Anh Nguyễn Văn Tuân, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Sản xuất Cáp điện, Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS VINA, là tác giả của sáng kiến "Giảm tỷ trọng lõi dẫn, giảm giá thành sản xuất cáp điện" được đưa vào ứng dụng từ đầu năm 2021.
Sáng kiến đã làm lợi cho công ty 38,7 tỷ đồng trong năm 2021 và năm 2022 là trên 40 tỷ đồng.
Với sáng kiến này, kỹ sư Nguyễn Văn Tuân vừa được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh là cá nhân tiêu biểu của Chương trình "1 triệu sáng kiến - Nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19" và được tặng Bằng Lao động sáng tạo năm 2022.
Sáng kiến còn đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tạo Khoa học Kỹ thuật năm 2022 do Liên đoàn Lao động Hải Phòng tổ chức.
Giá trị nhất là cảm xúc hoàn thành nhiệm vụ
Anh Nguyễn Văn Tuân, sinh năm 1984, tại xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Thời còn đi học, do mê ngành Cơ khí nên anh đã đăng ký thi Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên - ngôi trường duy nhất dạy chuyên sâu về kỹ thuật điện thời điểm đó.
Sau 5 năm học tập, để thuận lợi trong sinh hoạt gia đình, anh chọn Hải Phòng là địa phương để trải nghiệm cuộc sống của tuổi trẻ. Năm 2009, anh nộp hồ sơ thi vào Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS VINA và làm việc ở Phòng Bảo dưỡng sau đó chuyển sang Phòng Sản xuất.
Quá trình làm việc, anh chứng kiến sự phát triển của công ty bắt nguồn từ phong trào cải tiến kỹ thuật phát động trong nhà máy. Bản thân anh cũng đã có nhiều sáng kiến như: cải tiến đầu bện forming; thay đổi kết cấu khuôn bện cho cáp trần; cải tiến thiết bị cấp dầu bảo bản trên bề mặt cáp trần; cải tiến máy điền bột chống thấm cho lõi bán phần…
[Hơn 2 triệu sáng kiến của đoàn viên, lao động làm lợi 33.000 tỷ đồng]
Với sáng kiến "Giảm tỷ trọng lõi dẫn, giảm giá thành sản xuất cáp điện", khởi đầu, những người làm việc ở bộ phận sản suất lõi dẫn của công ty đều nhận thấy, thiết kế hiện tại làm tăng giá thành sản phẩm dẫn đến giảm tính cạnh tranh của công ty trên thị trường. Song làm thế nào để sửa nhược điểm này là việc hết sức khó khăn.
Năm 2018, anh được Công ty đưa sang tham quan tại Tập đoàn LSCNS Hàn Quốc và thăm một số công ty khác để tìm lời giải cho vấn đề giảm giá thành lõi dẫn. Sau khi học tập, kết hợp với những kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình làm việc, anh bắt đầu nghiên cứu, thử nghiệm.
Cụ thể, anh thay đổi kết cấu đường kính sợi các lớp cấu thành nên lõi dẫn điện để giảm nguyên liệu, thay đổi khuôn nén định hình thay con lăn nén, thay đổi chiều xoắn lớp ngoài cùng lõi thép, tăng chiều dài bước xoắn của các lớp...
Tất cả yếu tố thay đổi này nhằm đảm bảo yêu cầu giảm nguyên liệu, giảm chi phí, tiết kiệm điện năng nhưng đảm bảo tuyệt đối các yêu cầu kỹ thuật.
Sau hơn 1 năm nghiên cứu, anh báo cáo Công ty để đưa vào sản xuất. Hiệu quả của sáng kiến đã rõ nhưng khi đưa vào triển khai, sáng kiến lại "vấp phải" sự phản ứng của công nhân.
Đang quen với vận hành công cụ kỹ thuật quen thuộc, nay chuyển sang một phương pháp mới, ai cũng cảm thấy khó khăn, nhất là trong một vài lần đầu, việc vặn xoắn dây cáp khó hơn rất nhiều với phương pháp cũ.
Để xử lý phát sinh này, kỹ sư Nguyễn Văn Tuân vừa đồng hành cùng công nhân, vừa tiếp tục cải tiến các kỹ thuật và cuối cùng đã thành công, giúp giảm nguyên liệu sản xuất từ 1-2%, chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao. Công nhân làm việc thuận lợi hơn.
Anh Bùi Văn Tiến, công nhân Phòng Sản xuất cáp điện, Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS VINA, cho biết lúc đầu áp dụng bện sợi trong khuôn định hình gặp khó khăn khi chuyển chủng loại do ma sát sinh ra lớn làm biến cứng lõi, hơn nữa phương pháp này khác với sử dụng con lăn để nén trước đó.
Khi trực tiếp làm cùng các ca sản xuất và nhận diện các phát sinh, kỹ sư Nguyễn Văn Tuân đã tiếp tục cải tiến phương pháp. Sau 2 đến 3 lần thực hiện trên quy trình mới, công nhân đã quen, làm việc nhàn hơn và hiệu quả cao hơn.
Mang lại giá trị vật chất, tinh thần to lớn
Kỹ sư Nguyễn Văn Tuân chia sẻ hạnh phúc lớn nhất khi kết quả nghiên cứu trở thành hiện thực chính là cảm xúc hoàn thành nhiệm vụ. Trước đây, anh luôn trăn trở, tại sao nhiệm vụ mình được giao không đạt kết quả như mong đợi, gián tiếp làm ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của công ty?
Chia sẻ về sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Tuân, ông Đỗ Hoàng Tháp, Giám đốc Nhà máy, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS VINA cho biết năm đầu triển khai, sáng kiến đã đạt lợi ích khoảng 37,8 tỷ đồng, năm thứ 2 là trên 40 tỷ đồng và giá trị này tiếp tục gia tăng.
Từ sáng kiến của kỹ sư Nguyễn Văn Tuân cũng như các kỹ sư khác, chất lượng sản phẩm của công ty ngày càng được nâng cao, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, từ đó, tạo việc làm duy trì và tăng thu nhập cho người lao động.
Theo ông Đỗ Hoàng Tháp, Công ty Cổ phần Cáp điện và Hệ thống LS VINA là doanh nghiệp liên doanh giữa Tập đoàn LSCNS Hàn Quốc chiếm 85% và thành phố Hải Phòng chiếm 15% vốn góp. Thị phần của công ty ở khắp thế giới, tập trung vào các quốc gia châu Âu và một số nước ở khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.
Thành công của công ty do nhiều yếu tố, trong đó phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" Công đoàn Công ty triển khai thực hiện, hiệu quả thông qua các chương trình như tiết kiệm giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, một người làm việc bằng hai.
Các chương trình đã phát huy năng lực sáng tạo, nghiên cứu của đoàn viên, người lao động, từ đó tìm ra các giải pháp, sáng kiến hay, cách làm mới nhằm đem lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, trong đó, tiêu biểu là việc tiết kiệm giảm giá thành.
Với chương trình này, kỹ sư Nguyễn Văn Tuân cùng các kỹ sư khác nghiên cứu cải tiến và chế tạo thành công các loại kết cấu lõi dẫn điện của cáp có hiệu suất truyền tải điện cao nên giảm được 5% trọng lượng nguyên liệu góp phần thay đổi cách thức mua hàng hóa, nguyên vật liệu có chất lượng, giá cạnh tranh, giao hàng đúng hẹn đã tiết kiệm cho công ty từ vài chục đến hơn một trăm tỷ đồng.
Từ những kết quả đã đạt trong phong trào thi đua "Lao động giỏi, lao động sáng tạo," mỗi năm Công ty có từ 3 đến 5 đề tài, giải pháp được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo. Việc ghi nhận, tôn vinh các sáng kiến góp phần nhân lên ngọn lửa đam mê và là động lực để mỗi cá nhân tích cực phấn đấu.
Ngoài lợi ích về kinh tế, các sáng kiến còn mang nhiều lợi ích xã hội như giảm nhẹ sức lao động, tăng tuổi thọ của máy móc thiết bị, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế chất thải ra môi trường - ông Đỗ Hoàng Tháp cho biết thêm./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Tham gia bình luận