Trung Quốc âm thầm “chĩa súng” vào các hãng công nghệ Mỹ

Trung Quốc âm thầm “chĩa súng” vào các hãng công nghệ Mỹ

Vài tháng gần đây, Apple và một số công ty khác trở thành mục tiêu của các cuộc đánh giá nhằm vào bảo mật và lưu trữ dữ liệu của các sản phẩm công nghệ, theo một nguồn tin ẩn danh của Thời báo New York. Trong đó, nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu quan chức hay nhân viên của các hãng công nghệ nước ngoài trả lời những câu hỏi liên quan đến sản phẩm.

Đánh giá được thực hiện bởi một hội đồng có liên kết với Cơ quan giám sát không gian mạng Trung Quốc . Cơ quan này bao gồm nhiều chuyên gia, kỹ sư có quan hệ với cơ quan an ninh và quân đội.

Trung Quốc âm thầm “chĩa súng” vào các hãng công nghệ Mỹ

Ảnh minh họa

Trong khi các nước khác như Mỹ và Anh thường tập trung vào các sản phẩm do quân đội hay các cơ quan chính phủ sử dụng chứ không phải các sản phẩm bán cho đại chúng, đối tượng của Trung Quốc lại rộng hơn, gồm cả phần mềm và thiết bị của Mỹ được ưa chuộng. Do quan chức nước này không tiết lộ cuộc đánh giá, cả chính phủ Mỹ và các công ty lo ngại nó có thể bị sử dụng để khai thác thông tin công nghệ cũng như bảo đảm Mỹ không dùng nó để gián điệp. Cuối cùng, nó có thể được dùng để cấm bán sản phẩm mà không giải thích rõ ràng hay trao đổi bí mật thương mại. Những bí mật đó khả năng bị rò rỉ cho các đối thủ người Trung Quốc hay tiềm ẩn nguy cơ bị hacker đánh cắp.

Hơn nữa, các doanh nghiệp lo ngại cuộc đánh giá tạo ra tiền lệ và các nước khác sẽ làm theo, mỗi nước lại yêu cầu một bài kiểm tra khác nhau không chỉ tốn kém mà còn đặt họ vào thế phải cung cấp nhiều thông tin mật để đổi lấy thị trường.

Trung Quốc và Mỹ đang lôi nhau vào cuộc tranh cãi về công nghệ và bảo mật làm ảnh hưởng đến quan hệ của cả hai bên. Chưa rõ nhà chức trách Trung Quốc muốn gì trong các cuộc khảo sát, cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các doanh nghiệp Mỹ đã cấp quyền truy cập một số thành phần đặc biệt quan trọng như mã nguồn hay các bí mật thương mại khác.

Một bài báo tiếng Trung nhấn mạnh các cuộc khảo sát bắt đầu từ năm 2015. Trong hơn 9 tháng qua, vài công ty đã được gọi đến. Do chính phủ Trung Quốc không tiết lộ về quá trình, rất khó để chính phủ Mỹ đưa ra tiếng nói phản đối.

Nhà quản lý Internet Trung Quốc từng gợi ý về khảo sát 3 năm trước sau khi Edward Snowden tiết lộ thông tin gây sốc liên quan đến gián điệp người dùng của Cơ quan An ninh Mỹ. Kể từ đó, Trung Quốc âm thầm thực hiện đánh giá, thay đổi hướng đi quản lý công nghệ ngoại trước đây là thông qua quy định và các biện pháp công khai.

CAC cho biết nhiều nước cũng thực hiện các bài đánh giá bảo mật và cuộc điều tra không nhằm vào bất kỳ sản phẩm hay quốc gia cụ thể nào.

Trung Quốc vẫn đang phụ thuộc và các sản phẩm công nghệ Mỹ kể cả khi bày tỏ sự lo ngại về an toàn của chúng. Phần lớn cơ quan, doanh nghiệp chính phủ và các viện xử lý thông tin bí mật như trường đại học và viện nghiên cứu đều dùng Microsoft Windows. Hầu hết smartphone chạy hệ điều hành của Apple và Google. Ngân hàng, công ty năng lượng, quân đội sử dụng chip và máy chủ do Mỹ thiết kế.

Trong phiên điều trần trước quốc hội vào tháng trước, Luật sư của Apple, Bruce Sewell, khẳng định không giao mã nguồn cho Trung Quốc dù bị yêu cầu trong 2 năm qua. Apple đối mặt với áp lực mới tại đây khi nhà chức trách đóng cửa hai dịch vụ iBooks và iTunes Movies. Tuần trước, Apple tiết lộ đang đầu tư 1 tỷ USD vào dịch vụ gọi xe Didi Chuxing, động thái mà các chuyên gia nhận định là thể hiện thiện chí với Bắc Kinh.

Cấm đoán của Trung Quốc đối với các công ty Mỹ đã trở thành một vấn đề ngoại giao. Năm 2015, chính quyền Obama bày tỏ quan ngại về quy định của Trung Quốc buộc ngành ngân hàng phải loại bỏ công nghệ ngoại. Mỹ cũng là đối tượng của luật chống khủng bố, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài trao mã bảo mật cho Trung Quốc.

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm giảm sự lệ thuộc vào các công ty Mỹ. Trong bài phát biểu hồi tháng 4/2016, ông Tập vạch ra hai quan điểm trong chính sách công nghệ Trung Quốc. Trong đó, nước này sẽ tiếp tục chính sách học hỏi công nghệ từ các hãng nước ngoài và bảo đảm sản phẩm "bảo mật và trong quyền kiểm soát”. Quan điểm thứ hai là đóng cửa hoàn toàn, bắt đầu lại từ đầu, không phụ thuộc vào công nghệ ngoại và dùng các sáng kiến trong nước để theo đuổi phát triển, bằng không, họ sẽ luôn đi theo bước chân của người khác và không bao giờ bắt kịp.

Sau đó, ông Tập cho rằng Trung Quốc phải tìm ra một sân trung gian và xác định “thứ gì được nhập khẩu nhưng phải an toàn và nằm trong vòng kiểm soát; thứ gì có thể nhập khẩu, bản địa hóa và học hỏi để tái sáng tạo; thứ gì có thể hợp tác phát triển với người khác; thứ gì chúng ta phải phụ thuộc vào sức mạnh riêng và sáng kiến riêng”.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận