Những lưu ý an toàn khi dùng xe điện

Những lưu ý an toàn khi dùng xe điện

Đêm 6/7 tại TP HCM, đám cháy bùng lên ở căn hộ tại lô A cư xá Độc Lập nằm trên đường Đô Đốc Long, khiến ba căn nhà bị thiêu rụi, và 8 người trong hai hộ đã mắc kẹt tử vong. Nguyên nhân gây cháy được công an xác định là chủ hộ đã tự đấu nối nguồn điện cho các thiết bị dùng trong gia đình, trong đó có xe máy, ôtô điện.

Hiện trường căn hộ tại lô A cư xá Độc Lập sau vụ cháy lớn. Ảnh: Quỳnh Trần

Hiện trường căn hộ tại lô A cư xá Độc Lập sau vụ cháy lớn. Ảnh: Quỳnh Trần

Thiếu kiến thức cơ bản về an toàn khi sử dụng xe điện cũng như thiết bị điện nói chung là nguyên nhân dẫn tới nhiều vụ cháy nổ tại các gia đình. Trong đó, trường hợp thường gặp nhất là không hiểu rằng các thiết bị có công suất lớn cần dùng dây dẫn lớn, thậm chí một đường dây riêng không chia sẻ cùng các thiết bị khác trong nhà.

Nguyễn Khoa (TP HCM) nhớ lại một sai lầm suýt gây hậu quả khôn lường vào năm 2024. Khi đó, Khoa sử dụng một mẫu xe điện cỡ nhỏ của Trung Quốc, với đầu sạc theo xe công suất 1,5 kW, không yêu cầu tiếp địa, khi sử dụng điện dân dụng. Chân sạc là loại 3 chấu, nhưng ổ điện tại nơi Khoa làm việc lại là loại hai chấu. Vì vậy, Khoa dùng một cục sạc chuyển chân (adapter) để kết nối.

Sau 5-10 phút sạc, ổ cắm phát ra nhiều tiếng nổ, kèm mùi khói, tia lửa điện. May mắn Khoa kịp thời dập lửa và ngắt nguồn điện một cách an toàn. Chiếc adapter bị chảy nhựa, cháy đen. Xe điện không gặp vấn đề gì.

Phích cắm chuyển đổi cháy và biến dạng sau khi sạc xe điện. Ảnh: Nguyễn Hùng Đăng Kho

Phích cắm chuyển đổi cháy và biến dạng sau khi sạc xe điện. Ảnh: Nguyễn Khoa

"Đây là bài học đắt giá dành cho tôi, là luôn phải sử dụng ổ cắm hoặc adapter đúng chuẩn và đúng công suất, chứ không phải cái nào dùng cũng được, ngoài ra phải luôn dùng loại có tiếp địa mới an toàn", Khoa chia sẻ.

Cơ chế an toàn trên các bộ sạc xe điện

Thông thường trong cơ chế an toàn của các loại xe điện, sạc tại nhà dùng điện dân dụng luôn đòi hỏi ổ điện phải đủ công suất, và có tiếp địa (nối đất) thì các súng sạc mới có thể hoạt động. Nếu có rò rỉ điện từ bộ sạc hoặc mạch bên trong xe ra phần vỏ kim loại, tiếp địa sẽ dẫn dòng rò này xuống đất, giúp hạn chế tối đa nguy cơ giật điện, ngăn xảy ra cháy nổ.

Một vài mẫu ôtô điện nhỏ, xe máy điện sử dụng sạc công suất nhỏ có thể không yêu cầu tiếp địa để hoạt động, mặc dù trên chân ổ cắm bộ sạc vẫn có tiếp địa. Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ ổ điện ba chấu sang hai chấu như trường hợp trên của Khoa đã khiến bộ sạc của xe mất tiếp địa, điều này gây ra rủi ro về cháy nổ.

Nguy cơ cháy nổ khi sử dụng linh kiện sạc sai chuẩn

Việc dùng adapter không đúng chuẩn, sử dụng linh kiện kém chất lượng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố về điện. Ở trường hợp của Khoa, adapter mà anh sử dụng không phải là loại chuyên dụng cho việc sạc với dòng điện lớn, công suất cao, mà chỉ thường được cho các thiết bị gia dụng nhỏ, như điện thoại, laptop... Chính vì thế khi sạc phần adapter nóng lên nhanh chóng, khiến các chi tiết nhựa, dây dẫn bị chảy, và gây ra hiện tượng đoản mạch, dẫn đến cháy nổ.

Xe điện đang được sạc tại nhà ở Mỹ. Ảnh: Carparts

Xe điện đang được sạc tại nhà ở Mỹ. Ảnh: Carparts

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan khác khiến gây mất an toàn và tăng nguy cơ cháy nổ khi sạc xe điện tại nhà, ví dụ như sử dụng dây điện nối dài thông thường để tăng chiều dài dây sạc, hoặc sạc xe ở khu vực kín, nhiều vật dụng bắt lửa.

Nếu chủ xe sử dụng loại dây điện tiết diện nhỏ, không phù hợp công suất của dòng điện sẽ gây ra hiện tượng quá tải, nóng và chảy lõi bên trong lẫn phần bọc bên ngoài. Việc sử dụng dây nối dài có thể được thực hiện khi sạc cho xe máy điện, nhưng không nên dùng cho ôtô điện cần sạc với công suất lớn. Lưu ý không dùng ổ chia điện để sạc, vì dễ dây quá tải và chập cháy. Chủ xe có thể kiểm tra bằng cách theo dõi nhiệt độ phần dây dẫn khi sạc, nếu quá nóng tức có dấu hiệu quá tải, cần nâng cấp sang dây to hơn.

Vì sao không nên đỗ xe trong nhà khi đang sạc?

Xe điện sạc tại nhà nên đỗ nơi thoáng, có luồng khí lưu thông, tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nơi ẩm thấp. Không để xe gần các vật liệu dễ cháy như rèm, giấy, hoặc các xe chạy xăng khác. Sạc xe trong không gian kín hoàn toàn gây ra nhiều nguy hiểm, vì đa số các xe đều sinh nhiệt trong quá trình sạc.

Nếu đỗ trong không gian kín khi sạc, khi có cháy nổ xảy ra sức công phá sẽ mạnh hơn, vì trong không gian kín áp suất bị tích tụ mà không có nơi thoát. Khi nổ, pin thải ra nhiều chất độc hóa học cùng nhiệt lượng lớn, đồng thời pin cháy rất khó dập theo những cách thông thường, và các chất cháy trong pin bám vào các vật dụng khác trong nhà có thể khiến vụ cháy diễn biến nhanh hơn.

Các cách phòng ngừa cháy nổ khi sạc xe điện

Chủ xe cần kiểm tra định kỳ các linh kiện sạc như phích cắm, đầu nối, ổ điện để biết trước các dấu hiệu hư hỏng, và thay thế nếu cần thiết. Cần trang bị thêm bộ aptomat chống giật hoặc cầu dao tự động (CB) trong tủ điện tổng để có thể tự động ngắt điện ngay nếu có dòng rò từ thiết bị.

Ngoài ra khi muốn lắp đặt bộ sạc tại nhà, chủ xe nên tham khảo ý kiến từ nhân viên kỹ thuật của hãng xe, nhằm đưa ra lựa chọn an toàn nhất cho hệ thống lưới điện tại nhà.

Cuối cùng, việc độ xe điện, sử dụng những linh kiện không đúng chuẩn thiết kế của nhà sản xuất cũng là một trong những mối nguy hiểm tiềm ẩn. Ví dụ như xe dùng đèn 35W nguyên bản, nếu dùng đèn công suất lớn hơn gấp đôi, gấp ba có thể làm hệ thống điện quá tải, hoặc làm cháy những dây điện bên trong xe. Do đó nếu thay thế linh kiện điện như đèn, màn hình, cần chọn loại đúng với công suất nguyên bản, và tránh gắn thêm hoặc độ chế các thiết bị sử dụng điện của xe.

Hồ Tân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận