Việt Nam là điểm đến quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Việt Nam là điểm đến quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Ngôi sao sáng trong 5-10 năm tới

Lễ khai trương Văn phòng Nông nghiệp và Nông sản (IPAAO) của Canada ở Thủ đô Manila của Philippines do đích thân Bộ trưởng Nông nghiệp Canada Lawrence MacAulay thực hiện cho thấy, Canada mong muốn văn phòng này sẽ góp phần củng cố các cơ hội thương mại và hợp tác trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và nông sản tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Được biết, mô hình của IPAAO tại Thủ đô của Philippines sẽ cho phép Canada áp dụng cách tiếp cận toàn khu vực trong hoạt động tại khu vực này.

Việt Nam và Mỹ đang nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Việt Nam và Mỹ đang nâng cấp quan hệ trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Joe Biden theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một năm trước, Canada đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với 1 trong 5 mục tiêu chiến lược là mở rộng thương mại, đầu tư và khả năng phục hồi chuỗi cung ứng. Mô hình của IPAAO tại Thủ đô của Philippines sẽ cho phép Canada áp dụng cách tiếp cận toàn khu vực trong hoạt động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhóm lưu động của văn phòng này sẽ phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan để xây dựng quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời tận dụng các cơ hội xuất khẩu và giải quyết các thách thức chung như an ninh lương thực.

Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được coi là có tiềm năng kinh tế to lớn, chiếm hơn 1/3 hoạt động kinh tế của thế giới. Năm 2023, xuất khẩu nông sản và nông nghiệp của Canada vào khu vực này đạt tổng trị giá 22,8 tỷ USD. Nhiều chuyên gia đã đánh giá rằng khu vực là chìa khóa cho hoạt động thương mại của Canada trong năm 2024 và đây có thể là lý do quốc gia là thành viên Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) này liên tục đẩy mạnh các hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư sang đây kể từ cuối năm ngoái.

Riêng khu vực Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Canada đã trở thành bạn hàng thương mại lớn thứ 4 kể từ năm 2021, với giá trị song phương gần 32 tỷ USD. Trong bối cảnh đó, việc khai trương Văn phòng IPAAO tại Manila và chuẩn bị mở Văn phòng Đổi mới Sáng tạo (IPIO) ở Việt Nam được xem là bước tiến đáng kể hiện thức hóa cam kết của Canada trong việc thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhân dịp này, Giám đốc IPIO kiêm Trưởng đại điện Việt Nam của Cơ quan Phát triển Xuất khẩu (EDC, Canada) Nathan Andrew Nelson nêu rõ, Việt Nam là “một trong những ngôi sao sáng trong vòng từ 5-10 năm tới”.

Thông qua EDC - một tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ, Canada đã mở phái bộ thương mại thường trực tại Thủ đô Jakarta của Indonesia vào tháng 9-2023 và đang dự kiến mở Văn phòng IPIO tại TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vào mùa thu năm nay. Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN và giá trị thương mại của hai nước liên tục tăng hơn 50% kể từ năm 2015. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Canada trong năm 2023 đạt khoảng 10 tỷ USD. Giám đốc IPIO kiêm Trưởng đại điện Việt Nam của EDC Nathan Andrew Nelson cho biết, mục tiêu của EDC là tăng cường thương mại giữa Canada và Việt Nam. Ông dự báo hai nước có thể tăng gấp đôi giá trị thương mại trong vài năm tới.

Tháng 3 tới, một phái đoàn thương mại Canada do Bộ trưởng Thương mại quốc tế Mary Ng dẫn đầu, với 150 doanh nghiệp hàng đầu dự kiến sẽ tới Việt Nam. Chuyến đi được coi là để thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Canada và cũng là để mở rộng sự hiện diện của Canada tại khu vực ASEAN.

Là một đối tác quan trọng của Canada trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đang mang lại nhiều cơ hội cho các sản phẩm và dịch vụ của quốc gia Bắc Mỹ này tiếp cận thị trường nội địa cũng như của ASEAN. Việt Nam vì thế, theo ông Nathan Andrew Nelson, là một trong số những quốc gia được ưu tiên trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Canada.

Nâng cao vị thế, uy tín của đất nước

Canada là một trong những nhiều quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, có vai trò, ảnh hưởng toàn cầu xem Việt Nam là một ưu tiên trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này có thể thấy rất rõ thời gian qua, đặc biệt là năm 2023 vừa qua và những ngày đầu năm 2024 này.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều vị nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Chính phủ các quốc gia. Đó là các chuyến thăm chính thức của Thủ tướng CHDCND Lào Sonexay Siphandone, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank - Walter Steinmeier, Tổng thống Philippines Ferdinand Romualdez Marcos… Điều này tiếp nối năm 2023 có những hoạt động đối ngoại rất sôi động với nhiều dấu ấn nổi bật thể hiện vị thế ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực cũng như trên thế giới.

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, nổi bật là quan hệ với các nước láng giềng, Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và nhiều đối tác khác là những cường quốc toàn cầu. Đặc biệt, trong năm qua, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới mà cả Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình; Tổng thống Mỹ Joe Biden thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước.

Không chỉ là điểm đến của nguyên thủ hai cường quốc hàng đầu toàn cầu, hai bên còn nâng tầm quan hệ. Trong đó, việc Việt Nam và Trung Quốc nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại; và Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Nâng cấp, nâng tầm quan hệ hợp tác, đối tác là nội dung quan trọng hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta thời gian qua với các quốc gia. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, các nhà lãnh đạo chủ chốt của nước ta đã tiến hành hơn 180 hoạt động đối ngoại song phương và đa phương quan trọng, trong đó có gần 50 chuyến thăm và chủ trì đón gần 50 đoàn cấp cao nước ngoài vào thăm Việt Nam và khoảng 90 hoạt động đối ngoại trực tiếp, trực tuyến khác, tham dự gần 30 hội nghị quốc tế trực tuyến. Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ta đã trực tiếp thực hiện gần 100 hoạt động đối ngoại, trong đó có những hoạt động đối ngoại đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, tạo nền tảng quan trọng và định hướng lâu dài trong quan hệ Việt Nam với các nước.

Đến nay, Đảng ta đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới, trong đó có 92 đảng Cộng sản, 63 đảng cầm quyền, 38 đảng tham gia liên minh cầm quyền, tham chính... Về ngoại giao Nhà nước, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có 3 nước quan hệ đặc biệt, 5 nước đối tác chiến lược toàn diện, 13 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Quan hệ đối ngoại của Việt Nam trên bình diện song phương và đa phương tiếp tục được mở rộng và sâu sắc hơn, trong đó quan hệ với nhiều đối tác chiến lược quan trọng đã được nâng lên tầm cao mới với những bước phát triển mới về chất, góp phần củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, huy động tốt các nguồn lực mới từ bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế, uy tín của đất nước.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận