Là người thường xuyên di chuyển đến các tỉnh thành khác nhau hàng tuần, Trần Quân (TP HCM) sử dụng cùng lúc vài ứng dụng hỗ trợ, gồm bản đồ dẫn đường và cảnh báo tốc độ. Bản đồ kết nối với màn hình của xe, còn ứng dụng chạy nền, đọc thông báo giới hạn tốc độ, phát cảnh báo khi vượt quá.
"Tôi sử dụng cả chỉ đường và cảnh báo đã nhiều năm nay. Cả hai đều miễn phí, ứng dụng đọc cảnh báo tốc độ thì phải nghe quảng cáo mỗi khi khởi chạy, nhưng không vấn đề gì", Quân chia sẻ.
Trước đây, tài xế này chưa biết sử dụng ứng dụng nên thường hỏi kinh nghiệm bạn bè, hoặc đơn giản là "đi theo xe tải, xe khách". Anh cho rằng tài xế những loại xe này thuộc đường, đi theo họ sẽ không vi phạm. Hiện tại, khi bạn bè hỏi anh về kinh nghiệm đi đường, anh chỉ tư vấn cho họ đi theo bản đồ, và cài thêm ứng dụng để tiện lợi hơn.

Ứng dụng bản đồ kết nối với màn hình xe qua Apple CarPlay, sử dụng song song với ứng dụng cảnh báo tốc độ qua hệ thống loa của xe. Ảnh: Hồ Tân
Trong khi đó, Thanh Bình (Hà Nội) cho biết đã sống ở Hà Nội 15 năm, có 10 năm lái xe nhưng mỗi lần lái xe lên phố cổ, anh bắt buộc phải sử dụng bản đồ, nếu không "sẽ mù đường, luẩn quẩn trong mê cung 36 phố phường". Phố cổ có nhiều đường một chiều, vì thế nếu không quen đường, tài xế có thể lòng vòng nhiều lần mà không tới được địa điểm.
Sự phổ biến của ứng dụng dẫn đường và cảnh báo tình trạng giao thông
Các ứng dụng bản đồ, cảnh báo giao thông không còn xa lạ với các tài xế, nhất là khi đa số các xe hiện nay trang bị kết nối Apple CarPlay/Android Auto. Phổ biến nhất là Google Maps bởi miễn phí, tính chính xác cao, khả năng chỉ đường linh hoạt và hiển thị tình trạng giao thông. Bên cạnh đó là những ứng dụng khác như Waze, Here... hay của các công ty trong nước như Vietmap.
Trong khi Google mạnh về những dữ liệu giao thông thời gian thực, các ứng dụng giao thông nội địa có ưu thế về đưa ra cảnh báo về tốc độ, camera. Một số ứng dụng cung cấp miễn phí, đổi lại người dùng phải xem quảng cáo hoặc bị hạn chế tính năng. Thời gian gần đây, các ứng dụng bản đồ miễn phí như Google Maps đã dần tích hợp thêm nhiều tính năng mới tại Việt Nam, ví dụ hiển thị tốc độ tối đa. Hiện tính năng này chỉ áp dụng cho một số khu vực nhỏ, chưa triển khai toàn bộ.
Với sự hỗ trợ của ứng dụng, việc di chuyển của tài xế trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, vì không cần hỏi đường đến nơi xa lạ, có thể tránh bị phạt nếu không để ý biển báo. Tuy vậy, việc quá phụ thuộc vào ứng dụng cũng gây ra nhiều tình huống "dở khóc, dở cười".
Trần Quân tin dùng bản đồ nên mỗi khi được gợi ý sang tuyến đường khác tránh tắc đường, anh đều đi theo và hầu hết là hợp lý. Nhưng có lần, đường cao tốc kẹt cứng, Quân đi theo bản đồ vào đường làng thì gặp lối đi rất nhỏ và đang sửa, đứng "chôn chân" nửa tiếng.
Với Bình, tình huống bị "hớ" hay gặp nhất là những đoạn đường mới được phân luồng khác, hoặc cắm biển hạn chế tốc độ mới vì thi công. Lúc này, cứ đi theo bản đồ chưa kịp cập nhật, tài xế lập tức vi phạm.
"Khổ sở nhất với tôi là những lần đi lên vùng cao bị mất sóng điện thoại, bản đồ không thể khởi chạy, và lúc đó thì đúng nghĩa mù đường, vì không có ai để hỏi thăm", Bình chia sẻ.

Đoàn dài ôtô nối đuôi trên một con đường đất nơi hoang mạc vì đi theo chỉ dẫn của Google Maps, tháng 11/2023 tại California, Mỹ. Ảnh:Shelby Easler
Đối với các ứng dụng theo dõi luồng giao thông, hệ thống thường sử dụng dữ liệu GPS từ các thiết bị di động, trung tâm quản lý giao thông hoặc các nguồn khác để đưa ra cảnh báo thời gian thực cho người dùng. Đối với các ứng dụng cung cấp thêm các thông tin về biển cảnh báo, thông thường điều này thực hiện bởi các cộng tác viên, người dùng thông báo để lưu thông tin trong cơ sở dữ liệu máy chủ. Bên cạnh đó, một số camera hành trình sử dụng hệ thống AI tự nhận diện biển báo.
Do đó, nếu trên đường lắp đặt biển cảnh báo mới, hoặc thay đổi thông tin trên biển cũ, hệ thống có thể chưa cập nhật kịp, dẫn đến đưa ra cảnh báo sai lệch so với thực tế. Tùy vào tần suất cập nhật dữ liệu của các ứng dụng, việc thay đổi có thể diễn ra trong vài giờ, hoặc thậm chí vài tháng. Một số ứng dụng cho tài xế kiểm tra lần cập nhật dữ liệu mới nhất qua cài đặt.
Khi sử dụng các ứng dụng cảnh báo, dẫn đường lái xe, tài xế nên cập nhật dữ liệu hoặc phiên bản ứng dụng mới nhất. Bên cạnh đó, không nên quá phụ thuộc vào ứng dụng trong việc nhìn các cảnh báo bên đường, mà chỉ dùng để tham khảo các. Thực tế trên thế giới đã xảy ra nhiều trường hợp oái oăm khi tài xế quá tin vào các ứng dụng bản đồ, ví dụ như ôtô rơi khỏi cầu chưa xây xong, hay hàng dài ôtô lạc vào hoang mạc vì theo Google Maps.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận