Nội dung quan trọng mà Việt Nam và Mỹ rất quan tâm
Đêm 8-5, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức phiên điều trần thông qua hình thức trực tuyến liên quan đến xem xét hồ sơ công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Tham gia phiên điều trần có đại diện Chính phủ Việt Nam (Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ) và một số bên liên quan đến vụ việc. Các bên liên quan rất hoan nghênh khi DOC đã tổ chức phiên điều trần, bởi đây là một bước quan trọng trong quá trình xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ dễ dàng vào Mỹ hơn khi Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường |
Hiện nay, Mỹ vẫn coi Việt Nam nằm trong số các nước có nền kinh tế phi thị trường và điều này ảnh hưởng rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, đối với các vụ việc phòng vệ thương mại, nếu vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường, Mỹ sẽ sử dụng nước thứ ba để tính toán giá thay thế khi tính biên độ phá giá, khiến cho biên độ phá giá thường rất cao, không phản ánh đúng thực tiễn sản xuất của Việt Nam. Điều này tạo ra bất lợi rất lớn đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi không thể cạnh tranh với các hàng hóa xuất khẩu từ quốc gia khác được công nhận quy chế thị trường. Chẳng hạn năm nay, Ủy ban thương mại quốc tế của Mỹ đã gia hạn việc áp thuế chống bán phá giá 25,76% đối với tôm nuôi đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi thuế áp với tôm từ Thái Lan (đã được Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường) chỉ ở mức 5,34%.
Chính vì thế, vấn đề kinh tế thị trường là một trong những nội dung quan trọng mà Việt Nam và Mỹ rất quan tâm, nhất là trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đang ngày càng gia tăng (tổng kim ngạch năm 2023 đạt 97 tỉ USD, bốn tháng đầu năm ước đạt 34,12 tỉ USD). Gần đây, vấn đề này lại được đưa vào tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện.
Để xác định một nước có nền kinh tế thị trường, Bộ Thương mại Mỹ có một bộ tiêu chí cụ thể. Các tiêu chí này bao gồm khả năng chuyển đổi tiền tệ của quốc gia đó, mức lương theo kết quả thương lượng giữa người lao động và chủ lao động, việc cho phép liên doanh hoặc đầu tư nước ngoài. Còn có các tiêu chí khác như chính phủ có sở hữu hay kiểm soát các phương tiện sản xuất hay không, chính phủ có kiểm soát việc phân bổ nguồn lực cũng như các quyết định về giá cả và sản lượng hay không...
Để giải quyết mối quan tâm của phía Mỹ, ngay từ năm 2008, Việt Nam và Mỹ đã thành lập Nhóm công tác song phương về vấn đề kinh tế thị trường (SIWG) và đã tổ chức 10 phiên họp kỹ thuật để trao đổi thông tin theo các tiêu chí mà Mỹ đưa ra. Qua đó giúp Mỹ cập nhật về những tiến triển mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong những năm qua. Từ đó tạo tiền đề cho Mỹ có cơ sở nhìn nhận và xem xét lại vấn đề kinh tế thị trường cho Việt Nam.
72 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Thực tế sau gần 4 thập kỷ đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước cũng như quá trình hội nhập quốc tế.
Hiện nay, Việt Nam đã ký hơn 90 hiệp định thương mại song phương, khoảng 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư. Việt Nam cũng là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với sự tham gia của khoảng 60 nền kinh tế. Trong số này có nhiều FTAs thế hệ mới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đáp ứng các tiêu chuẩn cao về những lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa và dịch vụ và những lĩnh vực mới như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, minh bạch hóa, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư, doanh nghiệp nhà nước.
Trong giai đoạn gửi ý kiến bình luận và phản biện lên DOC trước khi diễn ra phiên điều trần, có hơn 40 ý kiến bình luận đã ủng hộ nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Đáng chú ý, trong những ý kiến ủng hộ có những bình luận đến từ những tổ chức uy tín và có tiếng nói của Mỹ như Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham), Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC), Hiệp hội Công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA), Hiệp hội Các nhà xuất nhập khẩu Mỹ (AAEI), Hiệp hội Nông nghiệp Mỹ (NASDA), Hiệp hội Dệt may và da giày Mỹ (AAFA)...
Còn tại phiên điều trần tại Bộ Thương mại Mỹ hôm 8-5, đại diện Chính phủ Việt Nam đã nêu rõ các lập luận, thông tin, số liệu khẳng định nền kinh tế Việt Nam hoàn toàn đáp ứng các tiêu chí của quy chế kinh tế thị trường theo quy định của pháp luật Mỹ. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ ra, thực tế cho tới nay, có 72 nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, trong đó có các nền kinh tế lớn như Anh, Canada, Australia, Nhật Bản…
Đại diện Bộ Công Thương Việt Nam tại phiên điều trần là luật sư Eric Emerson đến từ Công ty luật Steptoe LLP có trụ sở tại Washington (Mỹ). Ông Emerson nhấn mạnh Việt Nam nên được nâng cấp lên nền kinh tế thị trường vì đã đáp ứng các tiêu chí của Bộ Thương mại Mỹ. Ông đồng thời chỉ ra rằng Việt Nam đang làm tốt hơn các nước khác đã được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, ít can thiệp vào các doanh nghiệp nhà nước hơn Ấn Độ và cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài so với Indonesia, Canada hay Philippines.
Samsung Electronics là một trong những công ty ủng hộ việc Mỹ nâng Việt Nam lên quy chế kinh tế thị trường. Tại phiên điều trần, ông Scott Thompson, Giám đốc chính sách công của Samsung Electronics chi nhánh Mỹ, khẳng định công ty đã trở thành một trong những nhà sử dụng lao động nhiều nhất tại Việt Nam nhờ những thay đổi theo định hướng thị trường của Việt Nam. Ông cho biết: “Việt Nam đã nổi lên như một đối tác chuỗi cung ứng ổn định, an toàn của Mỹ, mang lại lợi ích cuối cùng cho nền kinh tế Mỹ”.
Trả lời báo giới về quan điểm của Việt Nam về việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh: “Việc Mỹ sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam sẽ góp phần cụ thể hóa cam kết của lãnh đạo cấp cao hai nước, tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân hai nước”.
Theo dự kiến, ngày 26-7 tới, phía Mỹ sẽ đưa ra quyết định chính thức. Từ nay đến thời điểm đó sẽ là giai đoạn rất quan trọng, đòi hỏi sự vận động mạnh mẽ và quyết liệt nhất của các cấp thông qua nhiều kênh. Mặc dù còn nhiều thách thức lớn nhưng với sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam, các công việc chuẩn bị đang được triển khai việc vận động một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.anninhthudo.vn
Tham gia bình luận