'Đất chật người đông' thị trường MPV Việt Nam

'Đất chật người đông' thị trường MPV Việt Nam

Năm 2018, thuế nhập khẩu ôtô từ các nước Đông Nam Á vào Việt Nam về mức 0%. Đây là tiền đề để nhiều hãng đưa xe mới về bán, trong đó có MPV. Mitsubishi Xpander là cái tên tạo ra nhiều sự quan tâm nhất lúc bấy giờ, ra mắt tháng 8/2018. Tới tháng 9 có thêm Toyota Rush và Avanza. Trên thị trường lúc ấy đã tồn tại những Chevrolet Orlando, Kia Rondo, Toyota Innova và Suzuki Ertiga.

Khi đó, doanh số phân khúc MPV còn nhỏ khi chỉ có Innova bán tốt, những mẫu xe khác đều lẹt đẹt. Năm 2018, phân khúc này có 18.650 xe đến tay khách hàng, trong đó mẫu xe Toyota chiếm gần 80% thị phần.

Cạnh tranh nhàm chán ở nhóm MPV giá dưới một tỷ đồng không còn từ 2019 khi Xpander bứt phá, giành lấy ngôi số một phân khúc về doanh số của Innova nhờ thiết kế trẻ trung và giá bán hấp dẫn. Cùng với những yếu tố khách quan như kinh tế phát triển sôi động, thu nhập người dân gia tăng, thị trường xe kinh doanh dịch vụ nở rộ, nhiều mẫu MPV cỡ nhỏ như Xpander trở nên có sức hút hơn trước.

Mẫu Mitsubishi Xpander bản AT Premium lăn bánh tại Bình Dương. Ảnh: MMV

Mẫu Mitsubishi Xpander bản AT Premium lăn bánh tại Bình Dương. Ảnh: MMV

Trong 4 năm (2018-2022), doanh số nhóm xe MPV tăng 184%, từ 18.650 xe lên 53.026 xe, tức gấp gần 3 lần. Không kể 2 năm 2020, 2021 bị ảnh hưởng nặng của dịch Covid-19, nhu cầu của người dân cho nhóm xe đa dụng tăng liên tục. Miếng bánh hấp dẫn của phân khúc MPV khiến ngày càng nhiều hãng đưa xe mới ra thị trường.

Từ 2022-2024, các tân binh như Honda BR-V, Hyundai Stargazer, Kia Carens, Toyota Avanza Premio, Veloz ở nhóm cỡ nhỏ lần lượt xuất hiện. Đi cùng là các mẫu cỡ trung như BYD M6, GAC M6 Pro, Haima 7X, 7X-E.

Đến 2025, nhóm xe 7 chỗ MPV có tổng cộng 19 sản phẩm, tức hơn ba lần so với 6 năm trước đó. Nếu tính cụ thể tới phiên bản, khách có gần 30 phiên bản lựa chọn. Xét về tăng số lượng sản phẩm mới, không nhóm xe nào cao hơn MPV giá dưới một tỷ đồng, ngoại trừ CUV cỡ B. Đây cũng là hai phân khúc có doanh số cao nhất thị trường trong 2024.

Với riêng phân khúc MPV, lựa chọn cho khách Việt hiện dày đặc với khoảng giá và kích cỡ đan xen nhau. Trong khoảng giá từ khoảng 500 triệu tới hơn 750 triệu, người dùng có thể tìm thấy 20 cái tên với giá sít sao.

Màu xanh: cỡ nhỏ, màu cam: cỡ trung.

Màu xanh: cỡ nhỏ, màu cam: cỡ trung. (Click vào hình để xem cỡ lớn)

Bức tranh tổng thể của nhóm MPV giá dưới một tỷ đồng nhìn chung chia làm ba nhóm. Các mẫu xe Nhật, Hàn cỡ nhỏ tạo nên mức giá sàn cho phân khúc và cũng chiếm sự quan tâm lớn nhất từ người dùng. Giá cao nhất là các mẫu xe cỡ trung với hai đại diện chính là Toyota Innova Cross và Hyundai Cutsin. Trong khi xe Trung Quốc, đều là cỡ trung nhưng có giá bán lấp lửng giữa hai phân khúc.

Suzuki Ertiga từng là mẫu xe giá rẻ nhất phân khúc MPV nhưng Hyundai Stargazer phá vỡ mức sàn do đối thủ thiết lập vào tháng 4/2024. Bản tiêu chuẩn của Stargazer có giá bán 489 triệu đồng.

Liên doanh Hyundai Thành Công định giá khá thấp cho Stargazer so với các đối thủ. Bởi bản số sàn của Mitsubishi Xpander có giá 560 triệu đồng, đắt hơn Stargazer tiêu chuẩn hơn 71 triệu đồng. Còn bản cao nhất của Stargazer giá 599 triệu đồng, đắt hơn bản tiêu chuẩn của Xpander khoảng 40 triệu đồng. Mẫu xe của Hyundai chỉ trang bị hộp số tự động.

Từ giá sàn gần 500 triệu đồng, những mẫu MPV cỡ nhỏ tiến lên mức trần gần 700 triệu đồng. Vượt qua khoảng giá này là nhóm của các mẫu xe cỡ trung.

Trước 2024, nhóm xe cỡ trung chỉ có hai đại diện chính là Custin, Innova Cross và giá không dưới 800 triệu đồng. Nhưng khi các mẫu xe Trung Quốc xuất hiện, phân khúc này được mở rộng và giá bán cũng được kéo xuống 700 triệu đồng.

Theo các chuyên gia bán hàng, để khỏa lấp hạn chế thương hiệu yếu hơn, tăng sức cạnh tranh và mở ra một lối tiếp cận mới, các mẫu xe Trung Quốc định giá lỡ cỡ giữa hai phân khúc. Dù cùng kích cỡ với các đối thủ Toyota, Hyundai nhưng GAC M6 Pro, MG G50 có giá bán thấp hơn nhiều Innova Cross hay Custin.

Mẫu MG G50 bản số sàn giá 559 triệu đồng tại một đại lý ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Mẫu MG G50 bản số sàn giá 559 triệu đồng tại một đại lý ở TP HCM. Ảnh: Phạm Trung

Bản đắt nhất của M6 Pro có giá 799 triệu đồng, G50 giá 749 triệu đồng, chưa bằng giá khởi điểm của Custin và Innova (trên 800 triệu đồng). Những mẫu xe của GAC hay MG là khoảng nối giữa các bản cao cấp nhất nhóm MPV cỡ nhỏ và bản thấp của MPV cỡ trung.

Nhưng định vị sản phẩm trong phân khúc MPV cỡ nhỏ nói chung cũng có ngoại lệ. Ví dụ như mẫu xe cỡ trung MG G50 bản số sàn MT có giá 559 triệu đồng, ngang ngửa các bản mẫu xe cỡ nhỏ như Xpander MT (560 triệu đồng) hay Avanza MT (558 triệu đồng). Hoặc Kia Carens, mẫu MPV cỡ nhỏ được Trường Hải (Thaco) định vị SUV, có giá bán bản cao nhất 764 triệu đồng, tiến lên nhóm MPV lưng chừng do các mẫu xe Trung Quốc thiết lập. Ngoài ra còn có các mẫu Haima 7X-E thuần điện, đầy ắp công nghệ có mức giá vượt một tỷ đồng.

Cạnh tranh ở nhóm xe MPV giá dưới một tỷ đồng sẽ còn nóng hơn trong thời gian tới khi VinFast chuẩn bị ra mắt mẫu Limo Green, dự kiến vào quý II. Ưu điểm chi phí vận hành thấp có thể giúp những mẫu xe điện như VinFast Limo Green, BYD M6 thu hút nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ.

Năm 2024, phân khúc MPV cỡ nhỏ bán ra tổng cộng 46.667 xe, nhóm cỡ trung là 9.860 xe. Tổng cộng nhóm MPV giá dưới một tỷ đồng đạt doanh số 56.527 xe, chiếm khoảng 11,4% thị phần toàn ngành (494.310 xe). Dẫn đầu là nhóm CUV cỡ B với doanh số 59.025 xe, tương đương 11,9% thị phần.

Thành Nhạn

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận