Nissan ký thỏa thuận hợp tác với chính quyền địa phương cho dự án nhà máy pin xe điện vào tháng 1. Tuy nhiên, quyết định từ bỏ dự án chỉ sau vài tháng xuất phát từ thu nhập yếu kém. Nissan cho biết họ phải "xem xét lại số tiền đầu tư".
Pin của xe điện chiếm khoảng 30% chi phí sản xuất tổng thể, là yếu tố quan trọng để một mẫu xe có thể cạnh tranh về giá cả.
Nissan đã dự định sản xuất pin LFP tại nhà máy này và lắp đặt cho các dòng xe điện cỡ nhỏ từ năm tài chính 2028. Loại pin này có chi phí sản xuất thấp hơn khoảng 30% so với các loại tiêu chuẩn. Với việc hãng xe hàng đầu Trung Quốc BYD đã sản xuất tại chỗ, sản xuất nội địa được coi là chìa khóa sống còn trên thị trường xe điện toàn cầu. Tuy nhiên, đầu tư vào sản xuất pin đòi hỏi gánh nặng tài chính lớn.

Mẫu xe điện Leaf trong nhà máy của Nissan. Ảnh: Nissan
Nissan dự kiến chi 153,3 tỷ yen (1,06 tỷ USD) cho nhà máy. Ngay cả khi Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) cam kết hỗ trợ tối đa 55,7 tỷ yen tiền trợ cấp, sự suy giảm lợi nhuận khiến hãng không có khả năng tài chính để thực hiện kế hoạch này, và buộc phải từ bỏ.
Đầu mùa xuân năm nay, Toyota đã hoãn việc xây dựng cơ sở sản xuất pin cho các mẫu xe điện thế hệ tiếp theo của hãng.
Những động thái này không chỉ tác động lớn đến chiến lược tăng trưởng của các nhà sản xuất ôtô mà còn ảnh hưởng xấu đến tham vọng phát triển mạng lưới cung cấp pin trong nước của Nhật Bản.
METI đặt mục tiêu tăng công suất sản xuất pin của Nhật Bản lên 150 GWh mỗi năm vào năm 2030. Bộ đã phê duyệt trợ cấp cho khoảng 30 dự án, bao gồm sản xuất phụ tùng và vật liệu.
Với sự hỗ trợ của chính phủ, cơ sở sản xuất của Nhật Bản đang trên đà đạt tới mục tiêu 120 GWh. Việc hủy bỏ dự án của Nissan sẽ khiến mục tiêu khó đạt hơn.
Chi nhánh Panasonic Energy của Panasonic Holdings dự kiến bắt đầu cung cấp pin cho Subaru và Mazda vào năm 2027. Panasonic Energy và Subaru có kế hoạch đầu tư tổng cộng 463 tỷ yen vào việc xây dựng một nhà máy sản xuất pin tại Nhật Bản, dự kiến đi vào hoạt động sớm nhất vào năm tài chính 2028. Nhưng với việc Nissan và Toyota đang xem xét lại các dự án của mình, chưa rõ Subaru có đủ khả năng chi trả cho dự án này hay không.
Các công ty Nhật Bản từng dẫn đầu trong lĩnh vực pin ôtô. Mitsubishi i-MiEV ra mắt năm 2009 là mẫu xe điện sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới, và phiên bản đầu tiên của Nissan Leaf ra mắt năm 2010 đều sử dụng pin sản xuất tại Nhật Bản. Nhưng sự hợp tác giữa khu vực công và tư diễn ra chậm chạp và Nhật Bản đã bị Trung Quốc vượt qua.
Theo báo cáo của SNE Research tại Hàn Quốc, năm 2024, có 6 trong số 10 nhà sản xuất pin ôtô hàng đầu thế giới là của Trung Quốc, trong đó Contemporary Amperex Technology dẫn đầu năm thứ 8 liên tiếp với 37,9% thị phần. Panasonic là cái tên Nhật Bản duy nhất có mặt trong danh sách, xếp thứ 6.
Trung Quốc hiện cũng thống trị lĩnh vực vật liệu pin, một lĩnh vực mà các nhà sản xuất Nhật Bản từng có thế mạnh. Theo dữ liệu từ Viện nghiên cứu Yano, vào năm 2023, các công ty Trung Quốc kiểm soát 85% hoặc hơn thị trường vật liệu cathode, anode, chất tách và điện phân.
Sức mạnh của các công ty Trung Quốc nằm ở chuỗi cung ứng, từ khâu thu mua nguyên liệu thô đến sản xuất pin. Nhật Bản phụ thuộc vào Trung Quốc để nhập khẩu phần lớn lithium hydroxide, nguyên liệu cần thiết cho cathode.
Bằng cách tích hợp theo chiều dọc từ khâu đầu vào đến khâu sản xuất nội bộ, các công ty Trung Quốc đang sản xuất ra những loại xe giá rẻ làm khuynh đảo thế giới. Họ cũng đang thành lập các nhà máy ở châu Âu để mở rộng điểm cung ứng. BYD cũng đang bán xe điện tại Nhật Bản và sẽ thâm nhập thị trường kei-car của nước này vào năm 2026.
Mỹ Anh (theo Nikkei)
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận