Hồ Hương (TP HCM) đã có bằng lái xe từ ba năm trước, nhưng chỉ mới tự cầm lái trong vài tháng trở lại đây, khi chồng cô thường xuyên đi công tác dài ngày. Để đảm bảo vợ ở nhà có thể lái xe an toàn, chồng Hương dạy bổ túc tay lái cho cô mỗi ngày. Nhưng "mười lần như một", cứ mỗi khi ra đường, chỉ được 15-20 phút là vợ chồng hục hặc.
"Mỗi lần tôi cầm lái, chồng tôi cứ nhắc đi nhắc lại những tình huống mà tôi có thể tự xử lý được, thậm chí còn to tiếng, làm tôi cảm thấy anh ấy không tin vào tay lái của mình", Hương kể.
Chồng cô luôn nắm sẵn phanh tay, phòng trường hợp "vợ lái ẩu còn can thiệp kịp". Ngay cả khi ngủ quên, chồng vẫn nắm vào phanh. Những việc làm trên đã khiến Hương cảm thấy việc lái xe rất ức chế vì không được tin tưởng, cho dù xe đã mua bảo hiểm thân vỏ đầy đủ.
Thu Hằng (Hà Nội) cũng rơi vào tình huống tương tự. Trước đây gia đình chỉ có một xe, từ khi chồng cô đổi nơi làm việc, cô mua thêm xe khác để tiện đi làm, đưa đón con đi học. Nhưng chỉ bổ túc tay lái với chồng được hai ngày, cô đã từ bỏ.
"Vừa đánh xe ra khỏi chỗ đỗ tôi đã phạm phải lỗi tương tự hôm trước, và chồng tôi lại trách 'có một lỗi nhắc đi nhắc lại', tôi bỏ cuộc", Hằng nói. Sau đó, cô nhờ các đồng nghiệp cùng công ty hướng dẫn thì lại rất dễ dàng để nắm bắt. Hằng rút ra kết luận, cũng một kỹ năng như thế, nhưng chồng cô luôn dạy ở trạng thái căng thẳng, nên khiến cô khó nắm bắt.
Trong khi đó, nhiều nam tài xế cho biết, dạy vợ lái xe là một trong những việc khó nhất. Những lý do được đưa ra là lặp lại lỗi nhiều lần, vợ không sẵn sàng lắng nghe hoặc luôn nghĩ là chồng đang "lên lớp".
Những cuộc cãi vã gây ảnh hưởng đến khả năng lái xe
Có nhiều yếu tố khiến tài xế bị phân vân, mất tập trung khi lái xe. Các lý do thường thấy nhất là sử dụng điện thoại di động, ăn uống trong xe, nhìn bản đồ hoặc điều chỉnh trên màn hình thông tin giải trí. Tuy nhiên, có thêm một lý do khiến mất tập trung mà ít người để ý đến, đó là sự tương tác của các hành khách trên xe với tài xế.
Nghiên cứu từ Đại học Monash (Australia) năm 2020 cho thấy tương tác giữa tài xế và hành khách gây ra khoảng 5% số vụ tai nạn liên quan đến mất tập trung. Điều này bao gồm nói chuyện, tranh cãi, dẫn sai hướng, hoặc đánh giá cách lái xe. Tài xế có thể xao nhãng khi phải nghe những lời chỉ dạy như "đi nhanh hơn, phanh lại, chuyển hướng".. từ những hành khách trên xe.
Bên cạnh đó, người mới cầm lái luôn cần được hướng dẫn bởi những tài xế đã có kinh nghiệm, giúp xử lý các tình huống trên đường một cách an toàn hơn trước. Tuy vậy, nếu không hiểu ý nhau, hoặc cách truyền đạt thông tin gây ra sự khó chịu, cãi vã, người cầm lái có thể bị mất tập trung và dễ gây ra tai nạn hơn.
Một nghiên cứu từ các nhà khoa học tâm lý Terry Lansdown (Đại học Heriot-Watt) và Amanda Stephens (Đại học Monash) vào năm 2013 cho thấy các cuộc cãi vã trên xe có thể trở thành nguyên nhân khiến tài xế mất tập trung. Những trận cãi nhau gây căng thẳng cho tài xế, ảnh hưởng khả năng lái xe, giảm độ nhạy bén khi xử lý tình huống. Thậm chí nghiên cứu chỉ ra trong một số trường hợp, tranh cãi với còn gây mất tập trung hơn là nói chuyện trên điện thoại di động khi lái xe.
Theo góc độ khoa học, đây gọi là sự xao nhãng về nhận thức, khiến giảm thời gian phản ứng của tài xế khi có tình huống bất ngờ, hoặc làm tài xế phán đoán kém hơn.
Những giáo viên dạy lái xe lâu năm nhận định, vợ chồng thường rất khó dạy lái cho nhau, vì khó dung hòa. "Trong khi vợ luôn giữ tâm lý cần được chồng chỉ dạy nhẹ nhàng, thì chồng lại nghĩ không cần phải giữ kẽ khi đưa ra các chỉ dẫn", một thầy dạy lái 20 năm tại Hà Nội cho biết.
Theo các chuyên gia hướng dẫn lái xe an toàn, việc hướng dẫn cho các tài xế mới cần có sự mềm mỏng, khéo léo, bình tĩnh, nhằm giúp việc tiếp thu kiến thức, cũng như khả năng xử lý tình huống ở mức tốt nhất. Ngoài ra, khi gặp những tình huống khó, cần nhiều sự giải thích cho tài xế mới, người hướng dẫn có thể cho xe dừng ở vị trí an toàn để truyền tải rõ thông tin, cũng như cách xử lý tình huống, tránh vừa đi vừa nói.
Khi "bổ túc tay lái", không nên thực hiện các thao tác khác dễ gây mất tập trung trên xe như bật nhạc, radio, chỉ dẫn nhìn bản đồ, trò chuyện lan man... Với những tài xế mới, chỉ nên tập trung vào việc điều khiển xe, đọc biển báo giao thông, đèn, vạch kẻ đường. Vì vậy trên xe nên tắt nhạc, điều hòa thiết lập ở mức nhẹ nhàng, dễ chịu.
Với gia đình, chồng nên ngồi trên xe và giải thích khi được vợ hỏi, không nên chủ động chỉ dạy từng chút một, vì rất dễ xảy ra bất đồng. Nếu vẫn không thể dung hòa sau một vài lần thử, thuê thầy bổ túc tay lái là phương án phù hợp nhất để không ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận