Ba điều bạn nên biết về Bristlecone, vi xử lý lượng tử mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại

Ba điều bạn nên biết về Bristlecone, vi xử lý lượng tử mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại

Theo trang Futurism, dự án sẽ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc biến máy tính lượng tử "trở nên thực sự hữu ích".

Ba điều bạn nên biết về Bristlecone, vi xử lý lượng tử mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại

Chắc hẳn khái niệm "máy tính lượng tử" vẫn còn khá xa lạ với nhiều người, bởi lĩnh vực này chỉ mới thực sự được đẩy mạnh và thu hút sự chú ý trong vài năm gần đây. Máy tính lượng tử là một thiết bị tính toán sử dụng trực tiếp các hiệu ứng của cơ học lượng tử như tính chồng chập và vướng víu lượng tử để thực hiện các phép toán trên dữ liệu đưa vào, và chúng hiện chỉ được sử dụng trong các lĩnh vực nghiên cứu. Để máy tính lượng tử có thể "trở nên thực sự hữu ích" đối với người dùng phổ thông, có lẽ chúng ta phải đợi thêm nhiều năm nữa.

Tuy vậy, nhận biết được tiềm năng của lĩnh vực này, Google đã bắt tay vào nghiên cứu về các máy tính lượng tử khoảng vài năm về trước. Và hôm nay, họ đã có một bước tiến rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu khi cho ra mắt Bristlecone, bộ vi xử lý lượng tử mới nhất và mạnh mẽ nhất tính đến thời điểm hiện tại.

Và dưới đây sẽ là những điều bạn cần biết về Bristlecone.

Có rất nhiều Qubit.

Ba điều bạn nên biết về Bristlecone, vi xử lý lượng tử mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại

Qubit, hay còn gọi là bit lượng tử, là các đơn vị cơ bản của thông tin trong một bộ xử lý lượng tử, so với các bit thông thường chỉ có một trong hai trạng thái 1 hoặc 0 thì qubit có cả hai trạng thái trên. Một bộ xử lý có càng nhiều qubit thì số lượng thông tin được xử lý cùng một lúc càng lớn, hay nói cách khác là càng mạnh mẽ.

IBM gần đây cũng đã sản xuất một hệ thống máy tính lượng tử với 50 qubit. Nhưng Bristle của Google lại vượt trội hơn rất nhiều, với 72 qubit.

Các công ty tham gia theo đuổi phần cứng lượng tử luôn muốn khoe khoang về số qubit họ có trong hệ thống của mình, và tuy nó không phải là yếu tố quyết định của chip xử lý máy tính lượng tử, số qubit vẫn có vai trò rất quan trọng.

Nó cần hạn chế mắc lỗi xuống mức tối thiểu.

Tuy đã trải qua nhiều tiến bộ trong nghiên cứu, qubit hiện nay vẫn chưa ổn định, chính vì vậy nếu muốn hệ thống hoạt động tốt thì phần cứng phải thật vững chắc. Các máy tính lượng tử cần giữ bộ vi xử lý trong trạng thái cực kỳ lạnh và tránh các cú sốc từ bên ngoài. Thậm chí tiếng ồn cũng có thể khiến máy tính bị lỗi.

Để máy có thể hoạt động tốt khi được điều khiển từ xa, bộ xử lý lượng tử phải có tỷ lệ lỗi thấp hơn 0,5% trên mỗi 2 qubit. Mặc dù bài đăng trên blog không nói rõ tỷ lệ lỗi của Bristlecone, nhưng Google nói rằng công ty này sẽ cố gắng giảm tỷ lệ lỗi xuống mức thấp nhất có thể. Để có thể giảm tỷ lệ mắc lỗi của con chip, các kỹ sư sẽ phải tìm cách sao cho phần mềm, các bộ điều khiển điện tử và bản thân con chip có thể làm việc một cách "hòa hợp" với nhau mà không gây ra lỗi.

Bristlecone là một bước tiến rất quan trọng của lĩnh vực lượng tử.

Ba điều bạn nên biết về Bristlecone, vi xử lý lượng tử mạnh nhất thế giới ở thời điểm hiện tại

Các nhà nghiên cứu đang làm việc rất chăm chỉ để mang máy tính lượng tử đến gần với chúng ta hơn vì họ tin rằng các thiết bị này sẽ vượt trội hơn nhiều so với những hệ thống máy tính truyền thống. Thuật ngữ "ngôi vương lượng tử – quantum supremacy" đã cho thấy rõ triển vọng của máy tính lượng tử, một cỗ máy mạnh mẽ có thể giải quyết những vấn đề mà một hệ thống truyền thống không thể. Tuy nhiên,  một số nhà nghiên cứu cho rằng điều này chỉ có thể xảy ra khi các máy tính lượng tử đạt đến mức 100 qubit. Theo bài đăng trên blog của Google, nếu con người đến được với "ngôi vương lượng tử", đó sẽ là một trong những bước ngoặt lớn nhất trong lịch sử của nhân loại.

Bristlecone tuy chưa giúp chúng ta đến được với "cảnh giới" đó, nhưng các kỹ sư thuộc nhóm nghiên cứu của Google tỏ ra rất lạc quan khi cho rằng nó chắc chắn sẽ có thể giúp chúng ta đẩy nhanh được quá trình.

Trần Vũ Đức

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận