Cấp giấy phép lái xe quốc tế (IDP: International Driving Permit) là một dịch vụ mà trước đây người dân có thể làm trực tuyến trên cổng dịch vụ công của Bộ Giao thông Vận tải (cũ) với lệ phí khoảng 135.000 đồng và thời gian giải quyết 5 ngày. Tuy vậy từ sau khi chuyển giao giữa hai ngành (tháng 3), cổng dịch vụ công cũ không còn tồn tại, trong khi cổng mới tại địa chỉ dvc4.gplx.gov.vn do Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) vận hành chỉ mới cung cấp dịch vụ đổi giấy phép lái xe trong nước.
Trả lời VnExpress về vấn đề này, Cục CSGT cho biết do quá trình chuyển đổi, hiện tại tạm thời chưa thể cung cấp chức năng này trên nền tảng trực tuyến. Bộ Công an đang lên phương án xây dựng tính năng nhận hồ sơ cấp GPLX quốc tế, dự kiến tháng 6/2025 đi vào hoạt động.

GPLX quốc tế (IDP) do Cục Đường bộ (cũ) cấp. Ảnh: Minh Hy
Người dân có nhu cầu cấp IDP có thể đến trực tiếp bộ phận tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi GPLX tại Cục CSGT và Phòng CSGT, Công an các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Tây Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Hóa để nộp hồ sơ và được hướng dẫn các thủ tục.
GPLX quốc tế IDP tại Việt Nam được thực hiện theo Công ước Vienna 1968, là hiệp ước quốc tế, thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước. Người được cấp IDP có thể sử dụng ở các nước tham gia Công ước, bao gồm 86 quốc gia, phần lớn là châu Á, châu Âu.
Với những người thường xuyên đi du lịch, công tác, học tập ở nước ngoài và cần lái xe, IDP là một giấy tờ quan trọng. Thời hạn hiệu lực của IDP là 3 năm kể từ ngày cấp, nhưng phải theo hiệu lực của bằng lái trong nước. Có nghĩa là, nếu bằng lái trong nước chỉ còn thời hạn hai năm, thì IDP cũng chỉ có giá trị trong hai năm. Nếu muốn gia hạn tiếp, việc trước tiên là đổi bằng lái xe trong nước.
IDP không phải là loại bằng lái duy nhất để có thể lái xe ở nước ngoài vì giới hạn 86 quốc gia. Một số quốc gia người Việt Nam đi du lịch nhiều, ví dụ như Nhật Bản, không chấp nhận loại bằng lái này cho khách nước ngoài.
Một loại bằng lái khác có hiệu lực rộng hơn, ở 192 quốc gia là bằng lái do Hiệp Hội ôtô quốc tế IAA (International Automobile Association, trụ sở ở New York) cấp. Tuy vậy, loại bằng này không được cấp thông qua các cơ quan chức năng của nhà nước, mà người dân có nhu cầu chủ động đăng ký, nộp hồ sơ ở trang web của IAA, hoặc thông qua các bên dịch vụ thứ ba, giá từ 1,5-3 triệu đồng, tùy vào thời hạn từ 1-20 năm hiệu lực.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận