3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện

3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện

Xe điện nói chung và xe máy điện nói riêng đang ngày càng được nhiều người dùng Việt Nam lựa chọn, đồng thời đang trở thành xu thế nhờ sở hữu nhiều ưu điểm so với những dòng xe máy xăng truyền thống. Từ khả năng tiết kiệm, ít gây ô nhiễm đến khả năng vận hành ngày càng cải thiện. Mặc dù vậy, do còn khá mới mẻ, không ít người khi điều khiển xe máy điện thực tế vẫn chưa biết cách sử dụng loại phương tiện này sao cho an toàn và hiệu quả.

Dưới đây là 3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện.

3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện- Ảnh 1.

So với xe máy xăng, xe máy điện có nhiều khác biệt, đặc biệt ở khâu vận hành

Sạc điện thay vì đổ xăng

Không giống với xe máy sử dụng động cơ đốt trong, hoạt động nhờ năng lượng từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch (chủ yếu là xăng); xe máy điện trang bị mô-tơ điện, hoạt động nhờ nguồn điện tích hợp trong ắc-qui hoặc pin lưu trữ đi kèm. Điều này dẫn đến việc sử dụng hai loại xe này cũng có sự khác biệt.

Với sự phổ biến của xe máy xăng hiện này, hệ thống trạm nhiên liệu dày đặc và có mặt ở mọi vùng miền. Quan trọng hơn, thời gian cho mỗi lần đổ xăng cũng rất nhanh chóng và tiện lợi. Vì vậy, khi sử dụng xe máy xăng, người dùng gần như không phải quá lo lắng hay tính toán đến chuyện tiếp nhiên liệu. Tuy nhiên, khi chuyển sang dùng xe điện lại hoàn toàn khác. Dù không cần phải đổ xăng, tuy nhiên người dùng sẽ phải sạc điện cho xe. Đặc biệt, thời gian cho mỗi lần sạc đầy pin khá lâu (thường từ 4 - 10 giờ, tùy vào mức pin của xe hoặc công nghệ pin của các hãng).

3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện- Ảnh 2.

Do thời gian sạc đầy pin khá lâu, vì vậy người dùng cần tính toán và sắp xếp thời gian hợp lý, tránh trường hợp hết pin khi đang di chuyển

Chính vì vậy, việc đầu tiên cần thay đổi khi chuyển sang sử dụng xe máy điện chính là thói quen theo dõi pin và tính toán thời gian sạc hợp lý. Thông thường, thời điểm lý tưởng nhất để sạc điện cho xe là vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

Thay đổi thói quen bóp phanh

Trên hầu hết dòng xe máy điện đang phân phối tại Việt Nam hiện nay, trang bị phanh là loại phanh điện tử, có đi kèm các công tắc, cảm biến để có thể ngắt mô-tơ điện trong trường hợp người lái bóp phanh; kể cả khi lực bóp phanh rất nhẹ. Theo lý giải của nhiều chuyên gia, đây chính là cơ chế an toàn trên xe điện, nhằm làm giảm tốc độ của xe một cách an toàn. Bởi lẽ, nếu mô-tơ vẫn hoạt động khi tài xế bóp phanh, hiệu quả của việc giảm tốc độ sẽ rất kém. Lúc này quãng đường phanh sẽ dài hơn và xe có thể bị mất kiểm soát. Trong khi đó, đối với các dòng xe máy xăng thông thường, người lái hoàn toàn có thể rà ga nhẹ kết hợp với việc bóp phanh để điều khiển giảm tốc độ theo ý muốn. Xe không có cơ chế tự động ngắt nhả hay tắt máy.

3 thói quen cần 'sửa' khi chuyển từ xe máy xăng sang xe máy điện- Ảnh 3.

Cách sử dụng phanh và ga trên xe điện cũng có sự khác biệt, đòi hỏi người dùng phải thích nghi để đảm bảo an toàn

Chính vì vậy, một lưu ý với người dùng xe máy điện là khi bóp phanh, cần dứt khoát giảm hết ga, tránh trường hợp kéo giữ ga. Vì lực kéo từ mô-tơ điện rất nhạy và tức thời, nên khi giữ nguyên ga và nhả phanh, chiếc xe sẽ lao nhanh về phía trước khiến người lái giật mình và mất kiểm soát.

Kỹ năng kéo ga

Như vừa đề cập, so với động cơ đốt trong, độ nhạy và khả năng tăng tốc của xe máy điện vượt trội hơn hẳn. Nguyên nhân là bởi mô-men xoắn và công suất tối đa của mô-tơ điện đạt được tức thì, gần như không có độ trễ như trên xe máy xăng.

Do đó, người lái cần thận trọng và "từ tốn" khi kéo ga, đặc biệt thời điểm xe xuất phát; tránh trường hợp giật mình, mất kiểm soát khi xe bất ngờ vọt lên và lao về phía trước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận