Theo Ủy ban châu Âu (EC), 15 hãng ôtô lớn và Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô châu Âu (ACEA) đã tham gia vào một thỏa thuận lâu dài liên quan đến tái chế xe hết hạn sử dụng. 15 hãng xe phải nộp phạt gồm Stellantis, Mitsubishi, Ford, BMW, Honda, Hyundai/Kia, Jaguar Land Rover/Tata, Mazda, Renault/Nissan, Opel, General Motors, Suzuki, Toyota, Volkswagen, Volvo và ACEA.
Mercedes là hãng thứ 16 tham gia thỏa thuận này nhưng cũng chính là hãng đã tố cáo lên EC nên không bị phạt theo chương trình khoan hồng.
Một chiếc xe hết hạn sử dụng (end-of-life vehicle - ELV) do tuổi tác, hao mòn hoặc hư hỏng. Những chiếc xe này được tháo rời và xử lý để tái chế, thu hồi và tiêu hủy. Mục tiêu là giảm thiểu rác thải và thu hồi các vật liệu có giá trị như kim loại, nhựa và thủy tinh.
Để đảm bảo không lãng phí vật liệu cũng như gây ra những vấn đề về môi trường, EC quy định các hãng phải phối hợp cùng các đơn vị tái chế để thu hồi, tái chế xe hết hạn. Đồng thời, hãng xe phải công khai hàm lượng tái chế trong những xe sản xuất mới, ví dụ với nhựa bắt buộc 25%.
Tuy vậy, điều tra của EC phát hiện ra rằng, trong suốt 15 năm 2002-2017, các hãng đã thông đồng để không trả tiền cho người tái chế xe, nhằm tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận và không công khai tỷ lệ vật liệu tái chế trên xe để tránh cạnh tranh giữa các hãng.

Một bãi phế liệu, xử lý xe hết hạn sử dụng tại châu Âu. Ảnh: ALBA
Tổng số tiền phạt mà 15 nhà sản xuất ôtô lớn và ACEA phải nộp khoảng 458 triệu euro (495 triệu USD). Trong đó, Volkswagen phải nộp nhiều nhất với gần 128 triệu euro (138 triệu USD), và mức thấp nhất là của Jaguar Land Rover/Tata với 1,64 triệu euro (gần 1,8 triệu USD). Khoản phạt của ACEA là 500.000 euro (khoảng 540.000 USD).
Các khoản phạt được thiết lập dựa trên hướng dẫn năm 2006 của EC về tiền phạt. Theo đó, EC tính đến nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm số lượng xe liên quan, bản chất của hành vi, phạm vi địa lý và thời hạn của hành vi vi phạm. Khi thiết lập tiền phạt, EC cũng tính đến sự tham gia ít hơn vào hành vi vi phạm của Honda, Mazda, Mitsubishi và Suzuki. Ủy ban cũng giảm tiền phạt cho Renault vì có bằng chứng cho thấy Renault đã yêu cầu miễn trừ rõ ràng đối với thỏa thuận không quảng cáo việc sử dụng vật liệu tái chế trong xe hơi mới.
Bốn hãng đã hợp tác với Ủy ban theo chương trình khoan hồng: Mercedes được miễn trừ hoàn toàn vì tiết lộ thông tin về nhóm này, tránh được khoản tiền phạt khoảng 35 triệu euro (37,8 triệu USD). Stellantis (bao gồm Opel), Mitsubishi và Ford được hưởng lợi từ việc giảm tiền phạt vì đã hợp tác với Ủy ban. Số tiền giảm tùy thuộc vào thời điểm hợp tác của cũng như bằng chứng hãng cung cấp để chứng minh sự tồn tại của nhóm.
Mỹ Anh
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận