Dịp Tết Nguyên đán 2024 đang đến, vì vậy nhu cầu chăm sóc, bảo dưỡng ô tô thường giá tăng khiến nhiều xưởng dịch vụ chính hãng, gara bảo dưỡng ô tô rơi vào tình trạng quá tải. Nếu không muốn mất nhiều thời gian chờ đợi cũng như để tiết kiệm chi phí, trước khi mang xe đi bảo dưỡng, chủ xe nên chịu khó tìm hiểu, đặt mua một số chi tiết, phụ kiện trên ô tô để tự thay thế.
Dưới đây là 5 phụ kiện chủ xe có thể tự thay thế khi bảo dưỡng ô tô chơi Tết:
Lọc gió điều hòa
Lọc gió điều hòa là bộ phận cần được vệ sinh và thay thế định kỳ trên ô tô. Sau một thời gian sử dụng, màng lọc gió điều hòa sẽ bị bám bụi bẩn nhiều, làm cản trở lượng gió hút vào, thậm chí gây tắc nghẽn. Các nhà sản xuất ô tô khuyến cáo, lọc gió điều hòa ô tô cần phải vệ sinh định kỳ sau mỗi 5.000 - 10.000 km và thay thế lọc gió mới sau mỗi 20.000 - 30.000 km. Ngoài ra, người dùng có thể thay lọc gió điều hòa sớm hơn khuyến cáo của nhà sản xuất nếu xe sử dụng trong điều kiện môi trường nhiều bụi bẩn, ô nhiễm hoặc khi thấy điều hòa xe có mùi hôi, không mát, cửa gió bị đọng nước,...
Việc thay lọc gió điều hòa trên nhiều mẫu xe hiện nay khá đơn giản. Đầu tiên, mở hộc đựng đồ bên ghế phụ, sau đó nhấn vào lẫy ở 2 bên và nhấc hộc ra ngoài. Khi đó sẽ thấy nắp hộp lọc gió điều hòa nằm ở bên trong. Nhấn vào lẫy bên phải hoặc bên trái của nắp hộp lọc gió để lấy lọc gió ra ngoài. Lưu ý là một số mẫu xe không mở nắp hộp lọc gió bằng cách đẩy sang trái/phải mà theo phương thẳng.
Lọc gió động cơ
Tương tự lọc gió điều hoà, lọc gió động cơ sau một thời gian sử dụng cũng bị bám bẩn và cần được vệ sinh, thay thế. Theo các kỹ thuật viên bảo dưỡng, sửa chữa ô tô lọc gió động cơ ô tô nên vệ sinh sau mỗi 5.000 km và thay mới sau mỗi 20.000 km. Ngoài ra, cần chú ý theo dõi tình trạng của xe, nếu có một trong những dấu hiệu như xe chạy hao xăng, động cơ thường xuyên bị tắt đột ngột, nhanh nóng và điều hòa không đủ mát thì bạn nên lập tức kiểm tra lọc gió động cơ và vệ sinh hoặc thay mới.
Việc thay lọc gió động cơ tuy không quá phức tạp, nếu tự thao tác tại nhà cần làm theo các bước sau: Mở nắp ca-pô, đợi cho động cơ nguội hẳn và xác định chính xác vị trí hộp chứa lọc gió. Mở hộp chứa bằng công cụ phù hợp, lấy lọc gió ra khỏi hộp chứa. Vệ sinh lọc gió bằng cách gõ nhẹ xuống sàn để bụi và cặn bẩn rơi ra. Sau đó dùng máy hút bụi hoặc máy xịt không khí đưa vào từng lớp để vệ sinh toàn bộ phần bụi bẩn. Trong trường hợp lọc gió quá bẩn không thể làm sạch, thay lọc gió mới, lưu ý lắp đúng chiều vào hộp chứa.
Cần gạt mưa
Cần gạt mưa kính lái, kính hậu là bộ phận dễ bị xuống cấp, hư hỏng và cần thay thế sau một thời gian sử dụng ô tô. Nhà sản xuất thường khuyến cáo người dùng ô tô nên thay cần gạt mưa sau khi sử dụng từ 12 - 18 tháng. Tuy nhiên, với thời tiết nóng ẩm tại VN, các chốt nối cần gạt rất dễ bị gỉ sét, bề mặt cao su của lưỡi gạt nước dễ bị biến dạng, bào mòn. Khi bật kiểm tra gạt mưa, nếu nhận thấy các dấu hiệu như lưỡi gạt để lại vệt nước thành dòng trên kính lái; lưỡi gạt phát ra tiếng kêu, tiếng va vấp khi hoạt động hay gạt mưa nhưng vẫn nhìn không rõ… nên mua gạt mưa mới thay thế.
Chú ý mua loại gạt mưa đúng với kích thước sử dụng cho xe. Cách thay thế cần gạt mưa cũng khá đơn giản và các chủ xe đều có thể thực hiện. Đầu tiên, dựng đứng cần gạt. Sau đó mở chốt khóa cần gạt để tháo cần gạt cũ ra khỏi chốt. Cuối cùng lắp cần gạt mới vào đúng vị trí.
Nước làm mát, nước rửa kính
Nước làm mát đóng vai trò là cầu nối trung chuyển nhiệt lượng từ động cơ ra két làm mát. Vì vậy, nếu để cạn nước làm mát sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ ô tô. Theo chuyên gia kỹ thuật Ford, để tránh làm thay đổi thành phần hóa học trong nước làm mát động cơ, người dùng nên thay sau 40.000 km. Việc kiểm tra mực nước làm mát phải được thực hiện thường xuyên. Đảm bảo mực nước làm mát trong bình nước phụ luôn nằm ở giữa vị trí "Max" và "Min" khi động cơ đang nguội. Nếu mực nước làm mát thấp hơn mức "Min" trong bình nước phụ thì phải mở nắp bình nước phụ và nắp két nước để châm thêm nước.
Tương tự nước làm mát, nước rửa kính cũng cần được bổ sung thường xuyên. Chủ xe có thể mua loại nước rửa kính chuyên dụng cho ô tô để châm thêm khi phát hiện mức nước rửa kính trong bình chứa về dưới vạch giới hạn thấp nhất. Nắp bình rửa kính thường có màu xanh dương và in hình cửa kính. Chỉ cần mở nắp, châm nước rửa kính về đúng mức quy định.
Pin chìa khóa ô tô
Hiện nay, không chỉ có những dòng ô tô hạng sang, nhiều mẫu xe hơi phổ thông cũng được nhà sản xuất trang bị chìa khóa thông minh, kết hợp nút đề khởi động (Engine Start Stop). Các loại chìa khóa này thường được gắn pin để hoạt động. Vì vậy, sau một thời gian sử dụng (khoảng từ 1 - 2 năm), pin gắn trên chìa khóa sẽ cạn kiệt dần khiến chìa khóa có dấu hiệu chập chờn, khó nhận sóng hoặc hết pin không thể khởi động xe như bình thường.
Với chìa khóa thông minh hết pin, tài xế nên sớm thay pin mới để dễ dàng sử dụng. Pin sử dụng cho khóa thông minh ô tô thường là loại pin dẹp, tròn được bán tại đại lý ô tô hoặc cửa hàng phụ tùng, phụ kiện. Chỉ cần tách đôi chìa khóa ra, tháo pin cũ để thay bằng pin mới.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: thanhnien.vn
Tham gia bình luận