Trong tập Driving Skills Thực hư đi ôtô điện dễ bị say xe, nhiều độc giả tranh luận quanh vấn đề này, do xe, do người lái, hay do các nguyên nhân khác. Chuyên gia hướng dẫn lái xe an toàn Tiến Trần chỉ ra rằng, 70-80% nguyên nhân của việc say xe, đến từ thói quen lái xe của tài xế.

Ôtô điện VinFast VF 8 trên đường phố. Ảnh: Quang Anh
Đơn cử, khi lái xe trong điều kiện đường phố với đặc thù cần tăng, giảm tốc độ liên tục trong quãng đường ngắn, nếu tài xế sử dụng chân ga, chân phanh không hợp lý, rất dễ khiến người ngồi bên trong bị say xe. Ngoài ra, nguyên nhân gây say xe cũng đến từ việc đánh và trả vô-lăng đột ngột, không mượt mà.
Để hạn chế tình trạng say xe cho người ngồi, tài xế cần di chuyển trong phố với tốc độ phù hợp, tránh tình trạng tăng ga, đạp phanh đột ngột. "Người lái có kinh nghiệm sẽ quan sát, phán đoán tình huống từ xa để chủ động trong việc ga, phanh hoặc đánh lái một cách từ tốn. Trong khi với người mới lái, họ thường xử lý tình huống muộn và đột ngột hơn. Đây là nguyên nhân cốt lõi khiến người ngồi bị say xe", chuyên gia Tiến Trần chia sẻ.

Việc giữ tốc độ hợp lý, tránh tăng tốc hoặc đánh lái đột ngột có thể giúp giảm hiện tượng say xe. Ảnh: Quang Anh
Ngoài yếu tố từ người lái, một số nguyên nhân khác như mùi xăng dầu, nước hoa, mùi nội thất, hoặc tình trạng sức khỏe của người ngồi cũng dẫn đến tình trạng say xe. Với xe thuần điện, việc không có mùi xăng dầu lọt vào cabin giúp hạn chế tình trạng này, tuy nhiên chủ xe cần lưu ý vệ sinh nội thất sạch sẽ, thay lọc gió điều hòa đúng định kỳ, hạn chế dùng mùi nước hoa quá đậm đặc.

Các chế độ vận hành của ôtô điện can thiệp vào độ nhạy chân ga. Ảnh: Quang Anh
Về vấn đề sức khỏe, người bị rối loạn tiền đình cũng dễ say xe hơn, bởi những chuyển động mắt nhìn thấy khác với cơ quan tiền đình trong tai cảm nhận được. Ví dụ, nếu mắt truyền thông tin tới não rằng một người đang ngồi yên (thấy người bên cạnh đang ngồi yên trên xe) nhưng tiền đình tai trong lại cảm nhận được chuyển động của đầu (do xe rung lắc khi di chuyển), khiến thông tin đến não bị rối loạn, gây chóng mặt, choáng váng, buồn nôn.
Theo các chuyên gia, việc nghe nhạc là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng này khi đi xe. Khi nghe loại nhạc yêu thích, hệ thần kinh phó giao cảm được tác động, mang lại cảm giác dễ chịu. Âm nhạc cũng kích thích cơ thể sản xuất endorphin - hormone giảm đau tự nhiên, giúp cải thiện tâm trạng

Bộ đôi VinFast VF 3 và VF 8 trên đường phố. Ảnh: Quang Anh
"Khi nghe nhạc, não bộ bị đánh lạc hướng, tập trung cảm nhận giai điệu bài hát mà quên đi triệu chứng liên quan đến đau đầu, buồn nôn do say xe gây ra", vị chuyên gia cho biết.
Quang Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận