Khát vọng và dấu ấn 30 năm ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Khát vọng và dấu ấn 30 năm ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Ba mươi năm qua là hành trình hiện thực hóa khát vọng của một Việt Nam luôn muốn khẳng định vị thế trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, đặc biệt là ngành ôtô. Từ những chiếc xe ra đời trong chiến tranh, đến chiếc ôtô không thể lăn bánh ngoài đường, và những dòng xe điện mang thương hiệu Việt vươn tầm thế giới, câu chuyện ngành công nghiệp ôtô Việt Nam là bức tranh nhiều màu sắc, được vẽ từ sự quyết tâm, đổi mới chính sách và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả khu vực công lẫn tư nhân.

Trong dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, VnExpress tổ chức tọa đàm Car Talks, cùng các khách mời nhìn lại quá trình từ thai nghén, đến hình thành và phát triển của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam. PGS.TS Trần Đình Thiên, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam đã đưa câu chuyện về ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến toạ đàm, cùng TS Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI.

Toạ đàm Dấu ấn 30 năm ngành công nghiệp ôtô Việt Nam do VnExpress tổ chức.

Toạ đàm "Dấu ấn 30 năm ngành công nghiệp ôtô Việt Nam" do VnExpress tổ chức.

Ra đời trong chiến tranh

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, lịch sử ôtô Việt Nam có thể bắt đầu từ năm 1958, khi nhà máy Chiến Thắng (Hà Nội) quyết định sản xuất một dòng xe nhỏ, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông, vận tải sau những năm đầu hoà bình ở miền Bắc. Chiếc Fregate chạy bằng xăng của Pháp được đem ra làm mẫu, trên tinh thần cố gắng nội địa hóa tối đa các bộ phận. Thân máy, nắp máy, chế hòa khí, bơm xăng... được các thợ cơ khí tìm mẫu, tạo khuôn mẫu trước, sau đó đúc gang rồi cắt gọt, gia công cơ khí cho thật tinh xảo.

Ngày 2/9/1959, xe "Chiến Thắng" được xếp vào đội hình diễu binh tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Tuy nhiên, những năm sau đó, do điều kiện chiến tranh khó khăn, thiếu thốn ngân sách nên mẫu xe này không được sản xuất hàng loạt.

PGS.TS Trần Đình Thiên, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế. Ảnh: Hoàng Giang

PGS.TS Trần Đình Thiên, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế. Ảnh: Hoàng Giang

Khoảng 10 năm sau, Việt Nam bắt đầu liên doanh với các hãng nước ngoài – thương hiệu La Dalat ra đời do hãng Citroen của Pháp thực hiện. Loại xe này được chế tạo năm 1969 và tung ra thị trường vào năm 1970, dành riêng cho người Việt. Trong giai đoạn 1970 đến 1975, Citroen sản xuất hơn 5.000 chiếc La Dalat, tức là khoảng 1.000 chiếc mỗi năm. Nhưng điều quan trọng, tỷ lệ các bộ phận nội địa hóa của La Dalat khi xuất hiện đạt đến 25%. Năm 1975, tỉ lệ này nâng lên 40%.

Nhưng do bối cảnh chiến tranh, cả Chiến Thắng và La Dalat dần đi vào dĩ vãng như những mốc son đầu tiên của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Bước sang thập niên 1990, hàng loạt thương hiệu toàn cầu như Toyota, Daewoo, Ford, BMW, Mercedes-Benz... đã có mặt tại Việt Nam, hình thành nền công nghiệp ôtô hiện đại. Sau đó, sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân như Thaco Auto, Vinaxuki và sau này là Hyundai Thành Công đã khẳng định chính sách tư nhân hóa là bước ngoặt quan trọng của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.

Chính sách và vai trò của tư nhân: Bệ phóng cho sự bứt phá

Theo bà Trương Thị Chí Bình, một trong những yếu tố then chốt là việc Chính phủ chọn ngành ôtô làm "phép thử" đầu tiên trong quá trình tư nhân hóa nền kinh tế, từ đầu những năm 2000. Đây là lựa chọn đầy thách thức, bởi ngành nàyđòi hỏi trình độ công nghệ, năng lực sản xuất và chuỗi cung ứng đồng bộ. Tuy nhiên, chính quyết sách này đã mở đường cho sự ra đời của những cái tên như Thaco Auto, Hyundai Thành Công và mới nhất là VinFast – hãng xe mang đậm dấu ấn của người Việt.

TS Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI. Ảnh: Hoàng Giang

TS Trương Thị Chí Bình, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI. Ảnh: Hoàng Giang

Các doanh nghiệp FDI và sự tham gia ngày càng sâu rộng của doanh nghiệp tư nhân đã kéo theo sự hình thành và phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. "Với nền tảng từ ngành xe máy, nhiều kỹ sư tách ra thành lập công ty riêng để cung ứng linh kiện, dần chuyển sang phục vụ ngành ôtô. Tuy nhiên, do sản lượng thấp, công nghiệp hỗ trợ ôtô chưa thể bứt phá mạnh mẽ, dù năng lực của các doanh nghiệp trong nước được đánh giá là có tiềm năng rất lớn", Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI nói tại toạ đàm.

VinFast – biểu tượng mới của khát vọng Việt

Nếu cần một cái tên tiêu biểu kể về dấu ấn lớn nhất của ngành công nghiệp ôtô Việt trong 30 năm qua, thì đó chính là VinFast. Từ "lấp bãi lầy xây nhà máy", đến khi ra mắt dòng xe đầu tiên chỉ sau một năm, VinFast đã thể hiện quyết tâm, khát vọng và tốc độ đáng kinh ngạc, kể cả khi so sánh trong ngành công nghiệp ôtô toàn cầu.

Những ngày đầu, VinFast tạo ấn tượng với hai dòng xe cao cấp Lux A và Lux SA, ra mắt thị trường quốc tế ở những triển lãm ôtô hàng đầu thế giới. Trong nước, hãng xe Việt Nam nhanh chóng chiếm cảm tình của người dùng, đặc biệt Fadil dẫn đầu doanh số toàn ngành ôtô trong năm 2021, vị trí thường thuộc về các hãng lâu đời từ Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Tuy nhiên ngay sau đó, họ quyết định dừng sản xuất xe xăng, chuyển hoàn toàn sang xe điện – một quyết định được PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá là "đầy dũng cảm, vượt trên cả táo bạo", bởi đây không chỉ là lựa chọn chiến lược, mà còn thể hiện tầm nhìn đón đầu xu thế toàn cầu.

Bộ đôi ôtô điện VinFast VF 8 và VF 3. Ảnh: Quang Anh

Bộ đôi ôtô điện VinFast VF 8 và VF 3. Ảnh: Quang Anh

Nhưng sự táo bạo của VinFast hoàn toàn có cơ sở. Sau khoảng ba năm chuyển sang thuần điện, VinFast lần đầu trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam, doanh số hơn 87.000 chiếc ở thị trường nội địa, vượt qua những cái tên quen thuộc như Toyota hay Hyundai. Ở quy mô toàn cầu, VinFast bán 97.399 ôtô điện, tương đương mỗi 5 phút - hãng lại bàn giao một chiếc xe. Thành tích trên giúp tổng doanh thu 2024 đạt 44.019 tỷ đồng, tăng 57,9% so với năm 2023. Trung bình, mỗi ngày VinFast thu về hơn 120 tỷ đồng, chỉ từ bán xe điện.

Ngoài ý nghĩa là một hãng xe thuần Việt, VinFast cũng là chất xúc tác thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. TS Trương Thị Chí Bình cho biết, khác với các doanh nghiệp lắp ráp xe theo bản quyền từ hãng mẹ ở nước ngoài, VinFast – với tư cách là thương hiệu Việt – sẵn sàng tạo cơ hội cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng.

Dàn xe điện trong lễ xuất khẩu 999 ôtô điện đầu tiên đến thị trường Mỹ của VinFast. Ảnh: Đức Huy

Dàn xe trong lễ xuất khẩu 999 ôtô điện đầu tiên đến thị trường Mỹ của VinFast, hồi 11/2022. Ảnh: Đức Huy

Tiềm năng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam

Dù có nền tảng từ ngành xe máy, công nghiệp hỗ trợ ôtô tại Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản như sản lượng thấp, thiếu chính sách hỗ trợ đồng bộ và khó gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, sự hiện diện của các doanh nghiệp lớn, đặc biệt là VinFast – được đánh giá có năng lực quản trị chuỗi cung ứng ngang Samsung, đã mở ra nhiều cơ hội mới, theo Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam VASI.

"Một số doanh nghiệp Việt chấp nhận lỗ thời gian đầu để tạo được dấu ấn chất lượng, kỳ vọng được góp mặt trong hệ sinh thái sản xuất xe của Việt Nam và thế giới. Động lực này không chỉ đến từ lợi nhuận, mà từ khát vọng góp phần làm nên một sản phẩm mang bản sắc dân tộc", TS Trương Thị Chí Bình cho biết.

VF 9 là dòng SUV điện cao cấp nhất của VinFast. Ảnh: VinFast

VF 9 là dòng SUV điện cao cấp nhất của VinFast, được bán ra tại nhiều thị trường hàng đầu thế giới. Ảnh: VinFast

Trong 10-20 năm tới, hai chuyên gia đánh giá ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, bởi dư địa thị trường trong nước còn rất lớn, tỷ lệ sở hữu ôtô bình quân còn thấp so với khu vực. "Đây là cơ hội để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, và tiến tới phát triển hệ sinh thái công nghiệp bền vững", TS Trương Thị Chí Bình nói. Để đạt được điều đó, cả hai chuyên gia đều cho rằng, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, cùng ưu đãi cho ngành sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực – là những yếu tố then chốt.

"Sắp tới đây, Bộ Công thương có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp chế tạo và cơ khí, nếu được phê duyệt, chắc chắn sẽ là bước tiến vượt bậc cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước", TS Trương Thị Chí Bình nói, thêm rằng, các sản phẩm Made in Việt Nam không chỉ phục vụ thị trường nội địa, mà sẽ hướng đến xuất khẩu, hòa mình vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Ba thập kỷ đã chứng kiến một hành trình từ con số không đến những thành tựu mang tầm khu vực và quốc tế. Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam với những doanh nghiệp thuần Việt như VinFast, Thaco Auto, Hyundai Thành Công và các doanh nghiệp FDI đang cho thấy năng lực chế tạo, khả năng làm chủ chuỗi cung ứng, đồng thời truyền cảm hứng và mở ra con đường phát triển đầy tiềm năng trong tương lai.

"Nhìn lại quá trình 30 năm qua, chúng ta luôn thấy được niềm khao khát của người Việt, khi chúng ra luôn rất muốn làm ôtô, để chứng minh cho sự phát triển của ngành công nghiệp trong nước, tự hào khi có thể cạnh tranh cùng các thương hiệu lớn trên toàn cầu. Và thực tế tại sân nhà, xe thương hiệu Việt đã vươn lên vị trí số một", PGS.TS Trần Đình Thiên, Uỷ viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế nói.

Quang Anh

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận