Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc

Các tuyến đường cao tốc trong mạng lưới giao thông ngày càng gia tăng, góp phần gia tăng kết nối giữa các tỉnh thành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên, thực tế cũng có không ít vụ tai nạn giao thông xảy ra trên đường cao tốc, nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu kỹ năng, kinh nghiệm xử lý của một bộ phận tài xế đặc biệt là những "tài mới" khi lái xe trên đường cao tốc.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 1.

Lái xe trên cao tốc cũng cần phải có kỹ năng

Vì vậy, bên cạnh tuân thủ luật giao thông, việc trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức… là những điều cần thiết để giúp các "tài mới" lái xe an toàn trên đường cao tốc. Dưới đây là những kỹ năng, kiến thức cơ bản sẽ góp phần giúp lái bạn lái xe an toàn khi điều khiển ô tô trong lưu thông trên đường cao tốc:

Kiểm tra xăng, áp suất lốp, phí không dừng của xe trước khi vào cao tốc

Trước hành trình dự kiến chạy tốc độ cao trên đường cao tốc, kiểm tra các yếu tố kỹ thuật của xe là việc nên làm để đảm bảo an toàn tối đa khi liên tục vận hành xe ở vận tốc lớn. Điều này giúp đảm bảo hành trình được trọn vẹn và giúp người lái tự tin hơn trong các pha xử lý.

Đảm bảo xe có đủ nhiên liệu (đối với xe xăng/dầu) và được sạc đầy pin (đối với xe điện) trước khi vào cao tốc. Việc này giúp cho xe không phải dừng lại giữa đường cao tốc, dù là dừng trên làn khẩn cấp vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm khó lường trước, làm mất thời gian di chuyển.

Yếu tố quan trọng khác nằm ở áp suất lốp xe quá mềm hay quá cứng đều không được khuyến cáo để chạy tốc độ cao. Xe có thể bị mất kiểm soát khi lốp xe bị nổ, dẫn đến những tai nạn giao thông nghiêm trọn. Hãy kiểm tra áp suất lốp của 4 bánh xe đúng theo thông số của nhà sản xuất khuyến cáo trước khi khởi hành.

Ngoài ra, việc kiểm tra tài khoản trong thẻ thu phí không dừng (VETC hoặc ePass) của xe cũng rất quan trọng, vì trên cao tốc sẽ không có làn đường thu phí bằng thủ công, nếu chẳng may trong tài khoản không còn tiền, bạn không chỉ bị gián đoạn lưu thông mà còn có thể bị phạt hành chính.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 2.

Áp suất lốp đủ tiêu chuẩn giúp việc điều khiển xe trên đường cao tốc an toàn hơn

Nhập làn cao tốc

Trên đường cao tốc thường sẽ có làn đường để cho các xe chuẩn bị nhập làn vào cao tốc, cần bật đèn xi-nhan để báo hiệu và xin đường khi đã chạy trên đường nhập làn, tốc độ vừa phải khoảng 60 km/giờ. Chú ý quan sát qua gương chiếu hậu các xe phía sau đang lưu thông ở làn cao tốc. Nếu thấy có một dòng xe liên tục chạy ở làn đường mà bạn muốn nhập vào thì hãy kiên nhẫn chờ đợi và nhường đường cho tất cả các xe trên làn cao tốc. Bởi khi đi từ đường nhánh bạn sẽ không được ưu tiên.

Khi nhìn thấy được khoảng trống hãy tiếp tục bật xi-nhan, tăng tốc dứt khoát và nhập làn với tốc độ xe cùng với tốc độ những xe khác. Chú ý, khi nhập làn cao tốc không lấp lửng và cũng không nhập làn đường một cách đột ngột, thiếu quan sát. Ngoài ra, nên hạn chế dừng ở làn tăng tốc nhập làn.

Nhường làn sát dải phân cách cho xe chạy nhanh hơn

Trên đường cao tốc thường có nhiều làn đường khác nhau, mỗi làn đường sẽ có ưu nhược điểm riêng. Nếu cao tốc có 4 làn đường (không quy định loại xe), thường 2 làn bên trái sát tim đường sẽ là làn đường đồng tốc, làn ở giữa tốc độ thấp hơn, làn trong cùng là làn đường dừng khẩn cấp. Tùy thuộc vào loại xe, tốc độ và kỹ năng xử lý của người lái để chọn làn đường phù hợp.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 3.

Chọn làn trên cao tốc phù hợp với tốc độ

Với làn đường cao tốc sát tim đường, tài xế có thể điều khiển xe di chuyển với tốc độ tối đa cho phép. Tuy nhiên, khi đi làn đường này, nếu không đảm bảo tốc độ đều tối đa liên tục, thường sẽ bị xe sau nháy đèn, bấm còi xin vượt. Do vậy, hãy ưu tiên nhường làn trong cùng để các xe phía sau có thể vượt, thường xuyên đi các làn giữa và chỉ chuyển làn vào sát dải phân cách khi cần vượt.

Làn đường khẩn cấp trên cao tốc là làn ngoài cùng bên phải. Làn đường này thường hẹp hơn những làn đường khác và tách biệt bằng vạch liền. Làn dừng khẩn cấp trên cao tốc dành cho những xe gặp sự đỗ lại để chờ xe cứu hộ. Tuyệt đối không chạy trên làn đường khẩn cấp vì sẽ gặp nhiều tình huống xe dừng bất ngờ, xảy ra va chạm nghiêm trọng.

Trong trường hợp xe gặp sự cố, nếu muốn dừng vào làn khẩn cấp, người lái cần bật đèn cảnh báo nguy hiểm, sau đó quan sát các xe di chuyển phía sau, tuần tự chuyển từng làn một cho đến khi vào làn dừng khẩn cấp.

Chú ý quan sát, đủ điều kiện mới chuyển làn

Một trong những yếu tố quan trọng giúp các tài xế lái xe an toàn trên đường cao tốc là việc chú ý quan sát, chuyển làn. Trước khi chuyển làn đường, lái xe cần quan sát kỹ phía trước. Nếu đủ điều kiện an toàn hãy bật đèn xi-nhan, quan sát và thực hiện chuyển làn đường. Khi chuyển làn, tốc độ tăng, giảm hay giữ nguyên sẽ tùy vào tình hình thực tế, tốc độ quy định của làn mới vừa nhập vào.

Tuyệt đối không nên chuyển làn liên tiếp, bởi điều này sẽ gây nguy hiểm cho chính bạn và các phương tiện cùng lưu thông trên đường cao tốc. Bên cạnh đó, lái xe cũng không nên chuyển làn khi đến gần điểm rẽ. Khi vượt một chiếc xe chạy chậm và muốn chuyển lại vào làn cũ, hãy đảm bảo nhìn thấy toàn bộ phần đầu xe phía sau trong gương chiếu hậu 2 bên mới bắt đầu đánh lái chuyển làn.

Lái xe đúng tốc độ quy định, giữ khoảng cách an toàn

Các tuyến đường cao tốc luôn có hệ thống biển báo tốc độ, biển chỉ dẫn cho phương tiện tham gia giao thông. Tùy vào mỗi làn đường, đoạn đường sẽ có những biển báo khác nhau. Trong đó, quy định về tốc độ trên cao tốc thường sẽ có biển báo tốc độ tối đa và tốc độ tối thiểu. Biển báo tốc độ tối đa trên đường cao tốc là biển màu trắng, viền đỏ, chữ đen, thông thường tốc độ tối đa trên đường cao tốc theo quy định thường không quá 120 km/giờ. Biển báo tốc độ tối thiểu là biển màu xanh, chữ trắng, thường quy định tốc độ tối thiểu từ 50 - 60 km/giờ.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 4.

Giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển trên đường cao tốc

Bên cạnh việc tuân thủ tốc độ, khi lái xe trên đường cao tốc, các tài xế nên chú ý giữ khoảng cách an toàn với các xe đi phía trước. Đây là yếu tố quan trọng giúp lái xe xử lý các tình huống bất ngờ từ phía trước, tránh va chạm, nhất là các vụ va chạm liên hoàn "dồn toa". Trên đường cao tốc thường có biển báo quy định cự ly tối thiểu giữa hai xe. Khi gặp biển báo này phải duy trì khoảng cách bằng hoặc lớn hơn trị số ghi trên biển báo.

Nếu lái xe với tốc độ 60 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 35 mét. Từ 60 - 80 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu khoảng 55 m. Tốc độ 80 km/giờ đến dưới 100 km/giờ, cần giữ khoảng cách an toàn tối thiểu 70 m và từ 100 km/giờ đến dưới 120 km/giờ, khoảng cách an toàn tối thiểu với xe phía trước khoảng 100 m. Tuy nhiên, lái xe trên cao tốc khi trời mưa, đường trơn trượt hay thời tiết sương mù… nên tạo khoảng cách với xe phía trước lớn hơn khoảng cách an toàn tối thiểu.

Không chạy song song với xe khác trên cao tốc

Khi lái xe trên đường cao tốc không nên đi song song với các phương tiện khác vì có thể làm cho bạn giảm tầm nhìn và những yếu tố bất ngờ khi xảy ra cũng sẽ khiến bạn khó xử lý vì khoảng cách giữa hai xe quá gần.

Việc có hai xe chạy song song trên cao tốc cũng gây cản trở lưu thông, gây ức chế cho những người lái xe nhanh hơn ở phía sau. Do vậy, một là hãy tăng tốc nhanh để vượt xa khỏi xe chạy song song bên cạnh, hai là giảm tốc độ nếu đã chạy ở vận tốc tối đa cho phép để tạo ra khoảng cách phù hợp.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 5.

Không chạy song song với xe khác trên cao tốc

Xe bị sự cố, không cho hành khách đứng trên đường cao tốc

Khi xe bị sự cố và phải dừng trên làn đường khẩn cấp. Đầu tiên hãy cho tất cả hành khách xuống xe và di tản ra khỏi khu vực sự cố, tránh xa phần đường cao tốc, đề phòng những rủi ro khi có những phương tiện không tuân thủ quy định và chạy trên làn đường khẩn cấp. Đồng thời, cần đặt biển phản quang cảnh báo nguy hiểm ở phần đuôi xe - cực kỳ quan trọng vào ban đêm, làm dấu hiệu để các phương tiện dễ dàng quan sát né tránh từ xa.

Lái xe chỉ được phép di chuyển vào phần đường khẩn cấp trên đường cao tốc trong những trường hợp sau: Xe gặp trục trặc, chủ xe không thể tiếp tục lái xe hoặc tiếp tục lái xe an toàn trong một vài trường hợp như: hết xăng, chết máy, thay lốp, sức khỏe của tài xế không đảm bảo. Ngoài ra, các loại phương tiện ưu tiên như xe cấp cứu, xe cứu hỏa, xe cảnh sát/ quân sự, xe cứu thương… được phép di chuyển/ đỗ/ dừng xe tại đây trong trường hợp khẩn cấp, cứu trợ/ cứu hộ/ cứu nạn hay thi hành nhiệm vụ.

Không sử dụng các công nghệ ADAS của xe nếu chưa hiểu rõ

Trên các dòng xe đời mới ngày nay thường được trang bị các công nghệ hỗ trợ lái xe an toàn trên đường cao tốc, thường được gọi là ADAS (Advanced Driver Assistance Systems). Gói công nghệ này cung cấp các tính năng hữu ích như cảnh báo chệch làn đường, cảnh báo điểm mù, tự động giữ khoảng cách với xe phía trước, tự động giữ làn đường, ga tự động thông minh thích ứng,… hỗ trợ cho tài xế có thể lái xe an toàn hơn trên đường cao tốc.

Kỹ năng lái xe an toàn trên đường cao tốc- Ảnh 6.

Không nên sử dụng các tính năng ADAS trên cao tốc nếu chưa hiểu rõ cách vận hành

Cường Vũ

Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng thành thạo các tính năng này, nhất là khi lái một chiếc xe lạ, xe mượn của người khác. Việc tài xế vừa lái xe vừa tìm cách điều chỉnh những tính năng này sẽ khiến cho việc lái xe trên cao tốc bị phân tâm, không tập trung, tạo ra các nguy hiểm tiềm ẩn khi lưu thông.

Ngay cả tính năng đơn giản như ga tự động Cruise Control cũng đòi hỏi tài xế phải sử dụng thành thạo từ trước, để không phải loay hoay tìm cách kích hoạt và điều chỉnh tốc độ.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận