Trương Đình Anh kể chuyện vượt qua “cơn sóng thần” MegaVNN như thế nào?

Trương Đình Anh kể chuyện vượt qua “cơn sóng thần” MegaVNN như thế nào?

Trong cuốn "Fox tự hào có anh" mà các đồng nghiệp dành tặng Trương Đình Anh trước ngày sang Mỹ đã kể về những khó khăn của FPT Telecom khi VNPT ra mắt dịch vụ ADSL MegaVNN. ICTnews trích đăng lại nội dung này.

Đã từng ở ranh giới của sự sống và cái chết khi dịch vụ MegaVNN ra đời

Tháng 7/2003, dịch vụ ADSL MegaVNN ra đời đã tạo ra cơn sóng thần cấp 12 trên thị trường Internet. Cơn sóng thần này có thể quét sạch mọi thành quả mà chúng tôi đã có và tự hào trong quá khứ. MegaVNN đã chinh phục hàng chục ngàn khách hàng dialup của chúng tôi bằng mức cước rẻ và tốc độ trong mơ. Nhìn khách hàng của mình bỏ đi từng ngày, nhìn biểu đồ cước như máy bay hạ cánh, chúng tôi ở ranh giới của sự sống và cái chết.

Năm 2002, FPT là nhà cung cấp Dialup lớn thứ hai ở Việt Nam. Chúng tôi đã tạo ra 1 tỷ phút truy cập Internet, đối thủ của chúng tôi VNPT – tạo ra 1.5 tỷ phút. Sản lượng của FPT tương đương 10% tổng số phút gọi điện thoại nội hạt của cả Việt Nam năm đó. Chúng tôi đã từng thuê tới 250 kênh E1 của Bưu điện để tạo ra truy cập đồng thời cho gần 8 ngàn khách hàng. Giờ đây, những con số đó trở nên vô nghĩa trong thời đại của ADSL. Nhà nhà nối băng rộng, tốc độ bây giờ đếm bằng hàng megabit mỗi giây chứ đâu còn là 28.8, 33.6, 56 kilobit mỗi giây. Và chúng tôi thì đếm sự tồn tại của mình theo đơn vị hàng tuần.

FPT đã tiến hành cuộc thương lượng nhiều tháng trời với VNPT nhằm xin phép được thuê lại sợi cáp đầu cuối của họ để cung cấp ADSL. Sự tồn vong của chúng tôi phụ thuộc vào sợi cáp nối nhà cung cấp đến nhà khách hàng. Chúng tôi được phép cung cấp Internet, Internet băng rộng nhưng lại không có quyền được sở hữu sợi cáp. VNPT hiểu điều đó, họ nghĩ rằng chúng tôi chỉ còn giãy chết được vài tuần nữa, họ nghĩ rằng chúng tôi phải chết. Chết một cách quằn quại, đau đớn, từ từ, không lối thoát.

Tuy nhiên, sách lược trên nhìn qua thì rất hợp lý nhưng đó không phải là sự lựa chọn khôn ngoan của hầu hết các nhà viễn thông sở hữu hạ tầng ở nhiều quốc gia khác. Các cụ có câu “đừng dồn người ta đến chân tường”, “chó gặp đường cùng phải cắn càn”…

Trương Đình Anh kể chuyện vượt qua “cơn sóng thần” MegaVNN như thế nào?

Ông Trương Đình Anh:"Nếu VNPT cho chúng tôi thuê sợi cáp của họ thì giờ đây chúng tôi vẫn là một nhà cung cấp không có hạ tầng".

Nếu VNPT cho chúng tôi thuê sợi cáp của họ thì giờ đây chúng tôi vẫn là một nhà cung cấp không có hạ tầng. Chúng tôi sẽ đời đời kiếp kiếp làm thuê cho VNPT và kính nộp cho họ phần lớn lợi nhuận của mình. Nếu vậy, số phận của FPT rồi cũng như những anh nông dân suốt đời khốn khó làm trâu cày cho địa chủ. Giờ đây, trao đổi với đồng nghiệp, tôi nói đùa: FPT, Viettel… khi đó muốn xin làm trâu làm chó cho Tập đoàn VNPT nhưng không được. Họ đã buộc chúng tôi phải làm người.

Và lịch sử ngành Viễn thông Việt Nam đã lật sang một trang mới khi có hàng loạt công ty ùa ra cùng phát triển hạ tầng để giành lại sự sống cho chính mình.

Bước dịch chuyển từ người nông dân quen làm thuê thành ông chủ đất mới khó làm sao!

Trước đây, chúng tôi thuê mọi thứ từ Bưu điện, đóng gói lại rồi bán cho khách hàng. Chúng tôi có biết sợi cáp đi đâu về đâu? Chúng tôi đã sống như vậy 5 năm nhưng giờ đây không được quyền sống như vậy nữa. Chúng tôi họp, họp nhiều lần mà không quyết được là có kéo sợi cáp của mình hay không? Các Giám đốc của tôi đều e ngại hàng núi công việc mới lạ, e ngại tính pháp lý của việc chúng tôi sẽ chăng sợi cáp của mình. Thậm chí, chúng tôi lo sợ là liệu mình có bị Bưu điện quy kết kéo cáp lậu và đối diện với nguy cơ hình sự như nhiều công ty kinh doanh điện thoại chiều về không phép. Cuối cùng, tôi đã lần đầu tiên dùng đến quyền phủ quyết là phải kéo cáp, bất chấp mọi phản đối từ nhiều thành viên Ban Giám đốc.

Và chúng tôi bắt đầu tham gia vào hàng ngũ những "spider-man" phát triển mạng cáp trên đường phố. Từ đây, chúng tôi cũng bắt đầu một chạy marathon kéo dài 26 tháng để biến mạng lưới trị giá hàng triệu USD của mình nằm ngoài hè phố trở thành một tài sản hợp pháp.

Chúng tôi gọi thầu thiết bị DSLAM và đạt được thỏa thuận đầu tiên với Zyxel ở mức giá dưới 50 USD/port. Lúc đó, giá này cực rẻ so với đầu tư của Bưu điện. Nửa năm sau, chúng tôi ép giá xuống 30 USD/port. Điều này cho phép chúng tôi giảm thiểu cực lớn chi phí đầu tư. Tất cả mọi việc đều quá mới mẻ, số nhân viên kéo cáp tăng lên hàng ngày, còn rất nhiều điều chúng tôi chưa dự tính được trước đã xảy ra. Sự cố, sự than phiền của khách hàng, sự trách mắng của các anh lãnh đạo FPT làm chúng tôi quay như chong chóng.

Trương Đình Anh kể chuyện vượt qua “cơn sóng thần” MegaVNN như thế nào?

Tháng 10/2003, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL và ngay tháng đầu tiên đã có gần 300 khách hàng sử dụng dịch vụ.

Tháng 10/2003, FPT bắt đầu cung cấp dịch vụ ADSL với các gói MegaNet, Mega- Biz. Ngay tháng đầu tiên, chúng tôi kiếm được gần 300 khách hàng - gặm nhấm vào đống hồ sơ hàng chục ngàn khách hàng đang chờ lắp ADSL của Bưu điện. Do mật độ khách hàng thấp, vốn đầu tư ít, chúng tôi không có khả năng xây dựng các hệ thống cáp đa sợi. Chúng tôi đã kéo cáp đầu cuối trực tiếp từ nhà khách hàng đến POP, dây cáp tua tủa như mạng nhện nhưng phần thưởng lớn nhất là mạng đã chạy, chúng tôi khiêm tốn góp tên vào danh sách những nhà cung cấp ADSL đương thời. Hai tháng sau, FPT đã dựng mạng lưới thứ hai ở Hà Nội với cách thức cũng như những sai lầm quy hoạch mạng lưới tương tự.

Chúng tôi đã có 2.000 khách hàng. Sự phức tạp về mạng lưới và sự non nớt đã làm cho chất lượng dịch vụ của FPT thật tệ. Cáp đầu cuối quá dài, dễ đứt, dễ bị nhiễu tín hiệu làm cho kết nối của khách hàng trở nên mong manh.

Thách thức tiếp theo là phải quản lý một đội ngũ đông đảo công nhân kéo cáp, bảo trì cáp. Ở FPT lâu nay toàn các kỹ sư máy tính, chúng tôi đâu có kinh nghiệm quản lý số đông nhân viên lao động giản đơn. Cũng đúng thôi, các nhà lãnh đạo FPT có thể mê hoặc các kỹ sư phần mềm bằng những ảo ảnh Silicon Valley, Bangalore,... với như tượng đài huy hoàng như Microsoft, Tata, Wipro... nhưng thật khó thuyết phục một anh công nhân bằng lòng với đồng lương ít ỏi để hướng tầm nhìn về một nơi xa xăm.

Tháng 2/2004, chúng tôi bối rối với cuộc đình công đầu tiên của anh em công nhân ở Sài Gòn vì lương tháng bị chậm vài ngày. Rất vất vả, Ban Giám đốc Sài Gòn mới thuyết phục được anh em quay trở lại làm việc ngay trong buổi sáng. Đây cũng là vụ đình công lần đầu tiên và cuối cùng cho đến nay ở FPT.

Chúng tôi vượt được qua bước khởi đầu khó khăn, nhưng vẫn không thể ngủ ngon. Trong suốt 20 tháng kể từ tháng 10/2003, lúc nào chúng tôi cũng canh cánh nỗi lo bị Bộ Bưu chính Viễn thông, bị Sở thổi còi. Chúng tôi đã sở hữu một hạ tầng mà chúng tôi không được quyền sở hữu một cách hợp pháp. Câu chuyện vô cùng mâu thuẫn, chúng tôi được quyền cung cấp ADSL nhưng không có quyền tự kéo sợi cáp và trên thị trường chỉ có một người sở hữu sợi cáp là VNPT nhưng họ thì nhất định không cho bất kỳ ai thuê.

Nhìn sang Hàn Quốc, vào những năm 1997 - 1998, Chính phủ Hàn Quốc đã yêu cầu Nhà cung cấp viễn thông chủ đạo (incumbent) là Korea Telecom (KT) mở cửa hạ tầng cho nhiều ISP vào kinh doanh ADSL. Giống như ở Việt Nam, ADSL khi đó là của hiếm, giá cước lên tới 60 USD/tháng. Các ISP đã hào phóng trả cho KT 10 - 15 USD/tháng để thuê một sợi cáp. Khởi đầu như thế vô cùng sung sướng, chỉ trả có10 - 15 USD/tháng để không phải đầu tư mạng lưới cáp, công việc đơn giản là đem DSLAM tới KT, cắm qua splitter vào mạng cáp và cung cấp ngay dịch vụ ADSL cho khách hàng của KT. Tuy nhiên, gió đổi chiều rất nhanh, do thị trường cạnh tranh, giá cước ADSL đã nhanh chóng rớt xuống mức 15-20 USD/tháng. Khi đó, tiền thuê cáp phải trả hàng tháng trở thành gánh nặng bất khả thi mà KT đâu phải là người dễ dàng thương lượng, họ sở hữu sợi cáp, họ cầm đằng chuôi còn các ISP rõ là đang nắm lưỡi dao trong trò chơi Internet băng thông rộng. Và rồi, đa phần các ISP ở Hàn Quốc đã cay đắng bán lại DSLAM, bán lại khách hàng cho KT. Họ đến tay không và ra về tay không. Một tên tuổi lớn như Dacom đã biến mất.

Từ đó, tôi rút ra 2 kinh nghiệm: Một là không bao giờ nên tin rằng mình có thể trồng trọt và thu hoạch lâu dài trên một mảnh đất do người khác đứng tên. Hai là nếu việc gì quá dễ dàng thuận lợi thì chắc chắn sẽ chứa đựng những khó khăn tiềm ẩn mà chúng ta chưa nhìn ra. Các cụ có câu rất chí lý: "Vô công bất thụ hưởng".

Năm 2003, FOX toàn quốc đạt doanh thu 7 triệu USD gấp đôi năm 2002. Chúng tôi đã thực sự gặp thuận lợi khi hợp nhất quy mô kinh doanh. Điều này cho phép thống nhất mạng lưới và đem lại những giá trị tốt hơn cho khách hàng.

Tôi tâm đắc câu nói của Bill Gates – người sáng lập Microsoft – đại ý là: trong lĩnh vực CNTT & Internet, việc chúng ta thành công ngày hôm nay không có gì đảm bảo cho sự thành công vào ngày mai vì trò chơi và luật lệ đã hoàn toàn đổi thay. Hơn bao giờ hết, tôi thấm thía ý nghĩa của câu nói này. Chúng tôi đã vượt qua những thời điểm khó khăn nhất để sống sót, tồn tại và phát triển. Cơn sóng thần ADSL đã mở ra một kỷ nguyên Internet mới ở Việt Nam, trò chơi bây giờ trở nên phức tạp hơn nhiều. Sân chơi chỉ có chỗ cho những người khổng lồ và những người năng động liều lĩnh.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận