Bạn có dễ bị muỗi đốt hơn những người xung quanh không? Nếu câu trả lời là có, nhiều khả năng bạn là "nam châm hút muỗi" và bạn sẽ cần thuốc chống muỗi mới từ Israel.
Trang tin StraitsTimes hôm 7/5 cho biết các nhà nghiên cứu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem đã tạo ra một loại thuốc chống muỗi hoàn toàn mới.
Theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học PNAS Nexus, chất chống muỗi mới được tạo ra bằng cách kết hợp các tinh thể nano cellulose (CNC) tự nhiên, một nguyên liệu thô phổ biến trong các loại bông và gỗ, với indole, một hợp chất hữu cơ có mùi khó chịu.
[8 cách loại bỏ vết muỗi đốt và đánh bại cơn ngứa khó chịu]
Theo Tiến sĩ Jonathan Bohbot, giảng viên cao cấp tại trường Đại học Hebrew và là một trong những đồng tác giả của nghiên cứu, sự kết hợp này là "chưa từng có trước đây." Sự kết hợp giữa hai chất trên sẽ có tác dụng phá vỡ các tín hiệu mà muỗi sử dụng để chọn nạn nhân hút máu.
Kết quả của nghiên cứu mới được coi là đủ để đưa ra các đề xuất bổ sung cho các nghiên cứu tiếp theo.
Trước khi đưa vào sử dụng thương mại, nhóm nghiên cứu có kế hoạch đệ trình hợp chất của họ cho các cơ quan quản lý phê duyệt.
Tiến sĩ Bohbot tuyên bố rằng hợp chất mới có hiệu quả chống muỗi và hiệu lực chống muỗi lâu hơn nhiều so với các sản phẩm khác hiện có.
Ông bổ sung nói rằng các nhà nghiên cứu mong đợi "mức độ chấp nhận sản phẩm cao" khi nó được tung ra thị trường.
Theo một số ước tính, gen chịu trách nhiệm cho 85% nguyên nhân khiến một người có khả năng bị muỗi đốt.
Công ty xét nghiệm DNA 23andMe tuyên bố đã tìm thấy 285 dấu hiệu di truyền xác định tần suất bị muỗi đốt của một người, cũng như kích thước của các vết đốt và mức độ ngứa.
Con người giải phóng các chất dễ bay hơi với đặc tính thu hút muỗi trong quá trình hô hấp. Tuy nhiên, các chất dễ bay hơi này, chẳng hạn như amoniac và acid lactic, cũng được giải phóng qua da của chúng ta và chính chúng sẽ "hướng dẫn" muỗi chích vào đâu để hút máu.
Do đó, những người tạo ra nhiều acid lactic hơn trên da sẽ hấp thụ nhiều muỗi hơn. Thật đáng buồn là chúng ta có thể thay đổi rất ít đặc điểm sinh lý này.
Đây là lý do tại sao thuốc chống muỗi là biện pháp phòng vệ duy nhất mà con người có cho đến nay và thị trường dành cho những sản phẩm như vậy dự kiến sẽ đạt 9 tỷ đô la vào năm 2026.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà nghiên cứu tại trường đại học ở Israel không phải là những người duy nhất tìm cách giải bài toán chống muỗi đối.
Diethyltoluamide, hợp chất chống muỗi phổ biến nhất hiện nay, được sử dụng trong một lượng đáng kể thuốc dạng xịt và kem bôi. Một nhóm các nhà khoa học ở Rome đã tạo ra một loại thuốc chống muỗi vào đầu năm 2023, mà họ tin rằng có hiệu quả gấp bốn lần so với Deet.
Sản phẩm đã được kiểm tra và chứng minh khả năng chống muỗi hổ châu Á, tên khoa học là Aedes albopictus, khá hiệu quả.
Người ta phát hiện ra rằng nó bảo vệ 95% những người được bôi thuốc trong vòng 8 giờ đồng hồ.
Ngược lại, Deet chỉ bảo vệ hiệu quả trong khoảng hai giờ. Sản phẩm của Italy ít độc hại hơn và mùi thơm hơn so với sản phẩm của Mỹ hiện có.
Ngoài ra, một nghiên cứu đang được tiến hành ở Mỹ để tạo ra một sản phẩm có hiệu lực chống muỗi kéo dài tới 2 tuần.
Cơ quan Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến của Mỹ đang xem xét khả năng thay đổi hệ vi sinh vật của da, nơi cộng đồng vi khuẩn và nấm sinh sống, bằng cách tác động đến hoạt động thải ra các chất dễ bay hơi thu hút muỗi./.
Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống
Nguồn tin: www.vietnamplus.vn
Tham gia bình luận