Rà soát doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, chuyển Công an các trường hợp chây ỳ nợ thuế

Rà soát doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, chuyển Công an các trường hợp chây ỳ nợ thuế

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh, năm 2024, dự báo nền kinh tế sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn do biến động của tình hình chính trị, kinh tế của thế giới sẽ tiếp tục có những tác động không nhỏ đến kinh tế trong nước, vì vậy có thể sẽ có doanh nghiệp rời bỏ thị trường, mất khả năng thanh toán. Điều này sẽ dẫn đến công tác cưỡng chế nợ thuế sẽ càng gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đề nghị Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế quan tâm chỉ đạo các cơ quan thuế kiên quyết thực hiện áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với người nộp thuế thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chính sách pháp luật đến người nộp thuế cũng như các biện pháp cưỡng chế để nâng cao tính tuân thủ, tự giác thực hiện nộp thuế, phòng ngừa nợ thuế.

Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế (ảnh minh họa)

Tổng cục Thuế yêu cầu các cơ quan thuế kiên quyết áp dụng đầy đủ các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các trường hợp phải áp dụng biện pháp cưỡng chế (ảnh minh họa)

Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cũng cần chỉ đạo các cơ quan thuế thực hiện công khai thông tin người nộp thuế dây dưa, chây ỳ nợ thuế lên báo, đài, website của cơ quan thuế.

Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan như: cơ quan Công an, Ngân hàng Nhà nước, Toà án, Quản lý thị trường, Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên và môi trường... trong việc thu hồi nợ đọng thuế, đặc biệt là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản...

Các cơ quan thuế cần tập trung rà soát các trường hợp bỏ địa chỉ kinh doanh, phối hợp chuyển hồ sơ các trường hợp cố ý chây ỳ nợ thuế sang cơ quan Công an để có các chế tài mạnh đối với các trường hợp này nhằm nâng cao tính răn đe đến người nợ thuế.

Lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quan tâm nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác quản lý nợ, đồng thời chỉ đạo các bộ phận trong cơ quan thuế (pháp chế, kê khai, thanh tra - kiểm tra, quản lý hộ, quản lý đất…) phối hợp chặt chẽ với bộ phận quản lý nợ để đảm bảo việc thực hiện quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đạt hiệu quả cao.

Để chủ động đề xuất kế hoạch và các giải pháp quản lý nợ thuế hiệu quả, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cũng yêu cầu Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chủ trì tiếp thu tổng hợp các kiến nghị, đặc biệt là những nội dung liên quan đến chức năng điều tra, kê biên tài sản… để sớm trình Tổng cục trình Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách trong thời gian tới.

Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh lưu ý đối với những nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung tại Luật Quản lý thuế, Vụ phải đánh giá một cách toàn diện để đề xuất thực hiện sửa đổi, bổ sung đảm bảo phù hợp tình hình thực tế.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận