Vụ tai nạn hôm 20/4 tại Tam Đảo. Video: Phan Thành Quyết
Vụ tai nạn tại Tam Đảo hôm 20/4 với hai cô gái đi xe ga cho thấy người lái không thể kiểm soát chiếc xe khi di chuyển tốc độ cao, xe không bám sát làn đường bên phải. Để đi đường đèo, điều tiên quyết với người lái là duy trì tốc độ phù hợp, một tốc độ đủ chậm để cảm thấy nếu xảy ra tình huống bất ngờ có thể phanh ngay hoặc đủ để uốn theo góc cua, nhất là những cua tay áo. Một kỹ năng để duy trì tốc độ thấp là phanh động cơ, áp dụng trên tất cả các loại xe từ hai bánh tới bốn bánh. Dưới đây là kỹ năng phanh động cơ, áp dụng trên xe số và xe ga.
Đổ đèo bằng xe số
Xe sử dụng động cơ đốt trong khi giảm ga hoặc đưa xe về số thấp luôn sinh ra lực hãm động cơ, giúp xe giảm tốc mà không cần đến phanh. Lực hãm này hình thành khi bướm ga khép lại, tạo lực chân không bên trong piston, cản trở sự quay của trục khuỷu, từ đó tạo lực cản và làm chậm vòng quay bánh xe.
Việc chuyển về số thấp hơn cũng làm tăng lực cản và tăng cường hiệu ứng phanh động cơ. Đó chính là lý do khi tài xế nhả ga và về số thấp, động cơ gầm to và tốc độ xe giảm đáng kể, ngay cả khi không dùng đến phanh.
Cơ chế phanh động cơ giúp xe không phụ thuộc vào một hệ thống phanh duy nhất để giảm tốc độ, qua đó hạn chế rủi ro cụm phanh chính hoạt động quá ngưỡng khiến má phanh nóng hoặc dầu phanh bị sôi, khiến phanh có thể giảm tác dụng trong trường hợp tài xế xuống dốc dài.
Do đó khi sử dụng xe số khi xuống dốc, tài xế cần về số thấp và không "âm côn" (ngắt côn, ngắt ly hợp) để xe trôi tự do, mà cần đưa xe về số thấp để giảm tốc độ. "Lên dốc số nào xuống dốc số đó" là khẩu ngữ được dùng ở tình huống này.
Xe số tai nạn khi đổ đèo, tháng 11/2024. Video: CTV
Đổ đèo bằng xe tay ga
Địa hình dốc không phải là lựa chọn tối ưu của xe tay ga, vì tài xế không thể chủ động lựa chọn số thấp để hãm động cơ. Tuy vậy nếu đây là lựa chọn duy nhất, xe vẫn có thể sinh ra lực hãm động cơ khi đổ đèo, nhưng cách vận hành khác với xe số.
Phanh động cơ trên xe ga thực chất là lợi dụng độ bám của côn (ly hợp) để giảm tốc độ của xe. Hiện tượng phanh động cơ diễn ra khi tài xế nhả ga, tuy nhiên sẽ mất tác dụng một khi vòng tua của máy xuống mức thấp. Chính vì thế nếu xe ga đổ dốc mà thả hết ga ngay từ đầu, các lá côn sớm bị ngắt. Lúc này xe sẽ bị trôi tự do theo mà không có lực nào hãm lại. Kết quả là quãng đường để phanh đứng dài hơn, hoặc tài xế khó kiểm soát tốc độ của xe như khi đi trên đường bằng.
Chính vì thể để phanh động cơ trên xe ga luôn hoạt động, tài xế cần mớm ga khi vòng tua xuống thấp (động cơ không còn gầm, tiếng máy êm) để ly hợp luôn bám. Lúc mớm ga tài xế có thể rà nhẹ phanh để xe không bị vọt mất kiểm soát. Duy trì tốc độ của xe ở khoảng trên 20 km/h khi đổ đèo là tốt nhất, vì dưới mức này ly hợp dễ bị ngắt. Trong suốt quá trình đổ đèo, cần lặp lại quá trình rà phanh - mớm ga nếu xe bị trôi tự do.
Như vậy, việc nghe âm thanh và cảm nhận độ êm của động cơ là rất cần thiết nhằm biết rõ khoảnh khắc côn bị ngắt trên xe ga, từ đó có thể mớm ga nhằm giúp xe không bị trôi tự do.
Ngoài ra dù là xe số hay xe tay ga, các yếu tố làm giảm khả năng phanh của xe mà tài xế cần lưu ý là tải nặng, phanh mòn hoặc bánh mòn. Chính vì thế việc bảo dưỡng xe và kiểm tra kỹ phanh, lốp trước mỗi chuyến đi là điều cần thiết để lái xe trên đèo núi an toàn hơn.
Hồ Tân
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận