Sau một thời gian yên ắng, các hội nhóm về nhu cầu cho thuê bằng lái xe lại hoạt động rầm rộ giữa người muốn cho thuê và người cần thuê bằng.
Cung gặp cầu khi thuê bằng lái xe
Ghi nhận của PV trên các nền tảng mạng xã hội thời gian gần đây, các hội nhóm về cho thuê giấy phép lái xe (GPLX) liên tục hoạt động sôi nổi.
Trong đó, người cần cho thuê GPLX sẽ giới thiệu các thông tin về hạng GPLX, thời hạn của GPLX và mức giá cũng như khu vực có thể cho thuê.
Ngược lại, ở vị trí người cần thuê cũng nêu thông tin về lỗi giao thông bị xử phạt, loại hạng GPLX…Theo đó, giá thuê tùy thuộc vào các loại hạng GPLX, chẳng hạn bằng B1, B2 là thấp nhất có giá từ 1,5-2 triệu đồng/tháng, còn bằng E, FC… giá cao nhất khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Mỗi bài đăng đều nhận được nhiều bình luận của những người có nhu cầu thuê và cho thuê gặp nhau. Đa số những người cho thuê GPLX là người có bằng nhưng không sử dụng đến hàng ngày. Còn người cần thuê thì bị xử phạt nguội với lỗi phạt bổ sung là tước GPLX.
“Mức giá cho thuê đã bao gồm cả dịch vụ đi nộp phạt nguội thay cho chủ xe”- một bài đăng khẳng định.
Sẽ siết việc cho người khác mượn bằng lái xe
Từ 1-6-2024, Thông tư 05/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến lĩnh vực vận tải đường bộ, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, phương tiện và người lái của Bộ GTVT sẽ có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng sẽ thu hồi GPLX nếu phát hiện được cho người khác sử dụng GPLX của mình.
Cụ thể, Thông tư 05/2024 sửa đổi, bổ sung khoản 14 Điều 33 Thông tư số 12/2017/ (đã được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 19 Điều 1 Thông tư số 38/2019/) như sau:
Các trường hợp thu hồi GPLX bao gồm: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; Người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; Để người khác sử dụng GPLX của mình; Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; Có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng GPLX, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký;
“Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy (trừ các hành vi xử lý theo quy định tại điểm c và điểm d khoản 10 Điều 5; điểm h và điểm i khoản 8 Điều 6 Nghị định số 100/2019)”- Thông tư 05/2024 quy định các trường hợp bị thu hồi GPLX như trên.
Thông tư 05/2024 bổ sung khoản 16 vào Điều 33 Thông tư số 12/2017 quy định về xử lý đối với trường hợp GPLX bị thu hồi.
Các trường hợp bị thu hồi GPLX gồm: Người lái xe có hành vi gian dối để được cấp GPLX; Người lái xe tẩy, xoá, làm sai lệch các thông tin trên GPLX; Cơ quan có thẩm quyền cấp cho người không đủ điều kiện; Thông qua việc khám sức khỏe Cơ quan có thẩm quyền xác định trong cơ thể người lái xe có chất ma túy sẽ được Cơ quan quản lý GPLX cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin GPLX kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
GPLX bị thu hồi vì lý do để người khác sử dụng GPLX của mình, sau 1 năm kể từ ngày quyết định thu hồi GPLX có hiệu lực, cá nhân nếu có nhu cầu cấp GPLX thì đăng ký với Sở GTVT để sát hạch lại các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 21 Thông tư này;
Đối với trường GPLX bị thu hồi vì có sai sót một trong các thông tin về họ tên, ngày sinh, quốc tịch, nơi cư trú, hạng GPLX, giá trị cấp, ngày trúng tuyển, người ký, thì GPLX còn thời hạn sử dụng hoặc quá thời hạn sử dụng dưới 3 tháng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư này; GPLX quá thời hạn sử dụng trên 3 tháng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Thông tư này”;
Thông tư 05/2024 cũng bổ sung khoản 17 vào Điều 33 Thông tư số 12/2017 như sau: Người lái xe có các hành vi sử dụng GPLX giả, sử dụng GPLX đã khai báo mất để điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, Cơ quan quản lý GPLX cập nhật dữ liệu về hành vi vi phạm trên hệ thống thông tin GPLX kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp GPLX trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm; nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải học và sát hạch lại như trường hợp cấp GPLX lần đầu.
Dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an soạn thảo có quy định về việc trừ điểm của GPLX. Nhiều ý kiến cho rằng khi luật được ban hành thì xử phạt triệt để được việc cho người khác sử dụng GPLX.
Điều 57 của dự thảo quy định điểm của GPLX như sau:
1. Điểm GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý GPLX, gồm 12 điểm.
2. Người lái xe có hành vi vi phạm phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ bị trừ điểm GPLX theo quy định của Chính phủ. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
3. GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ thời điểm bị trừ điểm gần nhất.
4. Trường hợp GPLX bị trừ hết điểm, người được cấp GPLX phải tham gia kiểm tra kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
5. GPLX mới đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước khi đổi, cấp lại, nâng hạng.
6. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có thẩm quyền trừ điểm GPLX.
7. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 6 Điều này; quy định trình tự, thủ tục trừ điểm, phục hồi điểm GPLX.
Người đi xe máy không nộp phạt nguội vi phạm giao thông, mức phạt có tự động gỡ bỏ?
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: plo.vn
Tham gia bình luận