Cội nguồn: Lịch sử vĩ đại của vạn vật

Cội nguồn: Lịch sử vĩ đại của vạn vật

Trái với quan điểm của nhiều sử gia truyền thống tin rằng lịch sử chỉ bắt đầu khi loài người có chữ viết và nhà nước - đồng nghĩa với những gì trước đó được coi là thời tiền sử (prehistory), David Christian được biết đến như là người đi đầu trong trường phái nghiên cứu Lịch sử Vĩ đại (Big History).

David Christian (trái) và Bill Gates, hai nhà đồng sáng lập dự án Lịch sử vĩ đại. Ảnh: theaustralian.com.au
David Christian (trái) và Bill Gates, hai nhà đồng sáng lập dự án Lịch sử vĩ đại. Ảnh: theaustralian.com.au

Thay vì tập trung vào nghiên cứu nền văn minh nhân loại, Christian và những người ủng hộ trường phái Big History tập trung vào vũ trụ và chỉ ra nhân loại thích ứng như thế nào trong khuôn khổ này. Nói cách khác là đặt lịch sử nhân loại vào trong một bối cảnh rộng lớn hơn nhiều, lịch sử của vũ trụ. Các giai đoạn và thời kỳ không được diễn tả một cách thật chi tiết theo hình thức biên niên, thay vào đó, phương pháp nghiên cứu liên ngành, đa ngành và xuyên ngành được sử dụng trên cơ sở kết hợp các thành tựu mới từ cả khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội và nhân văn để giải quyết vấn đề.

Cuốn sách Cội nguồn: Lịch sử vĩ đại của vạn vật của ông chắc chắn là một ví dụ rõ nét cho điều này. Nếu không tính các phần mở đầu và phụ lục, 13,8 tỷ năm lịch sử của vũ trụ, muôn loài và nhân loại được David Christian gói gọn trong 325 trang sách. Hơn một nửa dung lượng này (183 trang) không dành cho lịch sử nhân loại, mà dành cho vũ trụ và hệ sinh quyển nơi chúng ta đang sinh sống.

Phân chia nội dung thành từng “ngưỡng” phát triển một, những biến động trong quá khứ đánh dấu những chuyển tiếp quan trọng, như là sự hình thành hệ mặt trời hay sự xuất hiện những thế hệ sơ khai của nhân loại. Mỗi ngưỡng được đánh dấu bởi sự gia tăng nhu cầu về dòng năng lượng tự do và gia tăng cả tính dễ đổ vỡ vì các điều kiện tồn tại giờ đây càng trở nên nghiêm ngặt hơn. Trước khi bước vào lịch sử của nhân loại từ ngưỡng 6, những chương đầu tiên chứa đựng những hệ thống kiến thức hóa học và vật lý nặng nề, nhưng dần chuyển qua những thông tin khoa học về sinh học và nhân chủng học, khi mà sự sống của các đơn bào dần tiến hóa thành những sinh vật phức tạp hơn.

Origin Story: A Big History of Everything của David Christian được xuất bản lần đầu vào năm 2018.
Origin Story: A Big History of Everything của David Christian được xuất bản lần đầu vào năm 2018.

Cuốn sách nêu bật sợi dây kết nối chung của lịch sử nhân loại với lịch sử vũ trụ. Nhân loại tất cả đều được tạo thành từ các hạt nguyên tử, giống như các ngôi sao, tiểu hành tinh, sinh vật và cả chính những thiết bị mà chúng ta tạo ra. Chúng ta chỉ đơn giản như là đại diện cho một sự sắp xếp các nguyên tử không chắc chắn, và cái chết là hồi kết cho câu chuyện của chúng ta, chứ không phải là hồi kết cho những thành phần đã tạo ra chúng ta. Trong bức tranh rộng lớn của vũ trụ, loài người có thể là những sinh vật phức tạp nhất, nhưng thời gian hiện diện lại không đáng bao nhiêu so với vũ trụ. Bất chấp các tiến bộ không ngừng về kỹ thuật và công nghệ, sự tồn tại của nhân loại vẫn còn lâu mới chắc chắn. Sự tồn tại của chúng ta dễ dàng bị ảnh hưởng bởi hàng loạt các biến cố bất ngờ: một tiểu hành tinh hay một hệ thống núi lửa trỗi dậy; năng lượng thô bị cạn kiệt hay một loại virus đáng sợ có thể thổi bay hàng ngàn năm văn minh nhân loại. Hoặc có thể, chủng tộc của chúng ta sẽ bị tiêu diệt bởi những chủng tộc từ bên ngoài. Những thách thức phải đối mặt là vô cùng lớn, trong khi các giải pháp không phải dễ dàng đưa ra và thành công.

Sau khi đã cung cấp một nền cảnh chung của vũ trụ và trái đất, giờ đây Christian đưa chúng ta tiếp cận lịch sử nhân loại, bắt đầu bằng việc đặt ra vấn đề về các loài linh trưởng và sự xuất hiện của homo sapiens. Vài triệu năm tổng thể lịch sử của chúng ta (và cả tổ tiên), hoặc nếu tính từ khi lịch sử của chúng ta được ghi nhận với sự xuất hiện nông nghiệp, đã cho thấy một đặc điểm quan trọng của lịch sử. Đôi khi dòng chảy lịch sử dường như chảy rất chậm, chúng ta mất hàng triệu năm để linh trưởng tiến hóa thành người, hay thời kỳ nông nghiệp của chúng ta kéo dài hàng chục ngàn năm cho đến khi cách mạng công nghiệp bắt đầu. Tuy nhiên, đôi lúc, dòng chảy lịch sử lại trở nên dồn dập và nhanh chóng. Cuốn sách này đã thể hiện rất rõ điều đó.

Quan niệm chúng ta đang sống trong một giai đoạn đổi mới chưa từng có là một sai lầm?

Một điều chắc chắn, David Christian đánh giá cao nông nghiệp và tin rằng quan niệm chúng ta đang sống trong một giai đoạn đổi mới chưa từng có là một sai lầm. Tác giả nhấn mạnh cách mạng nông nghiệp là một sự thay đổi to lớn nhất. Nó thay đổi cách con người tương tác và học hỏi, biến đổi cả cấu trúc gien của chúng ta, điều mà smart phone cho đến giờ vẫn chưa làm được.

Việc con người bắt đầu tiếp cận hoạt động canh tác và nông nghiệp là một bước tiến vĩ đại của nhân loại. Nếu coi đó là một cuộc phân công lao động, thì quả thật có thể xem đó là cuộc phân công lao động đầu tiên trong lịch sử nhân loại, khi mà những người nông dân hay người canh tác tách mình khỏi những người săn bắt và hái lượm. Nông nghiệp đã làm thay đổi hoàn toàn bộ mặt nhân khẩu học trong lịch sử. Lần đầu tiên, loài người có một hoạt động kinh tế đủ khả năng nuôi sống họ và gia đình một cách ổn định. Không chỉ vậy, nó cũng đã làm thay đổi hoàn toàn vai trò giữa người đàn ông và người phụ nữ trong xã hội. Với ưu thế của nông nghiệp, vai trò của người đàn ông trở nên quan trọng hơn và áp đảo hoàn toàn vai trò của người phụ nữ. Xã hội mẫu hệ chuyển sang phụ hệ, và người phụ nữ không bao giờ có thể giành lại vai trò lãnh đạo xã hội vốn có của mình (ít nhất là cho đến thời kỳ công nghiệp).

Nông nghiệp cũng làm biến đổi hoàn toàn xã hội loài người. Sản phẩm dư thừa làm phân hóa giai cấp, thúc đẩy nhu cầu gia tăng sản lượng của dân số đang dần phi mã cũng như kéo theo nhiều hệ lụy và ảnh hưởng to lớn. Khi mâu thuẫn giai cấp chín muồi và những nhu cầu trong việc duy trì sự hợp tác để canh tác nông nghiệp, xây dựng thủy lợi và tự vệ trước những người du mục, các nhà nước sơ khai bắt đầu hình thành. Mặc dù nhà nước hình thành trên cơ sở bảo vệ quyền lợi giai cấp thống trị, thì nó cũng đảm nhận cả trách nhiệm điều phối nguồn thực phẩm dự trữ, tập hợp nhân lực sửa chữa thủy lợi và tham gia quân đội chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài. Sự hình thành của nhà nước là dấu mốc quan trọng trong lịch sử nhân loại, đưa nhiều xã hội từ chế độ dã man đến thời kỳ văn minh. Với sự phát triển của các kỹ thuật canh tác nông nghiệp, giờ đây các đô thị - xương sống của các xã hội văn minh - được thiết lập. Các nền văn minh huy hoàng được tạo dựng bởi chính những thiểu số trong xã hội đã tách rời khỏi hoạt động sản xuất nông nghiệp.

David Christian coi văn minh nông nghiệp là một hệ sinh thái phổ quát mới được thành lập. Nếu như thực vật quang hợp từ mặt trời để trở thành thức ăn cho động vật ăn cỏ, rồi sau đó chính những loài ăn cỏ trở thành kế sinh tồn của những loài ăn thịt; thì ở hệ sinh thái mới này, chuỗi thức ăn được đại diện bởi hình thức bóc lột tô thuế và sức lao động. Các quân vương, quý tộc và quan lại bắt đầu trưng thu của cải và sức lao động của nông dân, những người sau đó lần lượt lấy năng lượng của mình để trồng trọt và cung cấp lại thức ăn cho chính mình. Hệ sinh thái này tương tự như những gì thấy trong thiên nhiên, những tầng lớp trên cùng của chuỗi thức ăn mới này có số lượng thiểu số đến hiếm hoi, trong khi những tầng lớp trung gian và nông dân chiếm đa số áp đảo. Văn minh nông nghiệp và đời sống kinh tế nông nghiệp đã chi phối lịch sử nhân loại trong hàng ngàn năm, kể từ trước cả khi Pharaoh Menes thống nhất hai miền Ai Cập cho đến khi các cuộc cách mạng công nghiệp, khoa học, kỹ thuật thay đổi thế giới một lần nữa. Cho đến khi các chiếc máy kéo sợi mở đầu cho cuộc cách mạng công nghiệp Anh thế kỷ XVIII, các đế chế huy hoàng như Ai Cập, Ba Tư, La Mã, Trung Hoa hay Ottoman trên hết là các đế chế và văn minh nông nghiệp. Một vài trường hợp hiếm hoi các thành bang Bắc Italy hay Hà Lan dù cho mang đậm chất thương nghiệp, thì vẫn phải dựa trên nông nghiệp để duy trì các điều kiện cơ bản của mình. Những thay đổi trong thời đại hiện nay và cả những nội dung trong chương 12 thể hiện sự bi quan của tác giả về tương lai mắc kẹt trong các nỗi lo khủng hoảng kinh tế và bất ổn chính trị của thế giới phương Tây.

Cuốn sách cho thấy tác giả nỗ lực không ngừng để liên kết các chuỗi sự kiện thay đổi chóng mặt mà vẫn có chủ đề bao quát và giọng điệu nhất quán. Đúng như những gì mà Christian quan niệm, ông không quan tâm đến các cuộc chiến tranh hay các đế chế, dường như các triều đại và danh nhân cứ đến và đi. Thay vào đó, ông tập trung vào các dòng chảy năng lượng, những đổi mới công nghệ từ thời tiền sử đến nay.

Tham vọng của David Chiristian không chỉ dừng lại ở việc tái hiện lịch sử nhân loại (vì dường như ông đã thành công ngay từ đầu); thay vào đó, ông nỗ lực sử dụng khoa học tự nhiên thay thế cho các ngành nhân văn khi tiếp cận nghiên cứu vấn đề. Tự tin về khoa học và công nghệ, tác giả dường như sẵn sàng tảng lờ các nền tảng nhân văn trước đó. Chưa bàn đúng hay sai, đây có lẽ sẽ là một trong cách tiếp cận mới với lịch sử nhân loại.

GS Sử học David Christian là người Mỹ gốc Anh, sinh năm 1946 tại Brooklyn, New York. Ông đã sáng lập dự án Lịch sử vĩ đại (Big History) cùng Bill Gates và từng có nhiều bài phát biểu quan trọng tại các hội nghị trên khắp thế giới, trong đó có Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos. Bài nói chuyện về Lịch sử vĩ đại trên TED Talk của David đã có hơn 7 triệu lượt xem và được đánh giá là một trong những bài nói chuyện kinh điển nhất của chương trình này. Hiện ông làm việc tại Đại học Macquarie, Australia.

Cập nhật tin tức công nghệ mới nhất tại fanpage Công nghệ & Cuộc sống

Nguồn tin:

 

Tham gia bình luận