Chuẩn Bluetooth 5: phạm vi gấp 4, tốc độ gấp 2

Chuẩn Bluetooth 5: phạm vi gấp 4, tốc độ gấp 2

Chuẩn Bluetooth 5: phạm vi gấp 4, tốc độ gấp 2 - ảnh 1

Tên gọi chính thức của chuẩn kết nối mới là "Bluetooth 5", dự kiến sẽ được ứng dụng từ cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Kết nối Bluetooth 5 có phạm vi phủ sóng gấp 4 lần và tốc độ truyền dữ liệu (đạt 2Mbps) gấp 2 lần chuẩn Bluetooth 4.2. Như vậy, việc nâng cấp công nghệ này sẽ giúp các sản phẩm di động thông minh và các thiết bị Internet of Things (IoT) trao đổi thông tin, dữ liệu hiệu quả hơn.

Còn một cải tiến đáng chú ý nữa của Bluetooth 5 là khả năng hỗ trợ đa tương tác không dây trực tiếp mà không cần thủ tục ghép đôi để trao đổi các gói thông tin hữu hạn. Ví dụ như các thông báo trực tiếp của thiết bị tĩnh tới sản phẩm di động (nhắc nhở tắt điện thoại trong phạm vi hội nghị, máy giặt đã vắt xong, bàn là quá nhiệt, tủ lạnh bắt đầu quy trình tự xả đá...). Bên cạnh đó, công nghệ mới cũng có khả năng định vị và thông báo về các thiết bị thuộc phạm vi phủ sóng (giống như GPS trong nhà).

Sau cùng, Bluetooth 5 cũng cho phép điều chỉnh để nâng cao hiệu suất và tiêu thụ ít năng lượng hơn. Công nghệ mới sẽ hoạt động trên phần cứng mới - chip Bluetooth 5. Tuy nhiên, các thiết bị chạy Bluetooth 4.2 LE hoặc thấp hơn vẫn tương thích được với chuẩn kết nối mới (nhưng hoạt động với hiệu suất cũ).

"Bluetooth 5 sẽ thay đổi cách mọi người trải nghiệm IoT, bằng phương thức kết nối đơn giản, cập nhật dữ liệu liên tục và nhanh chóng", Mark Powell - Giám đốc điều hành Bluetooth Special Interest Group (SIG) cho biết. 

Như vậy, sau 7 năm tồn tại thì chuẩn kết nối Bluetooth thế hệ thứ 4 sắp bị thay thế. Hiện nay, có khoảng 8,2 tỷ thiết bị đang sử dụng công nghệ Bluetooth hiện hành là version 4.2.

Bluetooth là giải pháp kết nối không dây tầm gần giữa các thiết bị điện tử. Công nghệ này hỗ trợ truyền dữ liệu qua các khoảng cách ngắn giữa các thiết bị di động và cố định, tạo nên các mạng cá nhân không dây (Wireless Personal Area Network-PANs). Khác với kết nối hồng ngoại (IrDA), kết nối Bluetooth là vô hướng và sử dụng giải tần 2,4GHz.

Thuật ngữ "Bluetooth" (có nghĩa là "răng xanh") được đặt theo tên của một vị vua Đan Mạch, vua Harald Bluetooth, người Viking nổi tiếng về khả năng giúp mọi người có thể giao tiếp, thương lượng với nhau. Vào thế kỷ thứ 10, chính vị vua này đã mang đạo Tin Lành vào Đan Mạch trong khi Ericsson là công ty đầu tiên phát triển đặc tả cho công nghệ Bluetooth.

Việt Đức

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận