Khảo sát về phương tiện thay thế khi Hà Nội có thể cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1/7/2026 được VnExpress thực hiện trong ngày 15/7, dựa trên mẫu gần 13.000 độc giả. Trong đó, 86% độc giả đang sinh sống tại Hà Nội. Độ tuổi làm khảo sát chiếm nhiều nhất là tuổi trung niên 30-50 với 70%, đứng thứ hai là 18-30 với 19,6% và người trên 50 tuổi chiếm 10%.
Theo đó, với câu hỏi phương án di chuyển vào Vành đai 1 là gì nếu cấm xe máy xăng, có 3 lựa chọn chính là phương tiện công cộng, xe ôm/taxi công nghệ và mua xe máy điện để sử dụng. Tỷ lệ lựa chọn phương án như sau:
Phương tiện công cộng là ưu tiên đầu tiên, với 33,6% độc giả lựa chọn. Sau đó là đi xe ôm, taxi công nghệ chạy điện với 28,9%. Phương án mua xe máy điện đứng thứ ba với 24,2% độc giả cân nhắc. Ngoài ba lựa chọn trên, các lựa chọn thiểu số khác như đi xe đạp, đi bộ hoặc tính toán chuyển nơi sinh sống, làm việc ra khỏi Vành đai 1.
Hiện tại hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội vào bên trong Vành đai 1 có tàu điện trên cao, xe buýt. Trong khi tàu điện còn ít tuyến và chưa đi sâu vào lõi của các khu phố trung tâm thì khá nhiều tuyến xe buýt luôn trong tình trạng đông đúc, quá tải vào giờ cao điểm.
Hầu hết các ý kiến góp ý trong khảo sát trên đều mong muốn thành phố cần hoàn thiện và mở rộng mạng lưới giao thông công cộng, trong đó dễ triển khai nhất là xe buýt điện. Tăng số chuyến, quy hoạch tuyến đường, các loại xe trung chuyển để giúp người dân kết nối giữa vành đai 1 và giao thông bên ngoài.
Hôm 15/7, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cũng cho biết Hà Nội cho biết sẽ mở rộng mạng lưới giao thông công cộng bằng xe điện, chuyển đổi toàn bộ xe buýt, taxi và xe trung chuyển từ 4 đến 16 chỗ hoạt động trong vành đai 1. Hệ thống đường sắt đô thị cũng sẽ được đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu đi lại khi phương tiện cá nhân bị hạn chế.
Với lựa chọn mua xe máy điện để thay thế cho xe xăng, hầu hết người dùng làm khảo sát mong muốn có những chính sách phù hợp từ chính quyền để khuyến khích người dân. Chính sách được nhiều người mong mỏi nhất là hỗ trợ đổi xe xăng sang xe điện theo kiểu đổi ngang, tức không tốn thêm chi phí, hoặc chỉ tốn thêm một phần nhỏ chi phí. Hơn 66% số người làm khảo sát chọn phương án này.

Người dân đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Phạm Chiểu
Chính sách thứ hai với 46% độc giả muốn được hưởng là hỗ trợ tài chính khi mua xe, như hỗ trợ tiền mặt, lãi suất vay trả góp hay các loại thuế, phí khác lên xe điện và đánh vào việc sở hữu xe điện. Ví dụ: miễn phí trước bạ, giảm phí đăng ký...
Chính sách thứ ba nhiều người muốn có là cơ chế ưu đãi cho xe điện khi sử dụng, với 44% độc giả lựa chọn. Các ưu đãi này như ưu tiên chỗ đỗ, miễn phí trông giữ, ưu đãi chi phí sạc, bố trí nơi dừng đỗ riêng tại các ngã tư...
Với những độc giả còn dè dặt với xe điện, các lý do chính bao gồm: lo ngại an toàn cháy nổ, thời gian sạc lâu, hệ thống trạm sạc chưa đáp ứng, không có chỗ sạc điện tại nhà (55%), dung lượng pin giảm nhanh (55%), giá mua xe điện cao (48%), quãng đường di chuyển chưa phù hợp (45%).
Với những vấn đề trên, ông Dương Đức Tuấn cũng cho biết thành phố sẽ kêu gọi các hãng xe cung cấp phương tiện xanh với chính sách ưu đãi về giá bán và chi phí sử dụng; đồng thời kiến nghị tiếp tục miễn, giảm lệ phí trước bạ và đăng ký xe điện. Hà Nội cũng sẽ chuẩn hóa hệ thống trạm sạc, đổi pin cho xe điện; tích hợp các yêu cầu an toàn như phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ. Các trạm đổi pin sẽ có sự tham gia của nhiều hãng, tạo thuận lợi cho người dân chuyển đổi phương tiện.
Đức Trí
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận