Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 1

Quá trình chế tác Aida hội tụ những tinh hoa trong đội ngũ của Sonus Faber,  bao gồm chuyên gia thiết kế, kỹ sư âm thanh và các nghệ nhân giàu kinh nghiệm... nhằm tạo nên một đôi loa mang dấu ấn đặc biệt về mọi mặt.

Thiết kế đẳng cấp huyền thoại

Aida là tên một vở Opera hoành tráng do nhà soạn nhạc người Ý Guiseppe Verdi thực hiện năm 1871. Sonus Faber đã đặt tên cho đôi loa đặc biệt của họ là Aida để tưởng nhớ nhà soạn nhạc  bậc thầy, đồng thời khẳng định vẻ đẹp tinh tế, giá trị thẩm mỹ và nghệ thuật trình diễn xuyên thời gian của chúng. Aida khởi đầu một kỷ nguyên mới về thiết kế kiểu dáng, hội tụ những thành tựu của công nghệ sản xuất loa hiện đại và mang đến cho người nghe những cảm xúc mới lạ, sâu sắc.

Hình dáng của thùng loa vẫn lấy cảm hứng từ cây đàn cổ Lyra, nhưng đường nét được biến tấu mới lạ, tinh xảo và nghệ thuật hơn rất nhiều so các thiết kế trước đó. Từng bề mặt, góc cạnh của cặp loa đều được thiết kế và gia công tỉ mỉ với kỹ thuật hết sức tinh vi, mỗi chi tiết trên Aida đều toát lên vẻ đẹp với gu thẩm mỹ cực kỳ tinh tế và độ sắc nét chưa từng thấy. Đây quả là một kiệt tác nghệ thuật mang đậm phong cách Địa Trung Hải.

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 2

Ngoài ý nghĩa về khả năng trình diễn âm nhạc cao cấp và hoành tráng như một vở opera kinh điển, cái tên Aida cũng có hàm ý về kích cỡ và sự công phu khi thiết kế và chế tạo sản phẩm. Phải xem video clip và tận mắt chứng kiến cảnh mở thùng sản phẩm mới thấy độ lớn và phức tạp của cặp loa này. Thùng loa có kích thước cao x rộng x sâu tương ứng 1.725 x 482 x 780mm. Trọng lượng 165kg/1 bên. Aida có cấu trúc 3,5 đường tiếng, công suất tối đa lên tới 1.000W.

Hệ thống củ loa siêu đẳng

Có thể nói quá trình thiết kế - chế tạo Aida là một đại dự án với nhiều hạng mục khác nhau góp phần tạo nên một “công trình”, trong đó thành phần củ loa giữ vai trò quan trọng.

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 3

Nếu những loa tweeter thông thường chỉ chơi trong dải tần từ 1-20kHz thì Aida tái tạo dải tần lên tới 35kHz một cách chính xác không hề méo tiếng. Để đạt được hiệu quả này, Sonus Faber sử dụng loại tweeter “mũi tên” (Arrow point) mã hiệu TR-06 có đường kính cuộn dây 29mm và kỹ thuật DAD (Damped Apex Dome) kết hợp giữa tweeter dome truyền thống và một vòng bức xạ. Kỹ thuật này ngăn cộng hưởng và kéo các chuyển động ngược pha tại đỉnh dome bằng cách làm giảm rung màng loa. Giải pháp này giúp gia tăng đáng kể các ưu điểm của màng loa dome, mặt khác, nó loại bỏ sự chói gắt đặc trưng của tần số cao. Loa tweeter được đặt trong một khoang riêng làm bằng gỗ tự nhiên với giải pháp gia cố chống rung tuyệt đối. Người dùng có thể điều chỉnh mức áp suất của loa để dải âm tần số cao phù hợp hoàn toàn với từng phòng nghe và sở thích khác nhau.

Dải trung tần vốn được các audiophile chú trọng trong tổng thể âm thanh của một đôi loa, nhưng lại luôn có những ý kiến trái chiều bởi phong cách thưởng thức và tiêu chí đánh giá chất lượng khác nhau. Một số người nghe thích trung âm trong trẻo và thiên sáng, có người thích ấm và dày. Đó là lý do hình thành các khuynh hướng thích chất loa của hãng này hoặc phong cách của hãng khác. Vì sản phẩm của mỗi hãng loa có đặc tính cấu tạo khác nhau, chúng sẽ tạo ra chất âm khác nhau dù phối ghép với cùng một hệ thống ampli và nguồn phát.

Dải trung âm của dòng loa Sonus Faber có ưu điểm tái tạo âm thanh nhạc cụ cực tốt, đặc biệt là tiếng Violon. Chúng có tố chất ấm áp và ngọt ngào, khơi gợi được những cảm xúc dạt dào ẩn sâu trong lòng người nghe. Để phát huy được đặc trưng truyền thống đó, những củ loa Mid trong thùng loa Aida phải có cấu trúc như thế nào?

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 4

Loa Mid dùng cho Aida có số hiệu M18XTR-08, đường kính 200mm với nam châm Neodymium siêu tuyến tính. Đây là loại củ loa thế hệ mới nhất được Sonus Faber trang bị cho những sản phẩm cao cấp. Dây dùng để quấn cuộn tiếng (voice coil) là loại CCAW (copper-clad aluminium wire). Đó là loại dây đồng pha nhôm, có đặc tính nhẹ hơn đồng nguyên chất, độ bền cao và toả nhiệt tốt, rất phù hợp cho cuộn coil trong củ loa. Màng loa được tổng hợp từ nhiều thành phần như sợi dâm bụt Ấn độ, bông gạo, bột giấy tẩm carbon (cellulose pulp, kapok, kenaf) và các loại sợi tự nhiên khác, nhằm tạo nên loại màng loa vừa nhẹ vừa cứng, đáp ứng tốt dải trung tần để tái tạo chất âm tự nhiên nhất. Để hạn chế nhuộm sắc âm do màng loa rung động thừa, người ta phủ lên bề mặt nó một lớp gel trong suốt có tính giảm rung. Khung loa được tối ưu hóa nhằm triệt tiêu cộng hưởng nhờ cấu trúc ghép hai lớp hợp kim cao cấp và gia công CNC từ phôi liền. Các củ loa mid cũng được đặt trong một khoang riêng và tách rời khỏi mặt trước thùng loa để bảo toàn tính chất âm học khi trình diễn.

Để tái tạo được dải tần số thấp lý tưởng, Sonus Faber dành khá nhiều tâm huyết để thiết kế hệ thống loa bass một cách công phu và kỹ thuật. Mục tiêu là làm cho người nghe chìm trong cảm giác sâu lắng và mê hoặc với bản nhạc mà họ yêu thích. Chế tạo loa bass là một “dự án nhỏ” trong quá trình sản xuất tổng thể, bao gồm hệ thống củ loa và kỹ thuật nén hơi độc quyền, giúp âm bass vang lên đúng đặc trưng truyền thống của Sonus Faber.

Sonus Faber dùng đôi loa bass mã số W22 XTR-12 đường kính 220mm với màng loa và nam châm giống như loa mid. Điều đáng nói là ngoài 2 drive bass gắn ở mặt trước thùng loa họ còn sử dụng một củ bass có đường kính lớn đến 320mm lắp dưới đáy và hướng xuống sàn. Với hệ thống loa đặc trách dải tần số thấp được thiết kế hết sức công phu và tốn kém, Aida có khả năng chơi bass đạt “chuẩn 5 sao” về cả chất lẫn lượng. Bên cạnh đó, hệ thống còn áp dụng giải pháp kỹ thuật có tên gọi là “Stealth Reflex” mà chúng tôi tạm dịch là “phản lực ngầm”. Đây là một thuật ngữ nói về luồng hơi được điều chỉnh không cho tuần hoàn, ép nó xuống loa bass, tạo được một lực lớn làm cho tiếng bass mạnh hơn nhưng vẫn chuẩn mực và sâu. Kỹ thuật này được cấp bằng sáng chế này cho phép giảm thiểu kích thước loa, mang lại đáp tuyến tần số thấp sâu hơn và ngăn chặn đáng kể độ méo tiếng, nó cũng triệt tiêu độ ồn hơi – nhược điểm chung của hệ thống bass phản hồi truyền thống.

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 5

Âm thanh ba chiều

Để tạo ra không gian âm thanh với nhiều tầng lớp sâu rộng, các chuyên gia Sonus Faber đã thiết kế drive mid và tweeter phía sau thùng loa, kỹ thuật này gọi là “Sound Field Shaper”. Không dễ làm được điều này vì sóng âm thanh phản hồi từ phía sau sẽ tạo ra sự lệch pha với hệ thống loa chính phía trước. Tuy nhiên, bằng kỹ thuật và kinh nghiệm, với sự hỗ trợ của máy tính, Sonus Faber đã thực hiện giải pháp này thành công ngoài mong đợi, họ đã tạo nên Aida với khả năng trình diễn các tầng âm (sound stage) sâu, rộng, tái hiện được không gian của những buổi hòa nhạc một cách chính xác. 

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 6

Hệ thống giảm rung cộng hưởng “TUNED MASS DAMPER”

Điều quan tâm của những kỹ sư âm học là không gian bên trong thùng loa phải thật sự tĩnh để nó có khả năng tái tạo âm thanh trung thực nhất. Hệ thống chống rung bên trong của Aida đáp ứng hoàn hảo yêu cầu này. 

Ý tưởng sử dụng kim loại đã giúp Sonus Faber vượt qua các giới hạn kỹ thuật trong quá trình tìm giải pháp triệt tiêu rung chấn bên trong thùng loa. Họ sử dụng một “thanh triệt rung” (anti-vibration axis) bằng hợp kim không nhiễm từ, đâm xuyên qua vách của các khoang chứa những củ loa mid và bass. Hai đầu của thanh được khóa chặt bởi hai tấm kim loại. Độ căng của thanh kim loại này được tối ưu qua từng vách bên trong nhờ kỹ thuật kéo giãn kiểm soát bằng lực kế. Cấu trúc này thường áp dụng trong các tòa nhà chọc trời hay trong xe đua công thức 1 nhằm cân bằng rung chấn trong trạng thái động. Theo đó, ngay sau khi một âm bass bùng lên thì một phần của thùng loa bắt đầu chuyển động, thanh triệt rung và các thành phần giảm chấn đồng thời phát ra dao động theo hướng ngược lại, phản ứng này giúp các sóng cộng hưởng bị chuyển đổi thành nhiệt động và tự triệt tiêu. Kết quả là không gian bên trong thùng loa tĩnh lặng hơn nhiều.

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 7

Zero rung chấn 

Hiếm có đôi loa nào sở hữu nhiều đặc tính kỹ thuật cao cấp và... thú vị như Aida. Đặc biệt, có rất nhiều kỹ thuật và cấu trúc liên quan đến việc triệt giảm rung chấn, cả bên ngoài và trong thùng loa. “Zero rung chấn” là một trong những kỹ thuật đó. 

Zero rung chấn được diễn giải bởi thuật ngữ tiếng Anh là “Z.V.T.” - Zero Vibration Transmission. Đây là giải pháp xử lý rung chấn ở phần đáy loa và nền phòng nghe. Những nghiên cứu âm học của Sonus Faber cho thấy, việc đảm bảo không gian tĩnh lặng bên trong thùng loa là cần thiết, nhưng điều kiện đủ là phải kiểm soát sự tương tác giữa thùng loa cỡ lớn và nặng với môi trường phòng nghe. Để đáp ứng điều kiện này, các kỹ sư đã sáng tạo ra cấu trúc cách ly phần chân loa với sàn nhà. Đây là một việc làm không tưởng nếu xét trên thực tế. Tuy nhiên, vận dụng các kiến thức vật lý về tính chất kim loại, họ đã giải được bài toán khó này. 

Việc cách ly này rất quan trọng vì rung chấn từ đôi loa lớn có công suất cao sẽ đồng thời tác động tới môi trường vận hành của toàn hệ thống phối ghép và ảnh hưởng xấu đến cả các cấu trúc âm học phòng nghe thông qua sàn, vách và các mô-đun vật liệu cứng khác. Giới chơi dàn máy hi-end ý thức rất rõ rằng tất cả những rung chấn, dù rất nhỏ, đều ảnh hưởng xấu đến chất lượng âm thanh, ví dụ như làm giảm chi tiết ở các dải, mất tính chính xác và độ rộng của âm hình.

