Honda cân nhắc nối lại đàm phán nếu CEO của Nissan từ chức

Honda cân nhắc nối lại đàm phán nếu CEO của Nissan từ chức

Honda đang xem xét việc nối lại các cuộc đàm phán để tạo ra hãng sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới nếu giám đốc điều hành của Nissan, Makoto Uchida, từ chức. Uchida từng là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất trong nội bộ Nissan trước thỏa thuận với Honda.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Uchida và đồng sự Toshihiro Mibe trở nên xấu đi khi Honda cảm thấy không hài lòng với tốc độ tái cấu trúc của Nissan cũng như tình hình tài chính khó khăn của hãng xe đồng hương, theo Financial Times.

CEO Nissan, Makoto Uchida (trái), và CEO Honda Toshihiro Mibe, trong một cuộc họp báo cuối tháng 12/2024. Ảnh: Reuters

CEO Nissan, Makoto Uchida (trái), và CEO Honda Toshihiro Mibe, trong một cuộc họp báo cuối tháng 12/2024. Ảnh: Reuters

Các cuộc đàm phán sáp nhập đã đổ vỡ sau khi Honda nêu đề xuất Nissan trở thành công ty con sở hữu hoàn toàn thay vì thành lập công ty mẹ, với hai công ty "bình đẳng". Theo một nguồn tin, Honda sẽ chuẩn bị khôi phục các cuộc đàm phán dưới thời một ông chủ mới có thể quản lý tốt hơn những phản đối nội bộ.

Uchida bày tỏ mong muốn ở lại cho đến năm 2026, nhưng giờ đây đối mặt với áp lực rời đi trong vài tháng tới từ các thành viên hội đồng quản trị và đối tác Renault sau khi các cuộc đàm phán về một thỏa thuận lớn trị giá 58 tỷ USD đổ vỡ. Hội đồng quản trị của Nissan cũng đã bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức về thời điểm Uchida rời đi.

Honda vẫn bị thu hút bởi mối quan hệ của Nissan với đối thủ nhỏ hơn Mitsubishi vì công nghệ hybrid sạc điện và dấu ấn mạnh mẽ của hãng tại Đông Nam Á.

"Tôi thực sự hối tiếc khi mọi chuyện kết thúc theo cách này", Mibe nói với các phóng viên khi các cuộc đàm phán sáp nhập đổ vỡ. Tuy nhiên, theo những người hiểu rõ suy nghĩ của Mibe, một điều kiện để đàm phán lại là Uchida phải từ chức.

Sự sụp đổ đột ngột của thỏa thuận với Honda khiến Nissan, công ty đang vật lộn với doanh số sụt giảm và các khoản nợ sắp phải trả, phải vội vã tìm kiếm một đối tác thay thế để đảm bảo sự tồn tại.

Foxconn - tập đoàn điện tử Đài Loan - đang được chú ý khi thể hiện rõ mong muốn hợp tác với Nissan. Hôm 12/2, Young Liu, chủ tịch Foxconn nói với truyền thông: "Mục tiêu của chúng tôi không phải là mua cổ phiếu của họ; mục tiêu của chúng tôi là hợp tác".

Tuy nhiên, khả năng về sự hợp tác này vẫn chưa chắc chắn. Các nhóm đầu tư tư nhân toàn cầu - bao gồm Công ty Quản lý quỹ đầu tư KKR (Mỹ), hiện sở hữu Marelli, một nhà cung cấp chính của Nissan - và các công ty công nghệ Mỹ đã được yêu cầu xem xét đầu tư vào Nissan.

"Bất kỳ người mua nào cũng có thể có hai cách tiếp cận: tham gia ngay hoặc đợi cho đến khi họ gặp rắc rối và giá giảm. Người mua tiềm năng không cần phải vội vàng mua công ty. Nissan mới vội", James Hong, nhà phân tích tại Macquarie cho biết.

Đối tác của Nissan là Renault cũng đang cân nhắc các lựa chọn khi tái khởi động các cuộc đàm phán với Foxconn - bên đã tiếp cận tập đoàn vào cuối năm ngoái về việc mua lại một số cổ phần tại Nissan.

Nhà sản xuất ôtô Pháp cam kết liên minh với Nissan nhưng muốn bán một phần lớn trong số 36% mà họ vẫn sở hữu ở hãng Nhật với giá cao.

Nissan đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt dòng tiền nếu doanh số tiếp tục giảm. Công ty có 1,2 nghìn tỷ yen (7,9 tỷ USD) dòng tiền thuần nhưng đã đốt 506 tỷ yen trong 9 tháng đầu năm tài chính.

Người trong cuộc cho biết Nissan cần đảm bảo có đủ tiền mặt dự phòng, không chỉ để tài trợ cho chi phí tái cấu trúc mà còn để tránh "vòng luẩn quẩn" từ việc lãi suất cho các khoản vay tăng do khả năng hạ cấp tín dụng. Trái phiếu của công ty được S&P xếp hạng là trái phiếu rác.

Mizuho Financial Group, ngân hàng chính của Nissan và là một trong những bên chủ chốt thúc đẩy việc sáp nhập với Honda, đang cố gắng tìm cách bơm tiền vào tập đoàn.

Motoo Nagai, cựu giám đốc điều hành của Mizuho, và Yasushi Kimura, chủ tịch Nissan, là những thành viên hội đồng quản trị duy nhất bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất thành lập công ty con của Honda.

Uchida nói hôm 13/2 rằng ông muốn từ chức khi Nissan quay trở lại con đường phục hồi nhưng sẽ từ chức sớm hơn nếu được yêu cầu.

"Trách nhiệm của tôi thực sự quan trọng... (nhưng) việc từ chức mà không có bất kỳ cải thiện nào là vô trách nhiệm", ông nói, thêm rằng "Tôi không có ý định giữ vị trí này".

Mỹ Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận