Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự hội nghị |
Sáng 7-3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Trong số 19 luật, nghị quyết (gồm 8 luật, 11 nghị quyết) vừa được Quốc hội thông qua tại 2 kỳ họp kể trên, có những luật chứa nhiều nội dung mới và phức tạp như: Luật Đất đai; Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Các tổ chức tín dụng…
Tham luận tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng kiến nghị, đối với công tác triển khai Luật Nhà ở, Chính phủ cần chỉ đạo sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Nhà ở bảo đảm tiến độ, chất lượng, đồng bộ với các luật có liên quan mới được Quốc hội thông qua như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng tham luận |
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chủ động có các giải pháp hiệu quả để điều tiết giá nhà ở như tập trung phát triển mạnh nhà ở xã hội phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình và thấp; đẩy nhanh tiến độ phê duyệt các dự án phát triển nhà ở để tăng nguồn cung, sẵn sàng can thiệp khi thị trường có dấu hiệu tăng “nóng”, “sốt ảo”…
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh góp ý, để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống thì các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai phải có hiệu lực đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật.
Ông Thanh cho biết thêm, trong năm 2024, Quốc hội thực hiện giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023. Kết quả cuộc giám sát này sẽ là căn cứ quan trọng để xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bất động sản...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu bế mạc |
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điểm lại, hội nghị đã nghe hai báo cáo quan trọng của UBTVQH và Chính phủ đầy đủ và khái quát, thống kê cụ thể hơn 400 nội dung chi tiết gắn với từng cơ quan và thời hạn để quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua.
Theo Chủ tịch Quốc hội, đến thời điểm này, việc triển khai thi hành 19 luật, nghị quyết mới đã có những kết quả đáng ghi nhận, song mới chỉ là bước đầu. Khối lượng công việc cần tiếp tục thực hiện là rất lớn, nhất là khi nhiều luật của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 vừa qua có số lượng điều luật, nội dung giao Chính phủ, các cơ quan quy định vừa nhiều, vừa khó, vừa đòi hỏi cao về tiến độ. Điều đó đòi hỏi sự tập trung, nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cơ quan.
Về các nhiệm vụ tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, UBTVQH tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ và đôn đốc các cơ quan thực hiện kịp thời.
Với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.
Đặc biệt, phải khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 56 văn bản quy định chi tiết bảo đảm tiến độ, chất lượng để kịp thời có hiệu lực cùng với các luật, nghị quyết mới, có tính khả thi, nhất quán, đồng bộ trong hệ thống văn bản pháp luật.
“Cần hết sức lưu ý với các văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản,.. không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện” - Chủ tịch Quốc hội nói.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh thêm, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn với tăng cường thanh kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.anninhthudo.vn
Tham gia bình luận