng tạm thời. Tuy nhiên, một số chủ nhà vẫn “lơ” yêu cầu giảm giá mặt bằng.

Song song đó, các cửa hàng cho nhân viên thay ca. Những nhân viên ở nhà tạm thời chỉ được hưởng lương kinh doanh, không được trả lương cố định. Một số quản lý cửa hàng cũng tự xin giảm lương để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh tiết kiệm bằng cách hạn chế mở máy lạnh, mở đèn; cắt giảm chi phí quảng cáo không cần thiết,...

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận