Thấy rác ùn ứ không có nơi xử lý, anh Nguyễn Nở đã chế tạo máy đốt rác kết hợp đun nước sôi phục vụ sinh hoạt với chi phí 7 triệu đồng.
Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, kỹ sư Nguyễn Nở ở xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi từng làm việc cho một công ty nước ngoài có chi nhánh ở Quảng Ngãi. Sau đó, anh lập công ty sản xuất các sản phẩm do chính anh chế tạo, có tính ứng dụng cao.
Những năm gần đây, rác thải ùn ứ trở thành vấn đề nhức nhối khi các nhà máy rác bị dừng hoạt động, do gây ô nhiễm xung quanh. Nhà anh Nở ở vùng quê gần trung tâm huyện, nhưng cũng không tránh khỏi thực trạng này. "Các xã bị ùn ứ rác do người dân gần bãi rác của huyện không cho xe rác chở vào, nên mình làm chiếc máy này để phục vụ xử lý rác ở khu vực nông thôn", anh Nở nói.
Anh cho biết thêm, các gia đình ở nông thôn có vườn rộng, thường xử lý rác bằng cách đốt. Nhưng cách này không thuận tiện vào mùa mưa, và khói bụi trong lúc đốt gây ảnh hưởng đến hàng xóm. Một số người lại tận dụng việc đốt rác để đun nước, nhưng làm như vậy thì người đốt chính là người hít phải khí độc của rác vô cơ nhiều nhất.
Kỹ sư Nguyễn Nở cho rác vô cơ qua cửa lò đốt. (Ảnh: An Bàng).
Để khắc phục những vấn đề này, anh Nguyễn Nở đã có ý tưởng về một chiếc máy vừa tận dụng nhiệt năng từ việc đốt rác, vừa xử lý được khói đưa lên cao.
Quá trình nghiên cứu kéo dài gần một năm, anh Nở theo thói quen của một nhà sáng tạo, luôn giữ kín các thiết kế của mình đến phút cuối. Những người thợ được thuê gia công, kể cả người trong gia đình cũng chỉ biết từng bộ phận chứ không thể nắm được cấu tạo tổng thể của máy.
Đến tháng 8 vừa qua, chàng kỹ sư mới ra mắt chính thức "đứa con" tinh thần của mình. Máy cao 2m, dài 1,2m, rộng 0,8m, ống khói vươn cao có thể cho ra cột khói 20m, được sản xuất với chi phí 7 triệu đồng.
Kỹ sư Nguyễn Nở và chiếc máy xử lý rác. (Ảnh: An Bàng).
Máy gồm các bộ phận chính: cửa đưa rác vào; hai buồng đốt sơ cấp, thứ cấp; cửa thu hồi gió và cấp tro sỉ; ống cấp nước, trao đổi nhiệt; bình chứa giữ nhiệt; bộ lọc nước phun sương; tủ điện để điều khiển quạt đối lưu, thiết bị phun sương; ống khói.
Tác giả của thiết bị xử lý rác diễn giải, thiết bị này sẽ được dẫn nước từ bồn chứa nước của gia đình. Nước sẽ vào máy qua hai đường: bộ ống trao đổi nhiệt và bộ lọc nước phun sương để xử lý khói.
Sau khi mồi lửa cho rác cháy, nhiệt năng sẽ truyền cho nước qua bộ ống trao đổi nhiệt bằng vật liệu inox b8, 304. Nước sôi, đủ áp suất sẽ đẩy lên bình chứa giữ nhiệt, giữ nước nóng trong vòng 24h.
Khói tạo ra được phun sương, kết hợp quạt đối lưu để hạ nhiệt độ, xử lý bớt chất độc, sau đó đưa ra ngoài. Tro tạo ra có thể tiêu hủy hoặc dùng làm gạch.
Nước sau khi đun sôi có thể dùng để chế mỳ tôm, phục vụ sinh hoạt. (Ảnh: An Bàng).
Hiện chiếc máy đang được anh Nở thử nghiệm ở gia đình. Nhiều bạn bè đánh giá cao sáng kiến của anh và cho rằng chiếc máy này đáp ứng được thực tế cấp bách khi rác thải chưa có nơi xử lý.
Hiện anh vẫn đang cải tiến chiếc máy, đặc biệt là cách xử lý độc trong khói tốt hơn. "Nếu kết quả khả quan sẽ triển khai rộng rãi ở các hộ gia đình khác", anh Nở nói.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: khoahoc.tv
Tham gia bình luận