Nấm bào ngư lần đầu sản xuất quy mô công nghiệp ở Việt Nam

Nấm bào ngư lần đầu sản xuất quy mô công nghiệp ở Việt Nam

Nấm được trồng trong phòng theo quy trình khép kín, tơ nấm được nuôi trong dịch thể rút ngắn thời gian sản xuất và kiểm soát quá trình phát triển.

Trước đây, việc sản xuất nấm trong nước thường không ổn định về số lượng và chất lượng sản phẩm không đều do trồng ở nhà trại, ngoài đồng với vật liệu tre nứa... Để sản xuất nấm theo quy mô công nghiệp giống như nhiều nước Đông Nam Á, các doanh nghiệp, hộ nuôi trồng đều thiếu thiết bị và kinh nghiệm, trong khi muốn đầu tư một mô hình nhà xưởng máy móc sản xuất nấm kiểu công nghiệp đòi hỏi nguồn vốn ban đầu rất lớn, nhiều rủi ro do chưa nắm được công nghệ.

Nấm đùi gà sản xuất quy mô công nghiệp.
Nấm đùi gà sản xuất quy mô công nghiệp.

Để xây dựng mô hình sản xuất nấm công nghiệp trong nước, Bộ Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ công ty công ty Nấm Trang Sinh đổi mới công nghệ quy mô công nghiệp. Nhờ đầu tư này lần đầu tiên Việt Nam có mô hình nuôi trồng nấm bào ngư theo quy trình cải tiến từ khâu làm giống đến nuôi trồng.

Theo mô hình này, toàn bộ các khâu xử lý cơ chất trồng và đóng phôi nấm đều được cơ giới hóa. Cách này giúp người trồng chủ động sử dụng được nhiều loại nguyên liệu (mùn cưa, lõi ngô, rơm, rạ, vỏ đậu phộng...) bổ khuyết cho những hạn chế khi chỉ dùng một loại nguyên liệu rơm hoặc mạt cưa như trước đây.

Nhóm nghiên cứu cũng tìm cách cải tiến quy trình làm giống bằng nuôi cấy sinh khối tơ nấm trong môi trường dịch thể, rút ngắn thời gian sản xuất giống, thay vì phải cấy chuyền qua nhiều công đoạn, dẫn đến thoái hoá, giảm cấp của giống. Với việc tạo giống bằng dịch thể, việc ứng dụng tự động hoá trong cấy giống dễ dàng hơn so với cách làm truyền thống.

Nấm tiểu yến
Nấm tiểu yến được nhiều người tiêu dùng quan tâm. (Ảnh: VNCC).

Ở khâu nuôi trồng nấm, nhóm nghiên cứu cũng đầu tư thiết bị để kiểm soát kích thích nấm kết nụ hàng loạt và cho thu hoạch cùng thời điểm. Nhờ vậy có thể chủ động trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện mỗi tháng mô hình có thể cung cấp 20 tấn nấm tươi.

Phế liệu sau trồng nấm được tận dụng làm phân bón và đất sạch góp phần giải quyết vấn đề môi trường và tạo thêm thu nhập cho người trồng.

Sản phẩm nấm được trồng theo quy trình khép kín đảm bảo không dùng thuốc trừ sâu, người trồng có thể kiểm soát được sản lượng nên không lo cảnh được mùa mất giá.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận