Ba lưu ý khi đi đường dài bằng ôtô điện

Ba lưu ý khi đi đường dài bằng ôtô điện

Tương tự ôtô truyền thống, trước mỗi chuyến đi xa, chủ xe cần kiểm tra tổng quan các chi tiết cơ bản của xe để đảm bảo vận hành an toàn trên đường dài. Các bộ phận này gồm: lốp, hệ thống đèn (chiếu sáng, phanh, báo rẽ), còi, bộ dụng cụ vá lốp, bơm điện, dụng cụ y tế...

Để có một hành trình thoải mái, các chuyên gia cũng khuyên chủ xe nên vệ sinh nội thất trước mỗi chuyến đi, nhằm tạo không gian sạch sẽ, dễ chịu.

Mẫu xe điện VinFast VF 3 trong một chuyến di chuyển đường dài. Ảnh: Quang Anh

Mẫu xe điện VinFast VF 3 trong một chuyến di chuyển đường dài. Ảnh: Quang Anh

Ngoài các bước trên, việc lên lộ trình nghỉ ngơi kết hợp sạc pin là yếu tố quan trọng hàng đầu khi lựa chọn di chuyển đường dài bằng ôtô điện. Đây là yếu tố không khó, thậm chí có chủ xe đã đi xuyên Đông Dương bằng chiếc VF 3, họ coi việc lên lộ trình là một thói quen văn minh khi sử dụng xe điện. Tùy theo quãng đường xa hay gần, chủ xe cần tìm kiếm các trạm sạc tương ứng quãng đường di chuyển của xe.

Hiện nay trên bản đồ Google Maps đã bổ sung tính năng tìm trạm sạc cho xe điện. Với những chiếc VinFast, người dùng có thể tìm trạm sạc qua hệ thống bản đồ trên màn hình giải trí, ứng dụng VinFast trên smartphone hoặc tham khảo danh sách các điểm sạc trên website của hãng. Ở mỗi trạm này, hãng đều ghi chi tiết số lượng trụ, loại trụ, sạc nhanh hay chậm... để phù hợp mục đích của người dùng. Trong tập Driving Skills, chuyên gia cũng tư vấn người dùng nên chuẩn bị sẵn bộ sạc di động theo xe, phòng trường hợp cần dùng tới.

Một trạm sạc xe điện VinFast tại Hà Nội. Ảnh: Quang Anh

Một trạm sạc xe điện VinFast tại Hà Nội. Ảnh: Quang Anh

Yếu tố tiếp theo được chuyên gia chỉ ra, tài xế không nên di chuyển với tốc độ quá cao, bởi tương tự xe xăng, dầu, mức tiêu thụ năng lượng của xe điện cũng phụ thuộc vào một số yếu tố như: tốc độ di chuyển, môi trường (nắng nóng hoặc mát mẻ), đường xấu, đường đèo dốc... Đi vận tốc càng cao thì xe càng tốn pin/ nhiên liệu hơn. Khi muốn gia tăng quãng đường di chuyển cho xe điện, tài xế nên đi ở dải tốc độ đều đặn.

Cuối cùng, tài xế không nên quá phụ thuộc vào quãng đường di chuyển được ước tính trên xe, hay con số được nhà sản xuất công bố, bởi điều kiện di chuyển trên mỗi cung đường là khác nhau. Vị chuyên gia dẫn chứng từ chiếc VF 3, khi sạc đầy pin xe báo di chuyển được khoảng 210 km, tuy nhiên chúng ta không nên chọn điểm sạc cách nhau đúng 210 km, mà nên chọn khoảng cách thấp hơn con số này.

Website của VinFast hiển thị vị trí các trạm sạc trên toàn quốc. Ảnh: chụp màn hình

Website của VinFast hiển thị vị trí các trạm sạc trên toàn quốc. Ảnh: chụp màn hình

"Ngoài chiếc xe, bản thân người lái cũng nên nghỉ ngơi, không nên lái xe liên tục với quãng đường quá dài. Bất kể xe xăng hay điện, tài xế nên dừng nghỉ sau mỗi 120-150 km lái xe liên tục, lúc này có thể kết hợp sạc pin cho xe", chuyên gia Tiến Trần nói trong tập Driving Skills. Anh thêm rằng, nhiều người thường có tâm lý "lo lắng ảo" như xe hết pin giữa đường, sạc ở đâu... Nhưng thực tế, đã có rất nhiều người sử dụng xe điện để đi đường dài như các tài xế taxi dịch vụ, gia đình sử dụng xe trong những chuyến dã ngoại, thậm chí xuyên Việt... mà không gặp trở ngại.

Hai mẫu ôtô điện VinFast trong tập Driving Skills. Ảnh: Quang Anh

Hai mẫu ôtô điện VinFast trong tập Driving Skills. Ảnh: Quang Anh

Các chuyên gia cho rằng, việc lên lộ trình trước chuyến đi là một thói quen rất văn minh, giúp người dùng làm chủ được thời gian, địa điểm di chuyển, nghỉ ngơi... để có những chuyến đi ý nghĩa và nhiều cảm xúc.

Tuấn Vũ

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận