Ngày 9/2, đài phát thanh và truyền hình nhân dân Chiết Giang đưa tin một chủ xe Volvo nhận được hệ thống âm thanh "Bowers & Wilkins" làm quà khi mua xe tại cửa hàng 4S. Tuy nhiên, người này phát hiện logo có chữ "W" của "Bowers & Wilkins" bị biến thành "VV", không khớp với logo chính hãng và bị nghi ngờ là hàng giả.

Tên thương hiệu âm thanh của Anh bị viết sai, với các chữ W đều biến thành hai chữ V. Ảnh: Sohu
Sau bài đăng của chủ nhân chiếc Volvo trên, một loạt người dùng khác cũng đăng ảnh chụp lại logo Bowers & Wilkins trên xe của họ. Và không chỉ chữ "W", mà tên thương hiệu này còn bị viết sai theo cách khác, khi sau hai chữ "V" lại là chữ "li" thay vì "il".

Sau hai chữ "V" ở chữ Wilkins lại là chữ "li" trên một xe khác. Ảnh: Sohu
Chủ xe cho biết, khi mua xe, đại lý 4S hứa sẽ tặng anh "hệ thống âm thanh trung tâm Bower và cần số pha lê" và ghi rõ trong hợp đồng mua bán, tổng giá trị lên tới 10.679 nhân dân tệ (gần 1.500 USD). Điều đáng chú ý là giá tùy chọn hệ thống âm thanh Bowers & Wilkins nguyên bản của Volvo là 25.800 nhân dân tệ (3.600 USD), vượt xa giá trị quà tặng trong hợp đồng.
Tuy nhiên, đại lý 4S không viết tên đầy đủ của hệ thống âm thanh Bowers & Wilkins trong tất cả các hợp đồng, thay vào đó, sử dụng cụm từ miêu tả chung là "hệ thống audio trung tâm Bowers". Tờ Sohu nhận xét, rằng người tiêu dùng bình thường khó có thể hiểu được ẩn ý trong trò chơi chữ này.
Thông qua hình thức quà tặng, lắp đặt trả phí hoặc bán theo gói, các cửa hàng 4S đã biến "loa trung tâm Bowers" thành một công cụ kỳ diệu để thúc đẩy doanh số và lợi nhuận. Khách hàng hạnh phúc, nhân viên bán hàng hạnh phúc và các cửa hàng 4S cũng hạnh phúc.
Hơn nữa, ngay cả khi khách hàng phát hiện ra và muốn khiếu nại hay kiện tụng, họ cũng không thể được thay thế hệ thống đúng hãng hoặc bồi thường nếu "Bowers & Wilkins" không được ghi trên hợp đồng.
Chủ xe trên còn tiết lộ nội dung cuộc trao đổi với nhân viên bán hàng tại cửa hàng 4S. Khi khách hàng thắc mắc liệu hệ thống âm thanh được tặng có phải là "hàng giả" không, nhân viên bán hàng cho biết có thể đây là vấn đề về kiểm soát chất lượng và họ cần cung cấp phản hồi cho nhà sản xuất.
Khi khách hàng hỏi lại: "Ý anh là nhà sản xuất trực tiếp sử dụng hàng giả?", thì câu trả lời rất "chuyên nghiệp": "Chỉ dành cho xe đặc biệt thôi! Các mẫu xe đặc biệt có chút khác biệt so với xe nguyên bản. Nếu có vấn đề về chất lượng, chúng tôi sẽ cung cấp dịch vụ đảm bảo chất lượng và hậu mãi".

Logo Bowers & Wilkins của hệ thống âm thanh chính hãng trên ôtô. Ảnh: LAC
Sau khi vụ việc bị phát hiện, người tiêu dùng nhanh chóng lên án hành vi "thay thế thứ này bằng thứ khác" của đại lý này, và nhiều người đặt câu hỏi liệu thương hiệu Volvo có gian lận hay không. Sau đó, chủ sở hữu đã xác nhận thông qua kiểm tra của bên thứ ba rằng loa thực chất là "loa trung tâm dành riêng cho Volvo" chứ không phải sản phẩm của Bowers & Wilkins.
Sáng ngày 12/2, tài khoản Weibo chính thức của Volvo Cars đưa ra tuyên bố cho biết, để ứng phó với vấn đề "hành vi bất thường trong quy trình bán xe mới" gần đây được một số khách hàng phản ánh, hãng đã ngay lập tức tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt.
Volvo Cars cho biết sẽ duy trì các nguyên tắc công khai và minh bạch, điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân sự cố, xử lý đúng theo luật pháp và quy định, đồng thời đảm bảo bảo vệ đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Hãng đưa ra lời xin lỗi, đồng thời cho biết triển khai hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc liên kết đầy đủ nghiêm ngặt cho các phụ kiện gốc, và trong tương lai, sẽ tăng cường hơn nữa công tác giám sát và quản lý các đại lý ủy quyền.
Tuy nhiên, nhiều người nhận xét rằng tuyên bố của Volvo dường như đang tách mình khỏi sự cố này, nhấn mạnh "tăng cường giám sát và quản lý các đại lý được ủy quyền". Vậy câu hỏi đặt ra, là đại lý nào chịu trách nhiệm cho những vấn đề này?
Một chủ xe tiết lộ với phóng viên: "Sau khi phát hiện hệ thống âm thanh giả, tôi đã hỏi người quản lý dịch vụ sau bán hàng của cửa hàng 4S thì anh ấy nói rằng bộ phận này do Tập đoàn Zhongsheng mua".
Zhongsheng thành lập năm 1998, tập đoàn phân phối nhiều thương hiệu ôtô tại Trung Quốc, và là chủ của hệ thống đại lý 4S thuộc hàng lớn nhất Trung Quốc.
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận