Cảm biến máy ảnh 'chết' vì chụp ôtô có lidar

Cảm biến máy ảnh 'chết' vì chụp ôtô có lidar

Để vận hành hệ thống ADAS (an toàn chủ động), ôtô hiện nay cần sử dụng dữ liệu thu thập trên camera, cảm biến hoặc radar, lidar, thường gắn phía trước xe. Tuy vậy, hệ thống này vô tình gây hư hỏng cảm biến máy ảnh trên smartphone.

Hệ thống an toàn chủ động của xe 'nướng' cảm biến máy ảnh
 
 

Cảm biến ảnh trên smart bị hư hỏng khi chĩa vào Lidar trên Volvo EX90, thể hiện bằng các đốm màu. Video: Reddit/Jeguetelli

Gần đây, người dùng tại Đức chia sẻ việc camera điện thoại bị hư hỏng khi quay phim mẫu xe thuần điện Volvo EX90. Cụ thể, khi camera chĩa gần vào khu vực cụm camera cho hệ thống an toàn chủ động trên đầu xe, các điểm ảnh trên cảm biến điện thoại bị hỏng ngay lập tức, thể hiện bằng các điểm màu lốm đốm trên màn hình. Các điểm ảnh này không thể khôi phục lại như cũ.

Đây là hiện tượng "dead pixel", có nghĩa rằng các điểm ảnh trên cảm biến máy ảnh đã hư hỏng hoàn toàn, thường xuất phát từ các yếu tố như nhiệt độ quá cao hoặc tiếp xúc với nguồn ánh sáng mạnh. Ở video trên, khi chĩa vào cụm camera trên xe, tia laser từ hệ thống lidar (light detection and ranging) đã làm hư hỏng cảm biến hình ảnh của điện thoại. Ở trên ôtô, hệ thống lidar sử dụng tia laser "vô hình", giúp xe có thể nhận biết khoảng cách với các vật thể phía trước một cách chính xác.

Cụm lidar trên mẫu Volvo EX90. Ảnh: Volvo

Cụm lidar trên mẫu Volvo EX90. Ảnh: Volvo

Theo The Drive, Volvo cho rằng hãng đã nhận biết vấn đề nói trên của một số chủ xe, và đưa ra khuyến cáo không chĩa camera thẳng vào cụm cảm biến trên đầu xe để tránh gây ra hư hỏng thiết bị. Công ty đảm bảo với người dùng rằng họ vẫn có thể chụp ảnh của xe, miễn là chụp từ khoảng cách xa hoặc sử dụng tấm lọc (filter). Hãng cho biết thêm đang làm việc với các đối tác cung cấp phần cứng để đưa ra giải pháp giải quyết triệt để tình trạng này.

Theo Lidar News, Cụm lidar trên mẫu Volvo EX90 sản xuất bởi hãng Luminar Iris, sử dụng công nghệ laser có bước sóng 1.550 nm, vô hình với mắt người. Công nghệ này mới xuất hiện trong vài năm qua, được chứng minh là an toàn cho mắt người hơn, trong khi đó cho tầm quét vật thể xa hơn, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu như mưa hoặc sương mù, vốn là vấn đề của công nghệ lidar cũ sử dụng laser bước sóng 905 nm.

Tuy nhiên laser bước sóng 1.550 nm đắt và cấu tạo phức tạp hơn, do đó mới chỉ xuất hiện trên các dòng xe cao cấp sản xuất gần đây. Bên cạnh đó, nhiều báo cáo của người dùng cho thấy loại laser này khiến cảm biến máy ảnh bị chết điểm ảnh. Vào 2019, một khách tham quan triển lãm CES diễn ra tại Las Vegas (Mỹ) đã chụp ảnh xe trang bị lidar 1.550 nm của hãng Aeye, điều này khiến cảm biến máy ảnh Sony a7R II của anh hư hỏng nghiêm trọng.

hai điểm ảnh bị cháy sau khi khách tham quan chụp ảnh xe trang bị cum lidar 1550 nm. Ảnh: Penta Pixel

Hai điểm ảnh bị "cháy" sau khi khách tham quan chụp ảnh xe trang bị cụm Lidar 1550 nm. Ảnh: Penta Pixel

Ngoài Volvo, các hãng ôtô khác cũng giới thiệu nhiều mẫu xe có lidar laser 1.550 nm trong thời gian qua. Mercedes trong tháng 3 năm nay cho biết hãng lựa chọn công ty Trung Quốc Hesai là đối tác cung cấp phần cứng lidar, sử dụng công nghệ laser 1.550 nm, nhằm trang bị cho các mẫu xe của hãng. Các hãng xe Trung Quốc như Nio, Li Auto, XPeng cũng có một số xe sử dụng lidar 1.550 nm.

Vào đầu 2023, một người dùng trên mạng xã hội Weibo cho biết camera trên smartphone của anh đã bị cháy điểm ảnh khi đang chụp cụm cảm biến của mẫu xe Nio ES7. Một số người dùng lo ngại công nghệ lidar này sẽ vô tình làm hư hỏng các camera khi hoạt động trên đường, ví dụ như camera lùi trên xe khác, hoặc camera giao thông. Tuy vậy, các báo cáo mới đây cho thấy hiện tượng chết điểm ảnh chỉ xảy ra khi camera tiếp xúc quá gần với lidar.

Hồ Tân

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận