Ngày 14/9, các bác sỹ phẫu thuật thuộc Viện Cấy ghép Langone của Đại học New York (Mỹ) thực hiện ca cấy ghép thận lợn biến đổi gene cho một bệnh nhân chết não thông báo đã kết thúc thử nghiệm phá kỷ lục về thời gian tồn tại: 61 ngày.
Quy trình thử nghiệm mới nhất này là một phần của lĩnh vực nghiên cứu đang phát triển nhằm thúc đẩy việc cấy ghép khác loài, chủ yếu là thử nghiệm kỹ thuật này trên cơ thể hiến tặng cho khoa học.
Có hơn 103.000 người đang chờ ghép tạng ở Mỹ, trong đó 88.000 người cần ghép thận.
Giám đốc Viện Langone đứng đầu cuộc phẫu thuật ở New York, ông Robert Montgomery cho biết: “Chúng tôi đã học được rất nhiều điều trong 2 tháng quan sát và phân tích vừa qua, và có nhiều lý do để hy vọng vào tương lai.”
Đây là ca cấy ghép nội tạng khác loài lần thứ 5 được ông Montgomery thực hiện. Ông cũng là người đã thực hiện ca ghép thận lợn biến đổi gene đầu tiên trên thế giới hồi tháng 9/2021.
[Bác sỹ Mỹ thực hiện thành công ca thứ hai ghép thận lợn cho người]
Trong thử nghiệm lần này, mô tế bào được thu thập cho thấy quá trình đào thải nhẹ đã bắt đầu, đòi hỏi phải tăng cường dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Bằng cách "loại bỏ" gene chịu trách nhiệm tạo ra phân tử sinh học gọi là alpha-gal - một mục tiêu hàng đầu đối với các kháng thể ở người - nhóm bác sỹ tại Viện Langone đã ngăn chặn được sự đào thải ngay lập tức.
Con lợn hiến tặng trong thí nghiệm này thuộc đàn lợn do Công ty Công nghệ Sinh học Revivicor, có trụ sở tại Virginia, chăn nuôi.
Đàn lợn này cũng đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt là nguồn cung cấp thịt cho những người quá mẫn cảm với phân tử alpha-gal, một chứng dị ứng do bị bọ ve đốt. Những con lợn này được nhân giống chứ không phải nhân bản, có nghĩa là có thể mở rộng quy mô dễ dàng hơn.
Nghiên cứu cấy ghép dị chủng ban đầu tập trung vào việc lấy nội tạng từ các loài linh trưởng. Năm 1984, một quả tim của khỉ đầu chó đã được cấy vào một trẻ sơ sinh, nhưng bé chỉ sống được 20 ngày.
Các nỗ lực hiện tại tập trung vào lợn, loài được cho là nguồn hiến tặng lý tưởng cho con người vì kích thước cơ quan nội tạng phù hợp, tốc độ lớn nhanh và lứa đẻ mau, cùng với thực tế chúng đã được nuôi làm nguồn thức ăn cho con người.
Tháng 1/2022, các bác sỹ phẫu thuật tại Trường Y Đại học Maryland đã thực hiện ca đầu tiên trên thế giới cấy ghép cơ quan nội tạng lợn cho người còn sống; cơ quan cấy ghép là tim. Bệnh nhân đã qua đời 2 tháng sau dấu mốc quan trọng này, nguyên nhân được cho là do xuất hiện virus cytomegalo của lợn trong quả tim cấy ghép.
Tuần trước, các nhà khoa học Trung Quốc thông báo đã nuôi cấy thành công thận chứa tế bào người trong phôi thai của lợn. Đây cũng là một giải pháp có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu nội tạng cấy ghép.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo các vấn đề đạo đức, đặc biệt khi tìm thấy một số tế bào người trong não lợn./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Tham gia bình luận