Giải pháp mà Sonus Faber áp dụng để cách ly sàn nhà là dùng những tấm kim loại Avional mạ Nikel vốn dùng trong ngành hàng không. Avional là hợp kim của nhôm, đồng, ma-giê, silicon và có đặc tính triệt rung rất tốt. Họ dập tấm hợp kim này theo hình cung và gọi nó là “Bow Spring” tạm dịch là “bộ giảm xóc hình cung”. Họ cũng dập một tấm khác có kích thước ngang và sâu bằng đáy thùng loa để làm bệ đỡ có chân đinh đính kèm. Tấm “Bow Spring” sau đó được lắp trên bệ, thông qua 6 trụ giảm xóc chắc chắn. Toàn bộ cấu trúc này tác dụng triệt rung từ ngoài vào và từ loa ra sàn, nó giúp loa super-bass 320mm đánh xuống sàn một cách tự do và đạt hiệu ứng down-firing tốt hơn rất nhiều.

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 8

Chiếc áo yên tĩnh - ‘Silent case’

“Bộ áo khoác” của Aida không chỉ đơn giản là một thiết kế cách điệu từ cây đàn Lyra. Mặc dù có vẻ đẹp sang trọng và lộng lẫy, nhưng thật ra phẩm chất quan trọng hơn của nó là đảm bảo đặc tính âm học cho toàn bộ thùng loa bằng sự vững vàng và tĩnh lặng. So với các dòng loa trước, Aida được gia tăng đáng kể độ vững chắc về kết cấu, bảo đảm dư sức quản lý nguồn năng lượng dồi dào sản sinh trong từng khoang chứa loa. Những vách ngăn từng khoang bên trong và bộ cánh ngoài của loa được làm từ rất nhiều tấm gỗ ép theo công nghệ đa lớp và tẩm loại keo kết dính - chống rung chuyên dụng.

Chưa hết, trước khi ghép bộ cánh vào thân loa, người ta còn dán trên thân loa một lớp da được dập gân sóng. Da thuộc cũng có đặc tính hấp thu sóng âm và giảm rung cực tốt, Sonus Faber đã dùng như chất liệu này như một nét đặc trưng trong các sản phẩm của họ từ xưa đến nay.

Như vậy, để chế tạo được cặp loa xứng đáng với cái tên Aida - vở opera hoành tráng được dàn dựng công phu cách đây trên một thế kỷ, Sonus Faber đã sử dụng hết kinh nghiệm, tâm trí, tài lực vào dự án. Đứng từ góc độ nào, người nghe hay xem đều nhận thấy quá trình đầu tư hết sức nghiêm túc và khoa học của công trình này. Không hề ngẫu nhiên khi Sonus Faber cho rằng Aida đã khởi động kỷ nguyên mới của họ như một tuyên ngôn về vẻ đẹp và chất lượng trình diễn. 

Aida – vở opera hoành tráng của Sonus Faber - ảnh 9

Cặp loa Sonus Faber Aida có giá tham khảo 2,2 tỷ đồng tại AnhDuy Audio.

Hệ thống phối ghép với đôi loa này cũng là một điều đáng bàn. Tùy vào chất lượng thiết bị phối ghép, kỹ thuật chọn lựa và set-up phòng nghe, cặp loa sẽ trình diễn với chất lượng âm thanh tương xứng. Đương nhiên, đôi loa này cần một căn phòng đủ rộng, kỹ thuật trang âm chuẩn mực để có thể khai thác trọn vẹn khả năng trình diễn của nó.

Vào các ngày 12 và 13/8 tới đây, tại khách sạn New World Tp.HCM, Công ty TNHH Anh Duy (AnhDuy Audio) sẽ trưng bày và phối ghép đôi loa Aida với hệ thống âm thanh cao cấp để biểu diễn giới thiệu sản phẩm. Đây là một cơ hội hiếm hoi để các audiophile Việt được trực tiếp chiêm ngưỡng và nghe thử chất âm của đôi loa Aida "huyền thoại" trên một sân khấu tiêu chuẩn, với hệ thống phối ghép tham chiếu, nhằm thể hiện trọn vẹn ưu điểm về tầng âm sâu rộng và âm hình chính xác của chúng.

Cửu Âm

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận