Cánh cửa mở tương lai cho những người lầm lỡ

Cánh cửa mở tương lai cho những người lầm lỡ

Vượt qua mặc cảm, vươn lên làm người hữu ích

Tuổi trẻ bồng bột, vướng vào tệ nạn cờ bạc, anh Nịnh Văn Trung, ở thôn Lọ, xã Lệ Viễn, huyện Sơn Động từng phải chấp hành hình phạt 8 tháng tù. Tháng 12-2022, trở về địa phương sau những ngày cải tạo, anh Trung luôn thôi thúc quyết tâm làm lại cuộc đời, bởi một lần vấp ngã ấy là bài học quá đắt cho bản thân.

Những ngày đầu về với gia đình, anh Trung không giấu được sự suy sụp, buồn và hối hận. Hai bàn tay trắng cộng với sự tự ti, mặc cảm, anh Trung cứ loay hoay với những câu hỏi phải làm nghề gì, phải mưu sinh như thế nào để lo cho vợ con. Địa bàn sinh sống còn nhiều khó khăn, bài toán việc làm với anh thật khó.

CBCS Công an huyện Sơn Động trao đổi về mô hình tái hòa nhập cộng đồng với anh Nịnh Văn Trung

CBCS Công an huyện Sơn Động trao đổi về mô hình tái hòa nhập cộng đồng với anh Nịnh Văn Trung

Thế rồi được sự động viên của gia đình, hàng xóm láng giềng, nhất là các cán bộ Công an huyện Sơn Động định hướng, giới thiệu việc làm; anh Trung đã mạnh dạn vay vốn từ người thân và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện theo diện hộ nghèo để mở xưởng kinh doanh mang tên “Xưởng cơ khí Quốc Trung”. Với nguồn vốn được hỗ trợ, anh Trung đã mở rộng xưởng, mua máy cắt nhôm 2 đầu với giá khoảng 400 triệu đồng, nhập thêm nhiều nguyên, vật liệu, đa dạng về mẫu mã, đầu tư thêm xe ô tô tải phục vụ việc giao nhận sản phẩm.

“Trước đây tôi đã từng có thời gian làm cơ khí và mở xưởng. Tuy nhiên lúc ấy, tôi chưa thực sự đầu tư vào công việc, các sản phẩm làm ra chưa ưng ý, công việc nhiều lúc bấp bênh lắm. Phải đến khi lầm lỡ mình mới nhận ra nhiều điều. Sau khi tái hòa nhập cộng đồng, tôi quyết tâm đầu tư máy móc, nguyên, vật liệu, thuê công nhân. Bản thân mình cũng phải nỗ lực vừa làm vừa nâng cao tay nghề, cập nhật những cái mới. May mắn cho tôi được người dân tin tưởng, ủng hộ, cứ có việc là người ta gọi đặt hàng mình làm” – anh Trung xúc động chia sẻ.

Với sự quyết tâm cao độ, anh Trung miệt mài học tập và làm việc. Nhờ tính cẩn thận, tỉ mỉ và tay nghề cao, anh dần tạo dựng được uy tín với khách hàng, xưởng cơ khí của anh ngày càng đông khách.

Anh Trung giới thiệu về công việc tại nhà xưởng cho cán bộ Công an huyện

Anh Trung giới thiệu về công việc tại nhà xưởng cho cán bộ Công an huyện

Gieo hạt lành

Tiếng lành đồn xa, các đơn đặt hàng đến với xưởng ngày một nhiều. Không chỉ nhận các đơn hàng làm nhôm, kính cho các hộ dân trong xã, anh Trung còn nhận các đơn hàng từ các xã khác, vươn tới cả những huyện lân cận. Dần dần, anh mở rộng quy mô xưởng với vốn điều hành hiện nay hơn 1 tỷ đồng.

Anh cho biết, thu nhập bình quân của xưởng khoảng 50 triệu đồng/tháng. Anh cũng nhận thêm 5 công nhân là thợ cơ khí và thợ sơn vào làm việc với mức lương khoảng 500.000 đồng/người/ngày công. Không chỉ dạy nghề, hướng dẫn công việc cho anh em công nhân, anh còn động viên, hướng dẫn vợ cùng tham gia làm việc tại xưởng để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Khi được hỏi về mong muốn trong tương lai, anh bộc bạch “tôi chỉ mong xưởng của mình ngày càng phát triển hơn, gia đình có cuộc sống tốt hơn. Bản thân tôi không giấu nghề cũng chẳng kén người, ai muốn xin vào làm tại xưởng tôi đều nhận và đào tạo nghề. Thời gian tới nếu có người tái hòa nhập cộng đồng không tìm được việc làm thì tôi sẵn sàng nhận”.

Gắn bó với xưởng từ những ngày đầu, anh Trần Văn Minh, trú thôn Trung Sơn, xã Lệ Viễn, thợ chính của xưởng cho biết, gần 3 năm qua, từ một người lang thang xin việc khắp nơi mà không đủ sống, giờ đây, anh đã có thu nhập phụ giúp vợ con.

“Với tôi, Trung không chỉ là người tâm huyết và cẩn thận với công việc mà còn là người chủ sòng phẳng, thẳng thắn và rất biết lo cho anh em. Nhất là khi chúng tôi có khó khăn, Trung đều sẵn sàng chia sẻ, động viên, tạo điều kiện để chúng tôi lo cho gia đình. Thấy anh có được cuộc sống như hiện tại tôi rất mừng. Trung cũng hay chia sẻ với chúng tôi rằng sẽ quyết tâm làm thêm vài năm nữa để kiếm tiền xây nhà cho vợ con” – anh Minh chia sẻ.

Sự chung tay của cộng đồng

Hiện nay trên địa bàn huyện Sơn Động có 127 người lầm lỗi được tiếp nhận, quản lý, giáo dục và giúp đỡ, trong đó có 5 trường hợp đã được hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 500 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nguồn vốn không chỉ giúp người lầm lỗi sớm xóa bỏ mặc cảm, tạo động lực để họ vươn lên làm lại cuộc đời mà còn đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Lưu Văn Hạnh, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Động, Bắc Giang cho biết: “Trong những năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thường xuyên phối hợp với Công an huyện và UBND các xã, thị trấn rà soát các đối tượng sau khi chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn theo Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện tốt nhất để khách hàng có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, giúp họ có nguồn vốn để phát triển sản xuất, có thu nhập trang trải cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội”.

Không chỉ phối hợp, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội được vay vốn phát triển kinh tế; lực lượng Công an huyện, Công an các xã, thị trấn còn thường xuyên đến thăm, động viên, khích lệ họ nỗ lực vươn lên làm lại cuộc đời, chấp hành tốt chính sách pháp luật và định hướng nghề nghiệp phù hợp với từng hoàn cảnh. Nhiều người đã trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến trong công tác tái hòa nhập cộng đồng.

Thượng tá Ngô Đình Dung, Phó Trưởng Công an huyện Sơn Động, Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi thường chia thành các cụm, cứ 4 đến 5 xã sẽ tổ chức một buổi để gặp gỡ những người tái hòa nhập cộng đồng tại trụ sở UBND xã. Đồng thời, Công an huyện luôn chủ động phối hợp với Phòng Lao động, thương binh và xã hội; Ngân hàng Chính sách xã hội và các doanh nghiệp lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục việc làm để họ có cơ hội tiếp cận, tìm kiếm, lựa chọn những công việc phù hợp. Đối với những trường hợp tái hòa nhập cộng đồng, để họ không tái phạm, sa ngã, chúng tôi đã tăng cường việc quản lý, giáo dục, hỗ trợ, động viên, chia sẻ với họ. Cá biệt có những trường hợp người tái hòa nhập cộng đồng khó khăn trong tìm kiếm việc làm, chúng tôi đã bảo lãnh để họ có cơ hội được làm lại cuộc đời”.

Với anh Nịnh Văn Trung, chính nhờ sự quan tâm, đồng hành của gia đình, của các ban, ngành chức năng, lực lượng Công an đã cho anh cơ hội được “tái sinh”, để anh hướng thiện, chăm chỉ làm ăn và gây dựng sự nghiệp. Đồng thời, hành động tạo việc làm, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, sẵn sàng dang rộng vòng tay cho những người lầm lỗi trở về của anh Trung đã gieo những hạt lành để nhân lên những nghị lực, niềm tin cùng nhau vượt qua quá khứ, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận