Hoài An nhận chiếc VinFast VF 3 vào cuối tháng 11/2024. Trong thời gian chờ lấy biển số vào giữa tháng 12, cô mang xe gắn thêm một số phụ kiện và trang trí. Ngoài camera lùi chính hãng, những phụ kiện khác như đèn LED, camera hành trình được lắp theo tư vấn từ một cửa hàng độ xe.
Một buổi tối đầu tháng 1, khi đang lái xe lưu thông trên một tuyến đường ở quận 1, An ngửi thấy mùi khét nhựa tràn vào khoang lái. Tuy nhiên vì đường đông, mới lái nên không tự tin dừng xe kiểm tra. Di chuyển tiếp 15 phút, An thấy khói xám bốc lên từ nắp ca-pô, và lửa phát ra tại vị trí này chỉ khoảng vài phút sau đó.
Cô rời khỏi xe, một số người dân dùng bình chữa cháy mini để dập lửa. Tuy vậy, ngọn lửa bùng lên nhanh, thiêu rụi hoàn toàn chiếc xe, khi đồng hồ công tơ mét chưa tới 1.000 km.
Nguyên nhân vụ cháy vẫn đang được cơ quan chức năng điều tra, tuy vậy, sau khi tham khảo thợ kỹ thuật, An tin rằng sai lầm trong độ đèn đã gây ra vụ cháy của chiếc VF 3.
Đầu tiên, dấu hiệu cháy bắt đầu từ nắp ca-pô vùng đèn, vì vậy đây là nguồn cơn, đồng thời loại bỏ được nguyên nhân cháy xuất phát từ pin. An cho biết loại đèn halogen nguyên bản trên xe có công suất 55 W, nhưng loại bóng LED mà cô thay ở cửa hàng là 90 W. "Công suất gần gấp đôi tăng áp lực lên dây dẫn, đồng thời thợ thi công các đường điện không kỹ, là nguyên nhân xe cháy", An cho biết.
Hàng ngày An chỉ sử dụng xe vào ban ngày và không mở đèn, rất hiếm khi đi xe vào ban đêm, do đó đến khi sử dụng vào buổi tối tháng 1, chuyện cháy mới xảy ra.
"Đây là bài học quá đắt đỏ cho tôi, một phần cũng là do tôi chủ quan không kiểm tra khi ngửi mùi khét, và chính tôi cũng là người đồng ý độ đèn cho sáng, chẳng ai ép cả, nên tôi mong đây là cảnh báo người khác về việc độ các linh kiện cho xe", An chia sẻ.
Với sự phát triển mạnh của các mẫu xe điện cỡ nhỏ tại thị trường Việt Nam, việc độ đèn hoặc các linh kiện khác cho các dòng xe điện đang là trào lưu mới nổi trong thời gian qua như một giải pháp để cá nhân hóa, tăng độ sáng. Các phụ tùng, linh kiện chủ xe thường gắn có thể kể đến như giá nóc, thảm lót sàn, vành, tem trang trí hoặc các đồ điện tử như đèn, camera, màn hình.
Tuy nhiên, việc độ các chi tiết không đúng quy chuẩn hoặc thiết kế ban đầu của xe có thể làm ảnh hưởng đến khả năng vận hành và độ an toàn của sản phẩm, ví dụ như gắn nhiều phụ kiện khiến xe tăng trọng lượng có thể làm giảm quãng đường đi được trong một lần sạc, gắn bánh to hơn làm sai lệch công-tơ-mét, độ thêm linh kiện điện tử ảnh hưởng đến độ an toàn của xe nếu không thi công kỹ các đường dây hoặc quá mức công suất cho phép.
Đáng chú ý, khi độ thêm các món phụ kiện lệch chuẩn, hầu hết các trường hợp nhà sản xuất sẽ từ chối bảo hành nếu có hư hỏng xảy ra. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo chủ xe chỉ nên gắn các món đồ mang tính trang trí, không gắn thêm các thiết bị khiến phần dây dẫn diện hoặc kết cấu xe bị can thiệp, nhằm đảm bảo độ an toàn, và xe vẫn được bảo hành nếu có sự cố xảy ra.
Phạm Hải
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: vnexpress.net
Tham gia bình luận