JNJ-A07 - Hợp chất mới có thể phát triển thành giải pháp điều trị sốt xuất huyết

JNJ-A07 - Hợp chất mới có thể phát triển thành giải pháp điều trị sốt xuất huyết

Theo đó,  sốt xuất huyết ảnh hưởng tới hàng chục triệu người mỗi năm, gây ra những triệu chứng nghiêm trọng đến mức mà những cơn sốt do bệnh này gây ra còn được ví là "sốt vỡ xương". Tuy nhiên, đến nay, thế giới vẫn chưa tìm được phương thức điều trị hiệu quả hay một loại vaccine phòng bệnh được công nhận rộng rãi.

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine nên biện pháp phòng bệnh là tốt nhất hiện nay

Bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị cũng như vaccine nên biện pháp phòng bệnh là tốt nhất hiện nay.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, các thử nghiệm ở các tổ chức tế bào và ở chuột cho thấy một hợp chất mới được xác định có thể vô hiệu hóa virus gây sốt xuất huyết, ngăn chặn virus này sao chép và ngăn bệnh tiến triển. Hợp chất này còn được cho là có hiệu quả trong cả phòng và chữa bệnh.

Theo các chuyên gia Scott Biering và Eva Harris từ Đại học Califonia, đây là một phát hiện thú vị trong cuộc chiến chống sốt xuất huyết toàn cầu, đại diện cho một tiến bộ lớn trong lĩnh vực điều trị căn bệnh này. Các chuyên gia này không tham gia nghiên cứu mà chỉ tham gia đánh giá khách quan cho nghiên cứu đăng trên Nature.

Hiểm họa từ bệnh sốt xuất huyết do muỗi gây ra đã biểu hiện rất rõ khi căn bệnh này ước tính ảnh hưởng tới ít nhất 98 triệu người mỗi năm và được coi là bệnh đặc hữu ở 128 quốc gia trên thế giới.

Bệnh có những triệu chứng giống cúm nặng và đôi khi dẫn đến chảy máu nghiêm trọng và tử vong ở những bệnh nhân nặng. Virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 biến thể và nếu nhiễm biến thể này thì cũng không sinh kháng thể bảo vệ trước biến thể khác. Người mắc sốt xuất huyết lần 2 thường có biểu hiện nặng hơn lần một.

Vì chưa có phương thức điều trị hiệu quả nên các biện pháp chủ yếu tập trung vào phòng dịch, trong đó có biện pháp cho muỗi nhiễm một loại vi khuẩn kháng bệnh. Trong khi đó, vaccine phòng bệnh mang tên Dengvaxia mới chỉ được cấp phép tại một số quốc gia và chỉ có hiệu quả bảo vệ trước 1 biến thể.

Theo nhà nghiên cứu Johan Neyts, nhóm thử nghiệm đưa hợp chất có tên gọi là JNJ-A07 vào các động vật đã được cho nhiễm virus gây sốt xuất huyết và nhận thấy hợp chất tạo ra "tác động chưa từng thấy".

Mô phỏng cơ chế hoạt động của hợp chất JNJ-A07 trên chuỗi protein của virus gây bệnh sốt xuất huyết

Mô phỏng cơ chế hoạt động của hợp chất JNJ-A07 trên chuỗi protein của virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Vị GS. virus học từ Đại học Leuven, Bỉ, khẳng định kể cả khi việc điều trị được bắt đầu ở giai đoạn virus đang sao chép mạnh nhất thì hợp chất trên vẫn có hiệu quả cao trong kháng virus.

JNJ-A07 hoạt động theo cơ chế nhắm đến sự tương tác giữa 2 protein trong virus gây sốt xuất huyết vốn đóng vai trò then chốt trong quá trình sao chép của virus. Đáng chú ý, hợp chất này có hiệu quả với cả 4 biến thể của virus gây bệnh sốt xuất huyết.

Nhóm nghiên cứu còn phát hiện ra rằng dù bệnh sốt xuất huyết tiến triển nhanh nhưng hợp chất kể trên hầu như không gặp thách thức đáng kể từ tình trạng kháng thuốc.

Theo GS. Nest, trong các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, với các tế bào nhiễm virus, phải mất đến gần 6 tháng nhóm mới có thể phát hiện ra một trường hợp kháng thuốc đáng kể. Và một điểm thú vị khác là ngay cả khi virus biến đổi để kháng thuốc thì sự biến đổi đó lại khiến virus mất khả năng sao chép trong các tế bào muỗi.

Điều đó đồng nghĩa rằng khi virus biến đổi để đối phó với hợp chất JNJ-A07 thì cũng mất luôn khả năng lây lan qua vật chủ trung gian là muỗi. Thêm một tín hiệu khả quan nữa là hợp chất này phát huy hiệu quả dù là được đưa vào cơ thể chuột trước khi hay sau khi nhiễm virus gây sốt xuất huyết.

Theo GS. Neyts, hiện hãng dược Johnson & Johnson đang phát triển lâm sàng loại hợp chất này. Trong thông báo mới, nhà khoa học trưởng của Johnson & Johnson, Paul Stoffels , nhận định nghiên cứu có tiềm năng to lớn góp phần đưa cuộc chiến chống bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu sang một trang mới.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh hợp chất này cần được giải đáp và nghiên cứu sâu hơn, trong đó có vấn đề liệu hợp chất này có dẫn tới nguy cơ tái nhiễm cao hơn hay không.

Về phần mình, GS. Neyst khẳng định nghiên cứu trên đã mở ra những cơ hội thú vị và gọi nghiên cứu này là một "cuộc đua kỳ thú" khi được chứng kiến hợp chất trên có tác động rất tiềm năng ở động vật.

Theo Tạp chí Điện tử

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận