Nissan đóng cửa 7 nhà máy vì thua lỗ

Nissan đóng cửa 7 nhà máy vì thua lỗ

Dưới sự lãnh đạo của giám đốc điều hành mới Ivan Espinosa, mục tiêu của kế hoạch này là phục hồi tình hình kinh doanh thua lỗ hiện tại. Theo đó, Nissan sẽ hợp nhất các nhà máy tại Thái Lan và chuyển sản xuất từ Argentina sang Brazil. Ông Espinosa cũng cho biết hãng đang tiến hành "đánh giá toàn cầu, bao gồm cả Nhật Bản".

Thông báo này được đưa ra cùng ngày với việc công ty công bố khoản lỗ ròng lớn nhất lên đến 670 tỷ yen (4,5 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3. Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn dự báo trước đó của công ty vào cuối tháng 4, với khoản lỗ được cho là 700-750 tỷ yen.

Lợi nhuận hoạt động của Nissan đạt 69,8 tỷ yen trong 12 tháng kết thúc vào tháng 3, giảm 88% so với năm trước.

Mẫu Nissan Rogue tại dây chuyền nhà máy ở Smyrna, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: Nissan

Mẫu Nissan Rogue tại dây chuyền nhà máy ở Smyrna, bang Tennessee, Mỹ. Ảnh: Nissan

Lợi nhuận ròng của hãng trong năm tài chính 2024 giảm mạnh so với năm trước đó với 426,6 tỷ yen. Nguyên nhân được cho là doanh số chậm chạp ở các thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc cũng như các khoản phí suy giảm giá trị tài sản ở Bắc Mỹ, Mỹ Latin, châu Âu và Nhật Bản.

Espinosa nhận định: "Kết quả tài chính cả năm là hồi chuông cảnh tỉnh. Thực tế rõ ràng rằng chúng ta có cơ cấu chi phí rất cao".

Ông bổ sung rằng năm tài chính hiện tại là "năm chuyển đổi" đối với Nissan. Tuy nhiên, công ty chưa đưa ra dự báo cho năm tài chính hiện tại. "Do sự bất định liên quan đến môi trường thuế quan, hướng dẫn về lợi nhuận hoạt động, thu nhập ròng và dòng tiền tự do từ ôtô trong năm tài chính hiện tại đang được xác định", Nissan cho biết trong một tuyên bố.

Nissan đang tiến hành tái cấu trúc lớn, từ việc cắt giảm việc làm trên toàn thế giới, đóng cửa các nhà máy và từ bỏ các kế hoạch đầu tư.

Nhà sản xuất ôtô này cho biết đang tìm kiếm "các cơ hội bổ sung để giảm chi phí cố định" và đang nhắm mục tiêu giảm 500 tỷ yen vào năm kết thúc vào tháng 3/2027, bao gồm cả thông qua việc hợp nhất nhà máy.

Espinosa cho biết: "Cấu trúc chi phí cố định là thứ mà chúng tôi không thể hấp thụ được với doanh thu hiện tại". Hãng sẽ hướng tới việc giảm sự phức tạp của các bộ phận trên xe và tổ chức lại chuỗi cung ứng, cũng như xem xét xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sang các quốc gia khác.

Kế hoạch tái cấu trúc cũng bao gồm việc cắt giảm 20.000 việc làm trên toàn thế giới, tương đương 15% lực lượng lao động toàn cầu, tăng so với các kế hoạch đã công bố trước đó là cắt giảm 9.000 nhân viên. Việc cắt giảm việc làm tương đương với kế hoạch phục hồi của Nissan vào năm 1999, đã giảm 21.000 vị trí và đóng cửa các nhà máy tại Nhật Bản sau khi công ty gặp khó khăn về tài chính.

Nissan phải đối mặt với những trở ngại từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng thuế quan, áp mức 25% đối với ôtô sản xuất bên ngoài Mỹ, thị trường lớn nhất của công ty. Trong khi tất cả các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản khác đều phải đối mặt với cùng một trở ngại, giá cổ phiếu của Nissan đã giảm hơn 20% kể từ đầu năm, hơn nhiều so với các công ty cùng ngành.

Công ty dự kiến chịu tác động tiêu cực 450 tỷ yen trong năm tài chính hiện tại do chính sách thuế quan của Mỹ, vì các sản phẩm của hãng được sản xuất tại Nhật Bản và Mexico sẽ bị ảnh hưởng bởi các khoản thuế bổ sung. Hãng có kế hoạch giảm thiểu tác động bằng cách tận dụng cơ sở Mỹ và thúc đẩy doanh số sản xuất tại địa phương.

Espinosa, người đã nắm quyền điều hành Nissan vào tháng trước, sẽ tập trung vào việc tổ chức các cuộc đàm phán hợp tác, bao gồm cả với các công ty bên ngoài ngành công nghiệp ôtô. Mặc dù Nissan được các nhà đầu tư kỳ vọng sẽ sáp nhập với đồng hương Honda, hãng và cựu chủ tịch Makoto Uchida đã hủy bỏ các cuộc đàm phán sáp nhập vào tháng 2.

Espinosa, tại một cuộc họp báo trước đó, cho biết "không có điều cấm kỵ" nào khi thành lập quan hệ đối tác với những công ty khác vì chi phí phát triển phần mềm cho công nghệ lái xe thông minh và điện khí hóa đang tăng lên. Trong khi đó, cựu giám đốc điều hành Nissan Jun Seki, hiện là giám đốc chiến lược về xe điện tại công ty lắp ráp iPhone Đài Loan Foxconn, cũng hy vọng sẽ thiết lập quan hệ đối tác với Nissan.

Trong khi đó, Chủ tịch Honda Toshihiro Mibe cho biết trong một cuộc họp báo trực tuyến vào 13/5 rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào với Nissan về việc sáp nhập đều đã "được thiết lập lại về con số 0 và không có tiến triển nào kể từ đó". Tuy nhiên, Mibe cho biết hai công ty và đồng minh của Nissan là Mitsubishi vẫn đang cân nhắc hợp tác trong các doanh nghiệp riêng lẻ theo quan hệ đối tác chiến lược đã ký vào tháng 8/2024.

"Chúng tôi đang tích cực tìm kiếm cơ hội (với Honda) tại thị trường Mỹ, đặc biệt vì tình hình thị trường hiện tại", CEO của Nissan cho biết. "Và tất nhiên Honda là một trong những ứng cử viên để xem liệu chúng tôi có thể tìm ra cách tiến lên và cùng nhau thực hiện một dự án hay không".

Ông nói thêm, rằng "Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với nhiều đối tác" miễn là điều đó dẫn đến việc tăng giá trị doanh nghiệp của Nissan.

Quyết định thực hiện các biện pháp tái cấu trúc toàn diện "không hề dễ dàng. Đó là một quyết định rất, rất đau đớn và đáng buồn", Espinosa cho biết, thêm rằng "Quy mô của một công ty không chỉ là bền vững, và nếu chúng tôi không làm gì đó ngay bây giờ, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn".

Mỹ Anh (theo Nikkei)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận