Đảy mạnh ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Đảy mạnh ứng dụng khoa học, nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu

Day manh ung dung khoa hoc, nang chat luong cho gao xuat khau hinh anh 1Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngành lúa gạo của Việt Nam dần chuyển đổi sản xuất để thích nghi nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường với xu hướng người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn lương thực chất lượng cao.

Thay vì chỉ sản xuất hàng hóa mà họ biết như trước đây, nông dân trồng lúa đang dần phát hiện ra thông tin và tiếp thị sản phẩm mà người mua yêu cầu.

Nâng chất theo thị trường

Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nông dân Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, dẫn đến năng suất và chất lượng lúa cao hơn.

Đồng bằng sông Cửu Long hiện có diện tích sản xuất lúa giảm xuống còn 3,8–3,9 triệu ha cho đến vụ Đông Xuân 2022–2023, nhưng giá trị lại tăng. Tỷ lệ gạo chất lượng cao đạt gần 50% nhờ các giống lúa chất lượng cao, phẩm chất đặc sản được nông dân khu vực trồng ngày càng nhiều.

Theo kế hoạch, Đồng bằng sông Cửu Long sẽ đạt sản lượng 24 triệu tấn lúa vào năm 2023, vẫn duy trì diện tích khoảng 3,9 triệu ha. Nông dân vẫn tiếp tục áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật, với ưu tiên hàng đầu là giảm khối lượng giống gieo sạ.

Khối lượng gieo sạ hiện đã giảm từ 150kg/ha xuống còn 120kg/ha, thậm chí nhiều nơi giảm thấp hơn, còn dưới 100kg/ha.

Về cơ cấu giống, ưu tiên các giống lúa ngắn ngày chất lượng cao, giống lúa thơm phù hợp với nhu cầu thị trường. Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đang tăng lên do điều này.

[Nhiều tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất khẩu gạo trong năm 2023]

Về diện tích và sản lượng lúa gạo, Đồng Tháp đứng thứ ba trên toàn quốc. Không những vậy, tỉnh này đã tập trung sản xuất lúa chất lượng cao, lúa sạch theo hướng hữu cơ để phục vụ thị trường xuất khẩu.

Theo ông Lê Quốc Điền, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, kế hoạch phát triển ngành lúa gạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025 sẽ tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế và hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo diện tích trồng lúa 470.940 ha, sản lượng 3,1 triệu tấn; trong đó, diện tích sản xuất lúa hữu cơ đạt 600 ha, ứng dụng đồng bộ giải pháp giảm giá thành, cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ thông minh gắn truy xuất nguồn gốc và chuỗi giá trị trên cây lúa...

Hiện nay, mặt hàng gạo của tỉnh Đồng Tháp đã xuất khẩu thành công tới 32 thị trường; trong đó, thị trường Philippines chiếm 56,4% và Singapore 12,4%, còn lại là các thị trường khác. Tỉnh Đồng Tháp hướng nông dân sản xuất lúa hữu cơ, chất lượng cao, mang lại hiệu quả cho nông dân vì lợi thế thị trường.

Theo ông Phạm Hữu Tình, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Thọ của huyện Tam Nông, việc sử dụng phân hữu cơ giúp đất duy trì độ màu mỡ, cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng và sâu bệnh ít.

Mô hình này mang lại lợi nhuận cao hơn bên ngoài là 4,6 triệu đồng/ha. Sau khi thu hoạch lúa, một phần rơm trên ruộng được nông dân trồng tiếp nấm rơm (lợi nhuận 30 triệu đồng/vụ), phần rơm còn lại được xử lý phân nhanh chóng trả lại dinh dưỡng cho đất. Sau đó, rơm sẽ được tiếp tục ủ để tạo ra phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Doanh nghiệp tăng đầu tư

Một phần là do sự đồng hành của doanh nghiệp, các sản phẩm gạo chất lượng cao có sự phát triển rõ rệt. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã góp phần đưa hạt gạo Việt Nam tiếp cận thị trường toàn cầu, nơi có nhiều thị trường khó tính đón nhận; trong đó có thị trường Nhật Bản.

Day manh ung dung khoa hoc, nang chat luong cho gao xuat khau hinh anh 2Công nhân Tập đoàn Lộc Trời đóng gạo xuất khẩu. (Ảnh: Phạm Hậu/TTXVN)

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2023, cả nước xuất khẩu hơn 700.000 tấn gạo, trị giá hơn 370 triệu USD, giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá so với cùng kỳ năm 2022. Philippines tiếp tục dẫn đầu thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam, tiếp theo là Indonesia và Trung Quốc.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, khi nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn có xu hướng tăng, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng. Để duy trì thị trường truyền thống và mở rộng sang các thị trường mới, vấn đề đặt ra là phải tiếp tục nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, nhất là trong điều kiện nhu cầu về chất lượng gạo của các quốc gia nhập khẩu ngày càng tăng.

Nhiều doanh nghiệp chung tay tạo ra nguồn vật tư sạch để cung ứng cho người sản xuất sạch để có sản lượng gạo chất lượng cao cung ứng cho thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Green Stars, cho biết trong thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với cơ quan quản lý ngành nông nghiệp ở một số địa phương triển khai vùng sản xuất lúa an toàn không chứa thuốc bảo vệ thực vật.

Chi phí đầu tư của nông dân bình quân giảm từ 10-15% ở các tỉnh khác nhau và các vụ canh tác khác nhau, trong khi bình quân lợi nhuận tăng từ 8–10% ở các tỉnh khác nhau.

Không những vậy, có doanh nghiệp cũng đã dạy nông dân kỹ thuật sản xuất vừa tiết kiệm giống vừa tăng năng suất lúa.

Đại diện Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ Lộc Trời đã triển khai mô hình mặt ruộng không dấu chân đến nhiều địa phương sản xuất lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long, cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm lượng giống sử dụng (giảm 30%), lượng phân và thuốc bảo vệ thực phẩm sử dụng (sử dụng giảm 20%) và đồng bộ hóa cơ giới hóa.

Khi triển khai, nông dân sẽ được đào tạo toàn bộ quy trình giúp giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng trên đồng ruộng nhưng vẫn bảo đảm năng suất; đồng thời nâng cao chất lượng nông sản đầu ra cho nên rất thuận lợi trong khâu tiêu thụ và mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Với những hướng đi này, nông dân Việt Nam sẽ dần thay đổi, chất lượng hạt gạo của đất nước sẽ thay đổi, số lượng giảm nhưng chất lượng và giá trị hạt gạo ngày càng tăng, cải thiện hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho người dân./.

Trinh Hoàng Nhan (TTXVN/Vietnam+)

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận