Theo Chỉ thị số 20 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội sẽ áp dụng lệnh cấm xe môtô và xe gắn máy chạy xăng trong vành đai 1. Từ 1/1/2028, phạm vi hạn chế mở rộng sang vành đai 2, bao gồm cấm xe máy và hạn chế xe ôtô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đến năm 2030, lộ trình tiếp tục được mở rộng đến vành đai 3.
TP HCM tuy chưa ấn định mốc thời gian hạn chế xe máy xăng nhưng đang nghiên cứu các giải pháp nhằm phân vùng, ưu tiên cho xe năng lượng xanh. Đồng thời hạn chế ôtô, xe máy xăng, dầu tại các khu vực như trung tâm TP.HCM, Cần Giờ (cũ), đặc khu Côn Đảo...
Kế hoạch hạn chế xe máy xăng của Hà Nội và TP HCM có thể tạo nên những chuyển biến lớn trên thị trường xe máy. Đây là hai nơi có lượng tiêu thụ xe máy cao hàng đầu cả nước bởi đặc thù dân cư lớn nhất, kinh tế phát triển sôi động nhất.
Hình hài thị trường
Đầu những năm 2000, nhóm xe đạp điện, xe máy điện chủ yếu hướng đến nhóm học sinh, sinh viên, bà nội trợ là bước khởi phát của thị trường xe hai bánh thuần điện trong nước. Những phương tiện này hầu hết nhập khẩu Trung Quốc với giá rẻ và đa dạng mẫu mã. Cá biệt có các sản phẩm của Detech, thương hiệu nội địa sở hữu nhà máy ở Hưng Yên.
Sau 2010, một số thương hiệu xe máy điện mới được thành lập và chủ yếu ở miền Bắc. Khác kiểu "mua đứt bán đoạn" trước đây của hãng Trung Quốc thông qua các đại lý phân phối nhỏ, những nhãn xe điện mới có chiến lược kinh doanh bài bản hơn khi đầu tư nhà máy sản xuất, phát triển mạng lưới đại lý chính hãng, đi kèm chính sách bảo hành, bảo dưỡng. Những cái tên tham gia vào mảng xe máy điện, đạp điện có thể kể đến như Dibao (Đài Loan) năm 2011, Pega (tiền thân là HKbike) năm 2012, DK Bike năm 2014, Anbico năm 2015.
Thị trường xe máy điện có một bước chuyển mình lớn vào 2018 khi VinFast gia nhập cuộc đua. Xu hướng chuyển đổi sang các phương tiện thân thiện với môi trường ở các thành phố lớn do áp lực ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng là tiền đề cho những hãng như VinFast, hay Selex Motors (2018), Dat Bike (2019) xuất hiện.
Trong 2019, thương hiệu xe hai bánh thuần điện số một thế giới về doanh số, Yadea (Trung Quốc) xâm nhập thị trường Việt. Hãng xây dựng hai nhà máy quy mô lớn ở Bắc Giang với tham vọng 2 triệu xe xuất xưởng hàng năm. Đến 2024, một ông lớn khác về xe máy điện, đạp điện của Trung Quốc là Tailg cũng vào Việt Nam và xây nhà máy với công suất 350.000 xe/năm tại Hưng Yên.

Mẫu VinFast Klara lăn bánh tại Hà Nội. Ảnh: VinFast
Định hình nên thị trường xe máy điện Việt Nam chủ yếu là các thương hiệu Việt và Trung Quốc. Trong đó, VinFast, Dat Bike, Selex Motors, Pega là những đại diện tiêu biểu cho nhãn hiệu nội địa.
Hàng chục năm qua, xe máy Nhật Bản với những cái tên như Honda, Yamaha, Suzuki gần như nắm trọn thị phần xe máy xăng trong nước. Nhưng ở mảng xe điện, những hãng này chậm chân hơn nhiều so với các đối thủ.
Yamaha bán chiếc xe máy điện đầu tiên Neo's giá 50 triệu đồng hồi cuối 2022. Hãng sở hữu doanh số lớn nhất thị trường xe máy Việt (hơn 80%) - Honda - đến 2024 mới giới thiệu các sản phẩm chạy điện thương mại đầu tiên. Từ tháng 4/2025, mẫu Honda ICON e: (26,9-27,3 triệu đồng) mới đến tay người dùng. Sản phẩm cao cấp hơn là CUV e: mới dừng ở mức cho thuê.
Suzuki, SYM, Piaggio, những hãng thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đều chưa có mẫu xe thuần điện nào bán ra thị trường. Piaggio từng đưa một số mẫu xe máy điện về nước như Piaggio One, Vespa Elettrica nhưng chưa có kế hoạch bán thương mại.
Hiện chưa có thống kê chính thức về doanh số xe máy điện hàng năm tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Dat Bike, xe máy điện hiện chiếm khoảng 10% tổng lượng xe máy lưu thông trên thị trường. VinFast là hãng duy nhất công bố số liệu bán hàng. Năm 2024, hãng bán gần 71.000 xe, tương đương khoảng gần 3% so với doanh số của mảng xe máy xăng (5 thành viên VAMM - 2,65 triệu xe). Theo thống kê của Hội đồng quốc tế về phương tiện giao thông sạch (ICCT), năm 2020, các hãng nội địa chiếm khoảng 70% thị phần mảng xe máy điện tại Việt Nam, trong đó VinFast là đầu tàu.
Với số lượng thương hiệu đa dạng, thị trường xe máy điện Việt hiện có nhiều lựa chọn khác nhau về mẫu mã và tầm giá. Những mẫu xe rẻ nhất thị trường có giá từ 10-12 triệu đồng. Một số dòng cao cấp giá từ 60 triệu đồng trở lên.
Chính sách mới thúc đẩy xe máy điện
Theo các chuyên gia trong ngành, lộ trình cấm xe máy xăng ở một số khu vực theo lộ trình của Hà Nội, và sắp tới có thể TP HCM, tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn đến thị trường xe máy Việt. Bởi xe máy hiện vẫn là phương tiện phổ biến nhất với người dân, dựa trên chi phí sở hữu phù hợp với số đông, thói quen đã hình thành hàng chục năm qua, cơ sở hạ tầng và tính linh hoạt.
Theo nghiên cứu của ICCT vào 2022, xe hai bánh chiếm khoảng 72,6% nhu cầu di chuyển của người dân tại Hà Nội, con số ở TP HCM là 82%. Doanh số xe máy năm 2024 của 5 hãng thuộc VAMM khoảng 2,65 triệu chiếc, gấp hơn 5 lần so với ôtô (số liệu của VAMA, Hyundai và VinFast).
Việc cấm xe máy xăng khiến người dân phải điều chỉnh lại thói quen di chuyển, hoặc tính đến chuyển đổi sang phương tiện thuần điện. "Điều này đồng nghĩa doanh số xe máy xăng giảm và xe máy điện có cơ hội tiếp cận nhiều người dùng hơn", một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực xe máy ở TP HCM, nhận định.
Honda, ông lớn số một mảng xe hai bánh tại Việt Nam, nói rằng quyết định của chính quyền Hà Nội tác động lớn đến hãng. Thủ đô là thị trường tiêu thụ nhiều xe nhất của Honda, chiếm khoảng 8-9% hàng năm, tương đương hơn 190.000 xe. Doanh số của hãng Nhật năm 2024 là 2.147.025 xe.
"Việc chuyển đổi sang phương tiện thân thiện với môi trường trong khu vực nội đô, đặc biệt là những khu vực đông dân cư như Vành đai 1 tại Hà Nội, đặt ra nhiều thách thức không nhỏ", đại diện Honda Việt Nam nói.

ICON e:, mẫu xe máy điện đầu tiên của Honda mở bán tại Việt Nam. Ảnh: Lương Dũng
Theo hãng Nhật, một lượng lớn phương tiện sử dụng động cơ đốt trong đang lưu hành sẽ cần được thay thế trong thời gian ngắn, gây áp lực lớn về mặt tài chính và logistic. Cơ sở hạ tầng phục vụ cho phương tiện mới vẫn chưa đáp ứng đủ, đặc biệt là hệ thống trạm sạc, trong khi lo ngại về an toàn phòng cháy chữa cháy, nhất là tại các khu nhà ở cũ, vẫn còn hiện hữu.
Honda kiến nghị rằng, để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững, cần có thêm thời gian để hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật, chính sách hỗ trợ phù hợp cũng như cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Ngoài Honda, các hãng xe khác với xuất phát điểm là chế tạo xe máy chạy xăng đều chưa có động thái rõ ràng trước lộ trình cấm xe máy của Hà Nội. Đại diện Suzuki Việt Nam cho biết, trong tuần tới, các thành viên VAMM sẽ nhóm họp trực tiếp để thống nhất định hướng tối ưu cho việc chuyển đổi sang phương tiện xanh.
Hiện Chính phủ chưa có chính sách hỗ trợ cho xe máy điện. Trong khi với ôtô điện, ưu đãi lớn nhất là miễn lệ phí trước bạ đến 28/2/2027. Chính sách này đã được nhà nước thực hiện từ 1/3/2022.
Trong lộ trình cấm xe máy xăng, Hà Nội đang nghiên cứu cơ chế hỗ trợ thu đổi khoảng 450.000 xe máy sử dụng xăng dầu của người dân sống trong vành đai 1. Chính quyền thủ đô cũng xem xét ban hành chính sách hỗ trợ gần như toàn bộ chi phí liên quan đến việc chuyển đổi như lệ phí trước bạ, phí đăng ký xe điện mới. Bên cạnh đó là bổ sung quy hoạch các khu vực sạc điện cho ôtô, xe máy điện và phương tiện sử dụng năng lượng sạch khác.
Về hệ thống trạm sạc cho xe điện, hiện chỉ có VinFast đầu tư mạnh nhất, trải dài khắp cả nước. Những hãng còn lại bán xe điện hầu hết cho khách hàng sạc tại nhà. Dat Bike là hãng xe máy hiếm hoi ngoài VinFast đầu tư trạm sạc nhưng số lượng còn khiêm tốn và mới chỉ có ở TP HCM.
Thành Nhạn
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận