Stellantis thông báo sẽ tạm dừng hoạt động tại nhà máy lắp ráp Windsor, Ontario, Canada, trong hai tuần và nhà máy Toluca, Mexico, đến hết tháng 4, theo CNBC.
Tại Windsor, Stellantis sẽ tạm thời sa thải khoảng 4.500 nhân viên, trong khi hơn 2.500 công nhân tại Toluca vẫn phải có mặt tại nhà máy nhưng không sản xuất ôtô. Stellantis cũng sẽ tạm thời sa thải 900 công nhân Mỹ tại các nhà máy hỗ trợ sản xuất cho các dây chuyền lắp ráp Windsor và Toluca.
"Chúng tôi đang tiếp tục đánh giá tác động trung hạn và dài hạn của những khoản thuế này đối với hoạt động của mình, đồng thời đã quyết định thực hiện một số biện pháp ngay lập tức, bao gồm tạm dừng sản xuất tại một số nhà máy lắp ráp ở Canada và Mexico", Antonio Filosa, giám đốc Stellantis Bắc Mỹ cho biết trong email gửi tới nhân viên. "Những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến một số nhân viên tại các cơ sở sản xuất động cơ và ép khuôn của Mỹ hỗ trợ các hoạt động đó".

Xe điện Dodge Charger Daytona EV trên dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở Windsor. Ảnh: Stellantis
Stellantis sản xuất minivan Chrysler và xe điện Charger Daytona EV mới tại Windsor. Đây cũng là đơn vị tuyển dụng lớn nhất tại Windsor, Ontario. Nhà máy Toluca, Mexico, sản xuất xe Jeep Compass và xe điện Wagoneer S EV mới.
Lúc này, chưa thể xác định mức thuế sẽ ảnh hưởng đầy đủ đến ngành công nghiệp ôtô như thế nào. Tuần trước, công ty nghiên cứu Bernstein cho rằng giá ôtô sẽ tăng khoảng 7% do tác động này.
Unifor, công đoàn đại diện cho công nhân ôtô Canada cho biết trong một tuyên bố, rằng "Unifor đã cảnh báo rằng thuế quan của Mỹ sẽ gây tổn hại cho công nhân ôtô gần như ngay lập tức và trong trường hợp này, việc sa thải đã được công bố trước khi thuế quan ôtô có hiệu lực".
Hãng xe khác có phản ứng đầu tiên ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với hàng chục nền kinh tế là Hyundai.
CEO của Hyundai, José Munoz, cho biết hãng sẽ không tăng giá để bù đắp chi phí thuế quan. Nhưng những thay đổi xảy ra với trải nghiệm đại lý. Hyundai được cho là đang kết thúc chương trình bảo dưỡng miễn phí cho các xe đời 2026 trở lên.
Trong một bản tin gửi đến các đại lý và được Cars Direct thu thập, Hyundai cho biết: "Chi phí của chương trình đã tăng lên mức không thể chống đỡ". Thay vào đó, thương hiệu này khuyến khích các đại lý cung cấp các gói bảo dưỡng trả trước, cho phép các đại lý "chuyển trọng tâm sang một nguồn doanh thu khác".
Trước đây, Hyundai cung cấp gói bảo dưỡng cơ bản cho xe mới trong tối đa 3 năm hoặc 36.000 dặm (gần 58.000 km), và bản tin cho biết hãng sẽ tiếp tục thực hiện. Chương trình này cung cấp phạm vi bảo hiểm cho các mẫu xe 2020-2025, tức xe từ đời 2026 không thuộc chương trình.
Việc bỏ đi chương trình này có thể khiến một số người mua tiềm năng khó chịu, nhưng cam kết không tăng giá của Hyundai có thể là một điểm thu hút. Munoz nói với Autocar trong Triển lãm di động Seoul (3-13/4) rằng Mỹ là "thị trường rất quan trọng" đối với Hyundai và là nơi mà hãng cần "cung cấp một sản phẩm cạnh tranh".
Cuối tháng 3, Munoz cho biết ông tin rằng "chiến lược bản địa hóa" của công ty sẽ "giúp giảm thiểu tác động của bất kỳ thay đổi chính sách tiềm ẩn nào". Hyundai cũng vừa công bố sẽ đầu tư 21 tỷ USD vào năm 2028, bao gồm 9 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất tại Mỹ lên 1,2 triệu xe mỗi năm. Hyundai có một nhà máy ở Alabama, nơi hãng đã sản xuất Tucson, Santa Fe, Santa Cruz, Genesis GV70, cùng nhiều mẫu xe khác.
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận