Toyota công bố nhà máy sản xuất pin trị giá 14 tỷ USD ở Bắc Carolina đã đi vào hoạt động, sau khi khởi công từ tháng 11/2021. Đây là nhà máy sản xuất pin đầu tiên của Toyota ở ngoài Nhật Bản, và là nhà máy sản xuất thứ 11 của Toyota tại Mỹ. Cơ sở này sản xuất pin cho xe hybrid, plug-in hybrid và xe thuần điện.
![Nhà máy pin xe điện của Toyota tại Bắc Carolina, Mỹ trong giữa 2023. Ảnh: Toyota](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/08/nha-may-toyota-1738995867-7009-1738996015.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Y6gODqqmgxvPGBPdjE-ZRw)
Nhà máy pin xe điện của Toyota tại Bắc Carolina, Mỹ trong giữa 2023. Ảnh: Toyota
Theo kế hoạch, nhà máy bắt đầu giao những khối pin đầu tiên vào tháng 4. Khi hoạt động hết công suất, hãng Nhật dự kiến sản lượng sẽ đạt hơn 30 GWh mỗi năm, đồng thời tạo ra khoảng 5.000 việc làm, hứa hẹn trở thành trung tâm mới của ngành sản xuất pin Bắc Mỹ. Hiện Toyota đã đầu tư vào Mỹ 49 tỷ USD, cung cấp 280.000 việc làm.
Nhà máy pin của Toyota tại Mỹ có cơ sở để luôn "nóng máy", khi theo báo cáo của hãng, thị trường tiêu thụ chính dòng xe hybrid của Toyota là Bắc Mỹ. Về doanh số, lượng xe hybrid bán ra tăng 21,1% lên thành 4,14 triệu trong năm 2024, chiếm 40% doanh số toàn cầu của hãng Nhật trong năm vừa qua.
Thay vì tập trung tại quê nhà Nhật Bản, Toyota giờ đây chuyển hướng chiến lược với phương pháp tiếp cận gọi là "Best in town" (tốt nhất tại địa phương). Theo đó, hãng sẽ đầu tư sản xuất tại địa phương, tạo ra sản phẩm địa phương hóa thông qua cách tiếp cận đa chiều.
Tiếp cận đa chiều của Toyota thể hiện ở việc hãng "không bỏ trứng vào một giỏ". Nếu thuần điện là đích đến của hầu hết các công ty toàn cầu, thì Toyota cho rằng có nhiều cách để giảm tác động đến môi trường. Akio Toyota, Chủ tịch hội đồng quản trị Toyota, cho rằng không phải cứ chuyển hết phương tiện thành thuần điện là giải quyết được bài toán phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
![CHiến lược tiếp cận đa chiều để đạt trung hòa khí thải của Toyota. Ảnh: Toyota](https://i1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/10/toyota-multi-path-strategie-17-7163-3933-1739175771.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=jTjpt02norEC3GluJ0u9hw)
Chiến lược tiếp cận đa chiều để đạt trung hòa khí thải của Toyota. Ảnh: Toyota
Hiện Toyota có 6 hướng phát triển sản phẩm để đạt trung hòa khí thải, gồm thuần điện (BEV), hybrid (HEV), plug-in hybrid (PHEV), động cơ đốt trong trung hòa khí thải (ICE CN), động cơ sử dụng hydro (H2) và pin nhiêu liệu (FCEV). Tùy từng thị trường, Toyota sẽ áp dụng loại sản phẩm phù hợp.
Ví dụ tại Việt Nam, Toyota là hãng tiên phong giới thiệu sản phẩm hybrid. Hiện HEV là lựa chọn chiến lược của hãng với hầu hết các sản phẩm đều có phiên bản hybrid. Trong top 5 xe hybrid bán nhiều nhất thị trường Việt 2024, Toyota chiếm tới 3 mẫu là Innova Cross, Corolla Cross và Yaris Cross.
Bên cạnh Mỹ, Toyota cũng tiết lộ các kế hoạch riêng để thách thức BYD và các nhà sản xuất xe điện hàng đầu khác tại thị trường Trung Quốc. Cụ thể, Toyota thông báo thành lập công ty con 100% vốn chủ sở hữu tại Thượng Hải để sản xuất xe điện và pin cho các dòng xe điện Lexus. Theo kế hoạch, công ty này bắt đầu sản xuất từ năm 2027, dự kiến cho ra 100.000 xe mỗi năm. Ở giai đoạn đầu, công ty dự tính tạo ra 1.000 việc làm. Toyota cho biết mục tiêu của họ là "trở thành một công ty được người dân Trung Quốc yêu mến và ủng hộ nhiều hơn".
Những kế hoạch trên cho thấy Toyota đang nghiêm túc với xe thuần điện, bên cạnh xe hybrid vốn đã trở thành vũ khí lợi hại của hãng để cạnh tranh trên toàn cầu. Với xe thuần điện, cơ hội cạnh tranh còn rất lớn. Tại Mỹ, năm 20204 Toyota bán 18.750 xe SUV điện bZ4X, trong khi đó "đồng hương" Honda bán được 33.000 mẫu SUV điện Prologue, và Nissan Ariya là 19.800 xe. Còn tại Trung Quốc, các thương hiệu nội địa với trợ lực từ chính phủ đang nổi lên nhanh chóng ở mảng xe điện, nên Toyota càng gắt gao trong chiến lược để có thể khẳng định giá trị của một hãng xe làm ôtô truyền thống chuyển sang xe điện.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận